Triệu chứng đau bụng khi mang thai là rất bình thường nhưng lại có những kiểu đau tiềm ẩn nguy hiểm tính mạng.

Vì một số lý do mà mẹ bầu sẽ bị đau bụng khi mang thai, nhưng cơn đau rất nhanh hết và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, một số trường hợp, đau bụng khi mang thai báo hiệu biến chứng thai kỳ. Nếu không kịp thời điều trị có thể gây tổn hại thai nhi.

Những kiểu đau bụng khi mang thai xem là bình thường

1. Hiện tượng đau bụng khi mang thai

Triệu chứng đau bụng khi mang thai thường là đau âm ỉ, căng tức bụng khi mang thai 3 tháng đầu, nhưng cũng có mẹ bầu gặp cơn co thắt mạnh. Nguyên nhân là do cơ thể thay đổi, tử cung bị nới rộng, làm căng dây chằng tròn nâng đỡ tử cung gây ra các cơn đau nhẹ.

đau bụng khi mang thai

Triệu chứng đau bụng khi mang thai thường là đau âm ỉ, nhưng cũng có mẹ bầu gặp cơn co thắt mạnh

Mẹ bầu bị đau bụng khi mang thai đừng vội lo lắng. Thường cơn đau lành tính chỉ kéo dài nhất tầm 1, 2 ngày sẽ tự động biến mất. Hoặc chỉ cần mẹ bầu chuyển đổi tư thế nằm, ngồi, nghỉ ngơi đầy đủ, vận động nhẹ nhàng là tự khỏi.

2. Nguyên nhân đau bụng khi mang thai

Cụ thể đau bụng khi mang thai được xem là bình thường nếu bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây:

  • Đau tức bụng do trứng làm tổ

Vào đầu thai kỳ, mẹ bầu có thể thấy bụng khó chịu khi mang thai 3 tháng đầu, đau bụng lâm râm, là do trứng đang “bám rễ” vào niêm mạc tử cung để làm tổ. Dẫn đến đau bụng dưới khi mang thai với triệu chứng căng tức khó chịu. Ốm nghén cũng gây ra kiểu đau căng tức này khiến các mẹ rất lo đau bụng khi mới mang thai kéo dài bao lâu. Tuy nhiên chúng thường chỉ đau kéo dài 2, 3 ngày sau đó sẽ dần giảm đi.

  • Đầy bụng, khó tiêu

Một trong những vấn đề hay gặp khi mang thai là đầy bụng, khó tiêu do tử cung chèn ép lên dạ dày. Hormone thay đổi khi mang thai cũng khiến mẹ bầu tiêu hóa chậm hơn. Một số mẹ bầu do đầy bụng, khó tiêu cũng có thể sinh ra triệu chứng đau bụng.

  • Táo bón

Tương tự như đầy bụng, táo bón cũng xảy ra do mang thai và gặp áp lực ở trực tràng. Táo bón cũng gây ra những cơn đau bụng âm ỉ, lâm râm cho bà bầu, một số mẹ bầu còn bị đau dữ dội vì táo bón.

  • Đau dây chằng tròn

Có hai dây chằng tròn lớn chạy từ tử cung qua bẹn. Các dây chằng này hỗ trợ nâng đỡ tử cung. Khi tử cung căng ra để chứa thai nhi ngày một lớn, các dây chằng tròn sẽ bị căng theo. Đau dây chằng tròn là một trong những nguyên nhân gây đau nhói bụng dưới khi mang thai 7 tháng, do thai nhi đã phát triển khá to.

đau bụng dưới khi mang thai

Do bị căng dây chằng khi tử cung to ra nên có thể gây đau nhói, âm ỉ ở bụng, hông và háng

Do bị căng dây chằng nên có thể gây đau nhói, âm ỉ ở bụng, hông và háng. Thậm chí chỉ cần mẹ thay đổi tư thế đột ngột, hắt hơi hay ho cũng thấy đau. Thường cơn đau sẽ xuất hiện từ nửa cuối thai kỳ.

  • Cơn gò chuyển dạ Braxton Hicks

Các cơn co thắt Braxton-Hicks thường xảy ra trong quý 3 của thai kỳ. Không giống như các cơn co thắt chuyển dạ, những cơn co thắt này đến bất ngờ và không thường xuyên.

Tuy nhiên, những cơn co giả này vẫn khiến mẹ bầu thấy đau bụng dưới khi mang thai tháng cuối và khó chịu. Nếu thấy bị đau kèm đau lưng dưới, đau thường xuyên 4 lần/tiếng, nên đi bệnh viện ngay. Đặc biệt là khi cơn co xảy ra đều đặn, đi kèm dấu hiệu chuyển dạ sớm.

>>> Có thể bạn quan tâm: Nguyên nhân và cách chữa trị đau bụng khi mang thai

Cảnh báo những trường hợp nguy hiểm khi đau bụng lúc mang thai

Ngoài những kiểu đau bụng khi mang thai được xem là bình thường kể trên, vẫn có những cơn đau mẹ bầu cần chú ý. Một số cơn đau bụng đúng thật là dấu hiệu của biến chứng thai kỳ, sinh non, dọa sảy.

triệu chứng đau bụng khi mang thai

Một số kiểu đau bụng khi mang thai là dấu hiệu của biến chứng thai kỳ, sinh non, dọa sảy

Trong khi đau bụng bình thường là cơn đau giảm dần và mất đi. Biểu hiện rõ nhất của đau bụng biến chứng là đau ngày càng tăng cường, đau nhiều không dứt, kèm theo xuất huyết, sốt, rối loạn thị giác. Dưới đây là những trường hợp đau bụng không ổn, mẹ bầu nên đi khám gấp.

1. Thai ngoài tử cung

Một trong những trường hợp đau bụng khi mang thai cực kỳ nguy hiểm là đau bụng do thai ngoài tử cung. Trường hợp này thường xảy ra ở tỉ lệ 1/50. Nếu là đau bụng do thai ngoài tử cung thì cơn đau sẽ đi kèm chảy máu dữ dội.

Nó sẽ xảy ra trong khoảng tuần thứ 6 – 10 của thai kỳ, do ống dẫn trứng bị căng ra. Trường hợp này cần điều trị ngay, nặng nhất là phải phẫu thuật. Thường trước đó sẽ có xét nghiệm để xác định trứng nằm trong tử cung hay chưa.

2. Sảy thai

Một số trường hợp đau bụng khi mang thai ở những tháng đầu có thể là do sảy thai. Khoảng 10% các bà bầu có thể rơi vào tình huống đáng tiếc này. Các triệu chứng sảy thai ngoài đau bụng có cơn co theo nhịp điệu thì có thể kèm xuất huyết âm đạo, hoặc có thể đau mạnh giống như đau tới tháng.

3. Chuyển dạ sinh non

Trước tuần thứ 37 nếu mẹ bầu cứ hay bị đau bụng với các cơn co thắt thường xuyên, kèm theo đau lưng dai dẳng có thể là dấu hiệu dọa sinh non. Cơn đau còn có thể đi kèm dịch bị rò rỉ hoặc có lẫn máu hoặc thai máy giảm. Nếu thấy các triệu chứng này, nên đi bệnh viện ngay.

4. Nhau bong non

Nhau thai cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi, làm tổ cao trên thành tử cung và không tách ra cho đến sau khi em bé chào đời. Trong một số trường hợp hiếm hoi 1/200 ca, nhau thai có thể tách khỏi thành tử cung trước khi sinh.

đau bụng âm ỉ khi mang thai

Mẹ bầu sẽ xuất hiện cơn đau bụng dưới dữ dội khi bị nhau bong non

Đây là một biến chứng thai kỳ nguy hiểm thường gặp nhất trong tam cá nguyệt thứ ba. Lúc này mẹ bầu sẽ xuất hiện cơn đau bụng dưới dữ dội, liên tục và ngày càng nặng dần. Nếu sờ vào có thể thấy bụng cứng vì tử cung cứng như đá, đi kèm là xuất huyết màu đỏ sẫm, không có cục máu đông.

5. Tiền sản giật

Theo Tổ chức Tiền sản giật của Mỹ, tiền sản giật và các rối loạn tăng huyết áp khác xảy ra từ 5 - 8% tổng số thai kỳ. Tiền sản giật có thể xảy ra sau 20 tuần, có thể phát hiện nhờ xét nghiệm nước tiểu, đo huyết áp.

Do huyết áp cao làm co các mạch trong tử cung cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi, khiến thai nhi chậm phát triển. Tiền sản giật cũng làm tăng nguy cơ nhau bong non.

Người mẹ bị tiền sản giật nặng sẽ bị đau ở phần trên bên phải bụng, bị buồn nôn, đau đầu, phù nề và rối loạn thị giác, choáng váng.

6. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Có đến 13% mẹ bầu sẽ bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) vào một thời điểm nào đó trong thai kỳ. Các triệu chứng điển hình bao gồm đột ngột muốn đi tiểu, đau hoặc nóng rát khi đi tiểu và đi tiểu ra máu. Một số mẹ bầu khi nhiễm trùng tiết niệu cũng sẽ bị đau bụng. Mẹ đừng chủ quan vì nhiễm trùng đường tiết niệu có thể tăng nguy cơ sinh non.

7. Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa khi mang thai khó chẩn đoán, nhưng nếu phát hiện trễ có thể nguy hiểm tính mạng mẹ bầu. Dấu hiệu của đau ruột thừa là bụng dưới bên phải, nhưng vì mang thai, ruột thừa bị đẩy lên nên vị trí có thể cao hơn. Triệu chứng đi kèm là chán ăn, buồn nôn và bị nôn.

8. Sỏi mật

Cơn đau do sỏi mật rất dữ dội, đau tập trung ở phía trên bên phải của bụng, đau bụng trên rốn khi mang thai. Một số trường hợp cơn đau lan ra lưng đến dưới xương bả vai phải. Nếu không phát hiện điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe mẹ lẫn thai nhi.

Tuy nói là có những cơn đau lành tính do phản ứng mang thai nhưng mẹ bầu không thể xem thường những cơn đau bụng khi mang thai. Một khi thấy có dấu hiệu bất ổn, nên đi bác sĩ khám ngay hoặc vào thẳng bệnh viện cho an toàn.

Xem thêm bài nguồn tại:

https://www.parents.com/pregnancy/my-body/aches-pains/pregnancy-abdominal-pain

https://www.healthline.com/health/pregnancy/gas-pain-during-pregnancy

https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/stomach-pain

Xem thêm bài viết liên quan:

Đi khám vì đau bụng, cô gái 21 tuổi sinh con 2,2kg khi tử cung đã mở gần hết

Đau bụng 4 ngày vẫn đi làm, mẹ bầu nguy kịch, bác sĩ nói chậm 30 phút sẽ không kịp

Gái xinh đau bụng nhập viện cứ ngỡ viêm ruột thừa, bác sĩ siêu âm báo đã mở 10 phân rồi