Gặp ác mộng luôn để lại nỗi sợ hãi cho trẻ. Nguy hiểm hơn, gặp ác mộng nhiều có thể ảnh hưởng lâu dài đến tinh thần của trẻ nhỏ.






Trẻ đang ngủ, bật dậy và khóc thét. Nhiều cha mẹ chỉ nghĩ trẻ muốn cha mẹ ở bên lúc ngủ, khi tỉnh dậy không thấy cha mẹ đâu thì khóc thét mà không biết rằng trẻ đang gặp phải ác mộng. Cha mẹ cần phải biết phân biệt khi nào thì trẻ khóc chỉ vì muốn bố mẹ ở bên, khi nào trẻ khóc vì gặp ác mộng.


Khóc gọi bố mẹ thường xảy ra khi trẻ vừa bắt đầu ngủ. Mẹ bế trẻ vào giường, nằm cạnh và vỗ về giấc ngủ của trẻ. Trẻ chưa hoàn toàn ngủ say nên khi không thấy cha mẹ bên cạnh, trẻ khóc để thu hút sự chú ý của cha mẹ.


Trẻ gặp ác mộng khi trẻ mơ một giấc mơ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi. Ác mộng xảy ra khi trẻ đã ngủ sâu, giai đoạn trẻ thường ngủ mơ. Khi biết trẻ gặp ác mộng, bạn cần đến bên cạnh trẻ và vỗ về giấc ngủ cho trẻ.


Khi gặp ác mộng trẻ thường bật dậy, khóc thét gọi bố mẹ hoặc chạy vào phòng bố mẹ. Lúc này, trẻ sẽ cảm thấy rất sợ hãi.Trẻ nhỏ có thể chỉ thốt lên một vài từ như “ma” hay “chó” hãy những con vật trẻ gặp trong giấc mơ… Trẻ lớn hơn có thể kể lại cho bạn nghe cụ thể về cơn ác mộng. Nhiều trẻ vẫn bị ám ảnh bởi cơn ác mộng, trẻ chỉ vào các đồ vật trong phòng và gọi tên các con vật trẻ gặp trong giấc mơ.






Thường thì ác mộng trẻ gặp phản ánh những gì trẻ phải đối mặt ban ngày.


Ác mộng thường xảy ra với trẻ trong độ tuổi chuẩn bị đi học, độ tuổi trẻ trải qua nhiều thay đổi khi bắt đầu biết nhận thức nhưng lại chưa biết cách thích ứng với những sự thay đổi này.


Chúng ta thường nghĩ trẻ con rất vô tư và không nghĩ ngợi gì nhưng trong nhiều khi không phải như vậy. Chúng lo lắng khi không có cha mẹ ở bên. Chúng lo lắng khi mẹ sinh thêm em bé, chúng sợ phải chia sẻ cha mẹ, sợ cha mẹ sẽ quan tâm chăm sóc em bé nhiều hơn. Chúng cũng thường sợ ma, sợ chó cắn, sợ bóng tối, sợ bác sỹ …



Trẻ cũng dễ gặp ác mộng khi quá mệt trong lúc ngủ
. Ban ngày trẻ hoạt động, chạy nhảy quá nhiều hoặc khi trẻ bị ốm cũng dễ dẫn tới hiện tượng cơ thể trẻ quá mệt mỏi và gặp ác mộng lúc ngủ.





Cha mẹ nên làm gì khi trẻ nhỏ gặp ác mộng?


- Ngay khi bạn nghe tiếng khóc đầy sợ hãi của trẻ, bạn hãy ngay lập tức đến phòng trẻ, bật điện lên và nhẹ nhàng vỗ về trẻ để trẻ biết bạn đang ở cạnh và sẽ không để chuyện gì xảy ra với trẻ.


- Bạn hãy ôm trẻ thật chặt vào lòng. Hãy luôn nhắc cho trẻ biết mọi chuyện đã ổn và đó chỉ là một giấc mơ.


- Khuyến khích trẻ kể cho bạn nghe về giấc mơ. Tránh thúc giục trẻ kể cho bạn hoặc đoán mò trẻ thấy gì. Hãy hỏi trẻ một cách nhẹ nhàng : “Con yêu, con có thể kể cho mẹ nghe con đã thấy gì được không?” Trẻ nói ra được giấc mơ của mình sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Khi trẻ có thể nhắc lại nó, trẻ sẽ cảm thấy mọi chuyện dễ dàng hơn và không đáng sợ như lúc đầu vì ít nhất lúc này trẻ có bạn bên cạnh và đèn bật sáng. Tuy nhiên, khi trẻ khóc to và cảm thấy sợ hãi hơn khi phải nhắc lại cơn ác mộng, hãy ôm chặt trẻ và để trẻ quên nó đi.


- Sau khi trẻ đã bình tĩnh lại, hãy ru trẻ ngủ lại và ở bên cạnh trẻ cho đến khi trẻ đã ngủ say.


Gặp ác mộng có thể ảnh hưởng xấu tới tinh thần của trẻ nhưng một khi bạn đã biết cách vỗ về trẻ trở lại giấc ngủ thì nó hoàn toàn không đáng lo ngại.


NGuồn VZONE.vn