Sinh thường là một quá trình đau đớn nhưng cũng rất hạnh phúc, để con chào đời bình an, người mẹ đã hy sinh rất nhiều.

Cơn đau khi sinh thường được ví như gãy 20 chiếc xương sườn cùng một lúc. Nhưng đâu phải ai cũng có cơ hội trải qua cơn đau đó để thấu hiểu cho những người mẹ. Những người không sinh muốn hiểu được quá trình đau đớn đó, có thể xem hành trình vượt cạn dưới đây. Với những người mẹ sắp sinh, để có sự chuẩn bị tốt cũng có thể tham khảo.

Ưu và nhược điểm của sinh thường

1. Sinh thường là gì?

uu nhuoc diem sinh thuong

Sinh thường là cách sinh con tự nhiên, còn gọi là sinh qua ngả âm đạo

Sinh thường hay sinh mổ là vấn đề khiến các mẹ băn khoăn. Sinh thường là cách sinh con tự nhiên, còn gọi là sinh qua ngả âm đạo, không có sự hỗ trợ bằng dụng cụ giúp sinh hoặc phẫu thuật. Khi chuyển dạ, cổ tử cung giãn ra, mở rộng và ngắn từ từ.

Lúc này các cơn gò xuất hiện ngày càng nhanh và đau hơn, đẩy đầu em bé dần di chuyển về phía âm đạo. Thông qua cơn rặn của mẹ, bé chào đời. Một ca sinh thường từ lúc chuyển dạ đến khi con chào đời thường kéo dài 12 – 14 tiếng ở lần sinh đầu. Những lần sinh sau sẽ ngắn hơn, nhanh hơn.

2. Ưu và nhược điểm của sinh thường

  • Ưu điểm

Em bé: Sinh thường sẽ giúp con ít gặp phải các vấn đề về hô hấp. Bé được da kề da với mẹ sớm, được ti mẹ sớm. Trong quá trình sinh, bé được tiếp xúc hệ vi khuẩn có lợi trong ống sinh của mẹ, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ đường ruột.

Người mẹ: Sinh thường giúp mẹ phục hồi rất nhanh, thường sau sinh khoảng 1 giờ là bắt đầu phục hồi. Thời gian nằm viện chỉ từ 2 – 3 ngày. Nguy cơ nhiễm trùng ít, có thể mang thai tiếp lần sau sớm hơn.

Mẹ sinh thường có thể cho con ti sớm, giúp tăng tiết sữa sớm. Việc cho con ti sớm vừa giúp bé được nhận sữa non sớm cực kỳ tốt, vừa giúp tử cung mẹ gò tốt, hỗ trợ quá trình hồi phục nhanh hơn. Sinh thường bao lâu thì quan hệ được? Điều này sẽ tùy thuộc vào mỗi người nhưng thông thường ít nhất sẽ phải chờ từ 6 tuần sau khi sinh. Nhiều chị em cũng thắc mắc quan hệ sau sinh thường 1 tháng có thai không hay quan hệ sau sinh thường 2 tháng có thai không, câu trả lời sẽ tùy thuộc vào cơ thể của mỗi người.

Kiêng cữ sau sinh thường sẽ nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, thực đơn ở cữ cho mẹ sinh thường hay cơm cữ dành cho mẹ sinh thường cũng giống với mẹ sinh mổ, nhưng được lợi hơn một điều là mẹ không cần phải quá quan trọng đến những món ăn có thể gây sẹo lồi, sẹo lõm.

  • Nhược điểm

Em bé: Sinh thường đôi khi có thể khiến bé bị chấn thương khi mẹ sinh khó như bị kẹt vai, bác sĩ lôi bé ra bằng dụng cụ hỗ trợ.

Người mẹ: Sinh thường gây tổn thương, rách tầng sinh môn, gây đau đáy chậu và âm đạo sau sinh. Nhiều người lo sợ hay tìm xem những hình ảnh vùng kín sau sinh thường sau đó vô tình bị ám ảnh, đây là điều không nên và sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khi vượt cạn của mẹ sau này. Tuy nhiên mẹ không nên lo lắng, nếu sợ đau có thể áp dụng các biện pháp gây tê màng cứng khi sinh thường.

Ngoài ra, việc sinh thường có thể khiến các mẹ về sau bị són tiểu khi ho hoặc rặn. Chưa kể, sinh thường nếu không hồi phục tốt có thể khiến tình trạng trĩ nặng hơn. Người mẹ sinh thường có thể ảnh hưởng tâm lý sau sinh. Vùng kín sau sinh thường bị ảnh hưởng là điều hết sức bình thường nhưng sẽ mau chóng hồi phục, mẹ không nên quá căng thẳng.

3. Các dấu hiệu con sắp chào đời, mẹ bầu sinh thường cần biết

  • Cơn gò tử cung

Dấu hiệu con sắp chào đời dễ nhận biết nhất là những cơn gò kích thích cổ tử cung giãn ra. Những cơn đau đầu tiên giống như chuột rút, càng về sau càng nhanh và mạnh hơn.

uu nhuoc diem cua sinh thuong 2

Dấu hiệu sinh thường khi con sắp chào đời là những cơn gò co thắt

Nếu cơn gò mạnh, đều đặn, đến dồn dập có nghĩa là mẹ đang chuyển dạ. Tuy nhiên, đôi khi gặp cơn gò nhưng thay đổi tư thế sẽ biến mất ngay. Đây là hiện tượng chuyển dạ giả, sẽ qua nhanh chóng.

  • Đau lưng

Cơn đau bắt đầu ở lưng và lan dần ra trước cơ thể, kèm theo chuột rút. Để giảm bớt đau đớn, khó chịu có thể chườm nóng lạnh, massage.

  • Vỡ ối

Thời điểm con sắp lọt lòng túi ối sẽ vỡ, đầu tiên có thể là một dòng chất lỏng chảy xuống hoặc một vài giọt rỉ ra. Một số người thì tuôn ối khá nhiều, lúc này cần đến bệnh viện sớm, tránh trường hợp em bé bị ngộp.

  • Bật nút nhầy cổ tử cung

Để chuẩn bị cho quá trình sinh con, nút nhầy sẽ lỏng và tụt ra ngoài, có hình dạng như chất dịch tiết màu hồng hoặc nâu, đặc như máu đông. Thường nút nhầy sẽ bật ra ngay trước giai đoạn chuyển dạ tích cực.

  • Cổ tử cung mở từ từ

Thường các mẹ sẽ được thông báo kiểu như cổ tử cung mở 2 phân, mở 4 phân. Đây là lúc chính thức bước vào quá trình sinh con. Đến khi mở được khoảng 10cm (10 phân) thì mẹ có thể bắt đầu vào quá trình rặn đẻ.

4. Khi nào không thể sinh thường?

Các bác sĩ luôn ưu tiên cho sinh thường vì nó mang lại nhiều lợi ích cho mẹ và bé hơn sinh mổ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mẹ bắt buộc phải mổ lấy thai:

  • Quá trình chuyển dạ kéo dài, cổ tử cung không mở đủ lớn dù đã qua thời gian quá lâu.
  • Thiếu ối, cạn ối: Thiếu ối có sinh thường được không là thắc mắc của nhiều mẹ, thông thường khả năng cao trường hợp này sẽ được chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. 
  • Rối loạn cơn gò chuyển dạ, gò cường tính gây thai suy. Một số trường hợp có thể vỡ tử cung nếu không chuyển sang sinh mổ. Ngược lại là gò yếu, không đáp ứng thuốc tăng cơn gò thì cũng không thể sinh thường.
  • Thai phụ lớn tuổi, nguy cơ cao.
  • Thai phụ từng sinh mổ, hoặc có phẫu thuật tử cung trước đó như điều trị lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng.
  • Có tiền sử mắc các bệnh lý như đái tháo đường, tiền sản giật hoặc các vấn đề về đông máu.
  • Thai phụ mắc một số bệnh lây qua đường tình dục.
  • Mang đa thai, ngôi thai, buồng ối không đáp ứng sinh thường.
  • Thai kỳ có biến chứng như thai yếu, chậm phát triển, không tự sức chui ra khi sinh thường, hoặc thai to bất thường.
  • Mẹ bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược.
  • Ngôi thai là ngôi mông, ngôi ngang gây khó sinh.
  • Trường hợp sa dây rốn dẫn đến lượng máu và oxy truyền đến thai nhi không đủ cũng sẽ được chỉ định mổ bắt con. Một số mẹ băn khoăn dây rốn quấn cổ 1 vòng sinh thường được không hay dây rốn quấn cổ 2 vòng sinh thường được không, đáp án là hoàn toàn được, chỉ cần theo dõi kỹ và được bác sĩ chỉ định, thế nên mẹ không nên lo lắng.

>>> Có thể bạn quan tâm: Lợi - hại của sinh thường, sinh mổ và mẹo sinh thường dễ dàng

Quá trình sinh thường đầy đau đớn nhưng hạnh phúc của mẹ

Sắp đến ngày sinh, mẹ bầu có thể lo lắng, nhất là những mẹ lần đầu sinh con. Lúc này, các mẹ có thể xem qua các giai đoạn trong quá trình chuyển dạ, sinh con. Từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn về mặt tâm lý và hiểu được bản thân sẽ cần phải làm gì khi sinh con.

uu nhuoc diem khi sinh thuong 3

Giai đoạn đầu tiên của sinh thường là chuyển dạ

1. Chuyển dạ

Giai đoạn đầu tiên của sinh thường là chuyển dạ. Lúc này, cổ tử cung sẽ mở ra. Bao gồm giai đoạn chuyển dạ sớm, chuyển dạ tích cực và chuyển dạ chuyển tiếp.

  • Giai đoạn chuyển dạ sớm

Cổ tử cung nở từ 0 – 4cm, có thể kéo dài trong khoảng 6 – 10 giờ hoặc ngắn hơn. Tùy vào cơ địa mà mỗi người sẽ trải qua các cơn co thắt khác nhau. Có người trải qua rất nhẹ nhàng, có người sẽ đau quằn quại.

  • Giai đoạn chuyển dạ tích cực

Lúc này cổ tử cung sẽ nở thêm, đạt ở mức 4 – 7cm, bắt đầu chuẩn bị để sinh nở. Giai đoạn này kéo dài 3 – 6 tiếng, các cơn co thắt dữ dội hơn, mỗi lần 3 – 5 phút. Giai đoạn này có thể mẹ sẽ tiết ra khí hư lẫn máu.

  • Giai đoạn chuyển dạ chuyển tiếp

Đây là giai đoạn chuyển dạ cuối, cổ tử cung mở đến 10cm, kéo dài trong 20 phút đến 2 tiếng. Các cơn co thắt lúc này rất mạnh, đến dồn dập, cứ 2, 3 phút có một lần. Sản phụ có thể bị buồn nôn, run rẩy và mệt, kèm nóng rát, ngứa ở âm đạo.

Sản phụ cần chú ý hít thở sâu, đều khi cơn co thắt đến. Dù rất đau và khó thở nhưng phải cố hít thở để cung cấp đủ oxy cho thai nhi.

2. Rặn đẻ

Khi cổ tử cung mở ít nhất 10cm thì sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo đó là rặn đẻ. Quá trình này thường kéo dài khoảng 2 tiếng. Sản phụ sẽ được đưa lên bàn sinh, dùng hết sức và quyết tâm để rặn, đẩy con theo ống sinh đi ra ngoài.

Khi rặn đẻ, sản phụ có thể thấy khó thở, mệt mỏi. Mỗi lần rặn sẽ khiến đáy xương chậu, phần mô giữa âm đạo và trực tràng phình ra. Những mẹ sinh lần đầu thường sẽ phải rạch tầng sinh môn để hỗ trợ mở rộng đường cho con chui ra.

Khi đầu em bé ra ngoài, sản phụ sẽ được hướng dẫn rặn tiếp để đẩy vai con ra, tiếp đến là rặn để đẩy toàn bộ cơ thể con ra ngoài. Để vượt cạn nhanh chóng nhẹ nhàng, mẹ có thể tham khảo cách sinh thường nhanh không đau bằng một số phương pháp như hít thở, vận động,...

3. Sổ nhau thai

Giai đoạn cuối cùng của sinh thường, diễn ra vài phút sau khi sinh, tử cung co thắt tiếp tục để tách nhau thai ra khỏi thành tử cung. Lúc này, bác sĩ sẽ yêu cầu sản phụ rặn nhẹ để tống nhau thai ra ngoài. Lần rặn này chỉ cần dùng lực nhẹ, nhanh và chỉ gây đau nhẹ.

Giai đoạn này chỉ mất vài phút đến khoảng 20 phút, vẫn có những cơn co thắt nhưng sẽ đỡ đau hơn so với lúc chuyển dạ. Nếu bị rạch tầng sinh môn, đây cũng là lúc bác sĩ sẽ khâu lại.

Sau khi sinh, mẹ sẽ phải chờ một khoảng thời gian để hồi phục, một trong những băn khoăn của các  mẹ lúc này là sinh thường bao lâu thì hết sản dịch? Thông thường sẽ kéo dài khoảng 2 - 6 tuần, nhưng cũng có những trường hợp phải chờ đến tận 2 - 3 tháng. Có nhiều cách nhanh hết sản dịch sau sinh thường, mẹ nên tham khảo.

Về vấn đề vệ sinh, rất nhiều người sẽ thắc mắc sinh thường bao lâu đi đại tiện được. Vấn đề này tùy thuộc vào cơ thể mỗi người, nhưng thông thường sẽ mất khoảng 2 - 3 ngày, một số sẽ lâu hơn.

Quá trình sinh thường trên đây chỉ diễn tả một phần rất nhỏ sự đau đớn người mẹ phải chịu để đón con chào đời. Nhưng dù có khó khăn thì các mẹ cũng cần bình tĩnh, đừng quá lo lắng. Chỉ cần nghĩ đến thời khắc hạnh phúc được nhìn thấy con sau bao ngày trông ngóng, các mẹ sẽ vượt qua được tất cả. Chúc các mẹ có kỳ vượt cạn suôn sẻ.

Xem thêm bài viết tham khảo:

https://www.healthline.com/health/pregnancy/intrapartum-care-vaginal-delivery

Xem thêm bài viết liên quan:

4 kiểu bà bầu sinh thường dễ dàng, mau lẹ, không lo bị mất sức

4 lợi ích sinh thường cho bé, con khỏe mạnh cứng cáp những năm đầu đời

Trẻ sinh thường cao hơn trẻ sinh mổ, khoa học bảo 'không', đừng phán linh tinh