Không chỉ có người lớn mơ thấy ác mộng mà con trẻ cũng có thể có những giấc mơ gây sợ hãi. Vì thế bố mẹ cần biết cách giúp con vượt qua khó khăn này.

Khoảng 2 tuổi là độ tuổi trẻ có thể bắt đầu gặp những giấc mơ đáng sợ và đỉnh điểm là khoảng từ 3 đến 6 tuổi. Có những đứa trẻ thỉnh thoảng mới gặp ác mộng nhưng có những trẻ lại gặp thường xuyên. Chính vì lẽ đó bố mẹ nên nắm rõ kiến thức về vấn đề này để giúp trẻ có một giấc ngủ bình yên và trọn vẹn. 

Ác mộng là gì và vì sao xảy ra với trẻ?

Ác mộng ở trẻ nhỏ không hiếm như nhiều người vẫn nghĩ

Ác mộng là những giấc mơ đáng sợ mà trẻ có thể gặp phải và thường có liên quan đến những lo lắng tiềm ẩn bên trong trẻ. Những cơn ác mộng ở trẻ nhỏ khá phổ biến chứ không hề hiếm gặp như nhiều người lầm tưởng. Theo một nghiên cứu gần đây, khoảng 20-39% trẻ em từ 5 đến 12 tuổi xuất hiện ác mộng trong giấc ngủ. 

Dấu hiệu nhận biết trẻ gặp ác mộng

Giật mình thức giấc, khóc thét, sợ hãi, bám lấy bố mẹ và trằn trọc, lo lắng, khó ngủ trở lại. Đó là lúc bố mẹ phải nhận ra trẻ có thể vừa mơ thấy ác mộng. Thông thường, thời điểm trẻ gặp ác mộng sẽ rơi vào giai đoạn sau của giấc ngủ lúc gần sáng sớm.

trẻ thường gặp ác mộng

Trẻ thường gặp ác mộng gần sáng sớm

Vì sao ác mộng xảy ra với trẻ nhỏ?

  • Trẻ bị kích động, sợ hãi trước lúc đi ngủ: Bị la mắng, nghe ai đó kể những câu chuyện rùng rợn, xem chương trình tivi có yếu tố gây khó chịu, nghe những âm thanh khiến trẻ lo lắng, run sợ... có thể khiến trẻ gặp ác mộng về đêm.
  • Môi trường sống thay đổi: Trẻ cảm thấy không an toàn khi bị thay đổi môi trường sống, xa bố mẹ lâu ngày, bị cho sang phòng riêng ngủ một mình hay tiếp xúc với những bạn bè, hàng xóm xa lạ làm gây cảm giác căng thẳng... cũng làm tăng tần suất gặp ác mộng ở trẻ.
  • Gặp các rối loạn sức khỏe: Ốm đau, bệnh tật, mệt mỏi triền miên, hoạt động quá sức, stress vì một nguyên nhân nào đó... khiến trẻ bị ác mộng.

>>> Có thể bạn quan tâm: Giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi

Làm gì khi trẻ ngủ mơ thấy ác mộng

Cách chăm sóc khi trẻ trải qua cơn ác mộng

Khi thấy con la khóc và sợ hãi tỉnh giấc có lẽ bố mẹ cũng mang tâm trạng căng thẳng, rối bời không kém. Nếu muốn con giảm được tần suất gặp ác mộng và có một giấc ngủ thoải mái, phụ huynh cần phải thực hiện những điều sau:

  • Động viên, an ủi con bằng lời ngọt ngào, xoa dịu;
  • Ôm con hoặc báo cho con biết bố mẹ đang ở gần để bảo vệ con giúp con bớt sợ hãi;
  • Trò chuyện cùng con để tìm hiểu về tâm trạng hay những lo lắng tiềm ẩn giúp con tháo gỡ.

Bố mẹ nên an ủi sau khi trẻ gặp ác mộng

Bố mẹ nên an ủi con sau khi trẻ gặp ác mộng

Cách ngăn chặn những cơn ác mộng cho trẻ

  • Tạo những thói quen tốt trước khi đi ngủ giúp ngủ ngon: Tắm nước ấm; tránh cho trẻ ăn đồ ăn, uống thức uống trong 1 giờ trước khi ngủ; kể một câu chuyện êm dịu; hát ru một bài hát nhẹ nhàng... Cần tránh cho con tiếp xúc những hình ảnh, những câu chuyện đáng sợ hoặc gây kích động mạnh đến cảm xúc.
  • Chuẩn bị một vật dụng thân quen: Chọn đồ chơi, gấu bông, chăn mền mà con thích nhất để con có thể ôm khi đi ngủ tạo cảm giác được che chở, bao bọc.
  • Kiểm tra nhiệt độ phòng ngủ: Hãy giữ phòng ngủ của trẻ ở chế độ không quá nóng và không quá lạnh, nhiệt độ hơi mát giúp con có thể thoải mái ngủ ngon hơn.
  • Ánh sáng phòng ngủ thích hợp: Giảm ánh sáng phòng ngủ vì ánh sáng rực rỡ của đèn có thể khiến trẻ không ngủ được và khó chịu.
  • Chăm sóc, bảo đảm cho trẻ có sức khỏe và thể chất tốt nhất để giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Cùng con trò chuyện để tìm hiểu nỗi sợ hãi của trẻ và giúp trẻ vượt qua.

Những tưởng những cơn khóc thét, giật mình của con chỉ là vô hại nhưng thực chất nó ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng thể chất và tinh thần của con trẻ. Nếu tình trạng kéo dài có thể làm con mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ và tác động xấu đến quá trình phát triển của con. Hy vọng bố mẹ có thể tìm hiểu kỹ cách thức tối ưu giúp con mình vượt qua những cơn ác mộng và cải thiện giấc ngủ mỗi ngày.

>>> Xem thêm bài viết tham khảo:

https://vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/ac-mong-vi-sao-xay-ra-voi-tre-va-phai-lam-nao/

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/lam-gi-khi-tre-ngu-mo-thay-ac-mong/

>>> Xem thêm bài viết liên quan:

Ác mộng ở trẻ nhỏ

Để không gặp ác mộng

Thói quen trước khi đi ngủ giúp con ngủ ngon hơn