Băng huyết sau sinh là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở sản phụ, là nỗi ám ảnh của không ít mẹ trong quá trình sinh nở.

Trong quá trình chuẩn bị cho việc làm mẹ, ít nhiều chị em cũng sẽ nghe đến khái niệm băng huyết sau sinh. Băng huyết sau sinh là một trong những biến chứng gây tử vong hàng đầu ở sản phụ, chính vì thế, rất nhiều người lo ngại về vấn đề này. Theo Y khoa, băng huyết sau sinh là hiện tượng mất máu quá 1000ml (đối với sinh mổ) và hơn 500ml (đối với đẻ thường) trong 24 tiếng đồng hồ đầu tiên hoặc cũng có thể kéo dài trong khoảng 12 tuần đầu sau sinh. Tìm hiểu các thông tin về băng huyết sau sinh là việc vô cùng cần thiết, giúp mẹ ứng biến kịp thời nếu cơ thể sau sinh có những dấu hiệu bất thường.

Nguyên nhân và các dấu hiệu của băng huyết sau sinh

Nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh

Thông thường, sau khi trải qua giai đoạn sổ thai sẽ đến giai đoạn sổ nhau, cầm máu. Thai khi đã ra ngoài thì tử cung bắt đầu co bóp, siết các mạch máu. Tử cung co hồi trong khi nhau thai không có tính đàn hồi sẽ khiến nhau tróc ra, các khối máu tụ tiếp tục hỗ trợ đẩy nhau thai ra ngoài. Sau khi sổ nhau, các nút thắt sinh lý cùng cơ chế đông máu tự nhiên của cơ thể sẽ tạo nên các cục máu đông, làm ngưng lại quá trình chảy máu.

hiện tượng băng huyết sau sinh 1

Băng huyết sau sinh là biến chứng nguy hiểm

Thế nhưng trong một số trường hợp, nhau không sổ ra ngoài hoặc tử cung không có sự co bóp thì máu sẽ vẫn tiếp tục chảy, và hiện  tượng băng huyết sau sinh sẽ xảy ra đe dọa đến sức khỏe cũng như tính mạng của chị em phụ nữ.

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng băng huyết sau sinh có thể kể đến như:

  • Tử cung bị đờ: Là tình trạng các cơ của tử cung co hồi không đủ mạnh, hoặc không có sự co hồi dẫn đến việc máu tiếp tục chảy và hiện tượng băng huyết hình thành. 80% phụ nữ bị băng huyết sau sinh do bị đờ tử cung.
  • Đường sinh dục bị tổn thương: Nếu sinh khó, nguy cơ âm đạo hoặc tử cung bị rách, vỡ,… hoàn toàn có thể xảy ra. Biến chứng này gây nên những tổn thương tại đường sinh dục, gây ra băng huyết sau sinh.
  • Rối loạn đông máu: Trong trường hợp bị nhau bong non, lưu thai,… sản phụ sẽ dễ gặp phải tình trạng rối loạn đông máu gây ra những biến chứng băng huyết sau sinh nặng nhẹ khác nhau tùy theo từng trường hợp.
  • Bánh nhau bất thường: Nếu diện tích bánh nhau quá lớn, khi nhau thai bong ra ngoài có thể khiến lượng máu chảy ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, một số thai phụ gặp phải các bất thường liên quan đến bánh nhau như nhau cài răng lược, nhau tiền đạo, nhau bám thấp,… thì nguy cơ bị băng huyết cũng sẽ rất cao.

Các dấu hiệu băng huyết sau sinh mẹ cần lưu ý

Bước vào hành trình sinh nở, mọi biến chứng có thể xảy ra bất ngờ nên mỗi người mẹ cần có sự chuẩn bị kỹ càng cho mọi tình huống. Đối với băng huyết sau sinh, chị em cần nắm rõ một số dấu hiệu điển hình để có thể kịp thời phát hiện và thông báo với bác sĩ nếu có bất thường.

hiện tượng băng huyết sau sinh 2

Sản phụ cần nắm rõ các dấu hiệu băng huyết

  • Máu rỉ liên tục, máu có màu đỏ tươi
  • Tay chân lạnh, mồ hôi vã ra liên tục
  • Huyết áp tụt, da xanh xao
  • Máu ra nhiều bất thường trong 24 tiếng đầu sau khi sinh
  • Máu có hiện tượng chảy ứ trong buồng tử cung, tử cung có dấu hiệu to ra, nhão mềm, đáy tử cung bị đẩy lên cao.

Bài viết liên quan: Băng huyết sau sinh - biến chứng nguy hiểm dễ khiến sản phụ mất mạng

Cách phòng ngừa băng huyết sau sinh hiệu quả cho mẹ

Băng huyết sau sinh có thể nói là một tai biến sản khoa có yếu tố bất ngờ, khó có thể đoán trước được chắc chắn. Thế nên nếu nói về cách phòng ngừa, các chuyên gia có lẽ sẽ đều khuyên mẹ nên chuẩn bị từ khi mang thai. Điều này có nghĩa là phải bồi bổ sức khỏe đúng cách, theo dõi cẩn thận thai kỳ từ sớm để kịp thời phát hiện nếu có những yếu tố nguy cơ xảy ra băng huyết sau sinh.

Bổ sung dưỡng chất đầy đủ

Để có một sức khỏe tốt, phòng ngừa được nguy cơ băng huyết sau sinh cũng như nhiều tai biến sản khoa khác, một trong những điều mẹ nên chú ý đó chính là xây dựng chế độ dinh dưỡng đúng cách khi mang thai.

Chị em cần có chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng các loại dưỡng chất. Đặc biệt không thể thiếu việc tăng cường bổ sung các khoáng chất, vitamin cần thiết cho cơ thể. Để phòng ngừa thiếu máu, ngay từ trong giai đoạn mang thai, chị em đã cần chú trọng bổ sung đủ lượng sắt và axit folic. Đây là việc vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe và phòng ngừa được biến chứng băng huyết sau sinh.

Khám thai đúng lịch

Nhiều mẹ luôn chủ quan khi thấy cơ thể mình rất khỏe mạnh, dẫn đến việc tự ý bỏ bớt một số cột mốc khám thai quan trọng. Lời khuyên là chị em nên đi thăm khám đúng lịch để được theo dõi kỹ càng qua từng giai đoạn.

hiện tượng băng huyết sau sinh 3

Khám thai đầy đủ là cách phòng ngừa băng huyết sau sinh

Thông qua những buổi thăm khám thai, các bác sĩ có chuyên môn sẽ giúp chị em phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ, điều chỉnh sức khỏe để hạn chế tối đa những biến chứng. Nếu các yếu tố nguy cơ ở mức cao, bác sĩ cũng sẽ nắm được tình hình và chú ý theo dõi cẩn thận hơn trong giai đoạn mẹ sinh xong.

Thực hiện đủ các xét nghiệm

Các xét nghiệm được yêu cầu thực hiện trong mỗi giai đoạn thai kỳ đều vô cùng cần thiết và đặc biệt quan trọng. Đó là lý do chị em cần đi thăm khám đúng lịch và thực hiện đầy đủ những xét nghiệm theo chỉ định cũng như yêu cầu của bác sĩ.

Từ những cuộc siêu âm, xét nghiệm, kiểm tra,… các bất thường về sức khỏe của mẹ và thai nhi có thể được nắm bắt nhanh chóng. Đây là yếu tố quan trọng và các bác sĩ có thể dựa vào đó để phán đoán tình hình, đưa ra các xử lý tình huống chính xác nhất nếu chẳng may mẹ có gặp phải tình huống bị băng huyết sau sinh.

Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý

Băng huyết có thể xuất hiện ồ ạt, ngay sau khi sinh, nhưng cũng có thể xuất hiện một cách âm thầm, từ từ cho đến khoảng thời gian 12 tuần đầu tiên. Thế nên mẹ đặc biệt không nên chủ quan.

hiện tượng băng huyết sau sinh 4

Sau khi sinh, người mẹ nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý

Sau khi sinh nở, chị em cần chú ý sức khỏe của mình vẫn chưa thể hồi phục như lúc trước. Chính vì thế, các mẹ cần có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý để có thể nhanh chóng quay lại tình trạng ban đầu, hạn chế được tối đa những tai biến sản khoa nguy hiểm.

Theo dõi kỹ mọi dấu hiệu trên cơ thể

Theo dõi kỹ càng mọi dấu hiệu trên cơ thể là điều mẹ nên làm từ trong giai đoạn mang bầu cho đến tận sau khi sinh xong. Đừng thờ ơ vì việc phát hiện sớm những bất thường có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị nếu gặp phải biến chứng.

Do đó, nếu gặp các bất thường như đau bụng khi mang thai và sau sinh, chóng mặt hoa mắt, cảm thấy rét run, lạnh chân tay, khó thở,… cần nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và thăm khám ngay.

Băng huyết sau sinh là biến chứng sản khoa nguy hiểm, ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ tử vong, mẹ có thể phải đối diện với nhiều di chứng nặng nề khác nên việc chuẩn bị phòng ngừa, xử trí nhanh chóng khi gặp bất thường là vô cùng quan trọng. Sau khi sinh, tốt nhất chị em nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân để hạn chế tối đa biến chứng, trong đó có tình trạng băng huyết sau sinh nguy hiểm.

Xem thêm bài viết tham khảo:

https://www.marchofdimes.org/pregnancy/postpartum-hemorrhage.aspx

https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=postpartum-hemorrhage-90-P02486

https://emedicine.medscape.com/article/275038-overview

Xem thêm bài viết liên quan:


Bị băng huyết sau sinh, mẹ đành bỏ lại con thơ mồ côi mà đi mãi

Cách phân biệt sản dịch và băng huyết sau sinh, thấy bất thường lập tức trở lại bệnh viện

Dấu hiệu của băng huyết sau sinh