Hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, thời tiết thay đổi thất thường là những nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh về đường hô hấp như nghẹt mũi, sổ mũi ở trẻ nhỏ. Thực tế, khi mắc phải các bệnh lý sổ mũi hay nghẹt mũi trẻ thường rất khó chịu. Vì thế, các bố mẹ thường tìm đến các loại thuốc thông mũi để làm sạch khoang mũi, giúp trẻ thoải mái và giảm các triệu chứng viêm mũi, nghẹt mũi, sổ mũi…

Để giúp bố mẹ có thể chăm sóc và vệ sinh mũi của trẻ đúng cách, bài viết dưới đây xin giải đáp thắc mắc về vấn đề trẻ mấy tuổi được dùng thuốc thông mũi, và chia sẻ cùng bố mẹ về các cách thông mũi phổ biến khác.

Trẻ mấy tuổi được dùng thuốc thông mũi?

Theo Học viện Nhi khoa Mỹ và Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị, bố mẹ không nên sử dụng thuốc thông mũi cho trẻ dưới 2 tuổi trừ khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ, chuyên gia y tế. Vì các thành phần có trong thuốc thông mũi có thể làm gia tăng tác dụng phụ không mong muốn đối với sức khỏe của trẻ.

Điển hình như nhóm thuốc co mạch với tác dụng làm co các mạch máu ở niêm mạc mũi, từ đó giảm sưng và giảm tiết dịch nhầy - tác nhân chính gây nên tình trạng nghẹt mũi. Nhóm thuốc này thường có thành phần như: Pseudoephedrin ở dạng uống; hay naphazolin, oxymetazolin, xylometazolin... ở dạng thuốc nhỏ/xịt mũi. Theo khuyến cáo từ Cơ quan quản lý Dược phẩm và Sản phẩm y tế Pháp (ANSM), người dân không nên sử dụng các loại thuốc thông mũi dạng uống có chứa pseudoephedrine, đặc biệt không được khuyến khích sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi khi chưa có sự tư vấn từ bác sĩ. Vì thuốc thông mũi dạng uống có chứa pseudoephedrine có thể khiến nhịp tim nhanh, mất ngủ, làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim.

hình ảnh

Việc dùng thuốc thông mũi không được khuyến khích với trẻ dưới 2 tuổi

Tóm lại, việc dùng thuốc thông mũi, nhất là loại có chứa thành phần co mạch không được khuyến khích với trẻ dưới 2 tuổi, vì có thể gây tác dụng phụ cho sức khỏe của trẻ. Đối với trẻ trên 2 tuổi, mẹ có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ để được tư vấn cụ thể về việc lựa chọn thuốc thông mũi, không được tự ý mua và dùng cho con khi chưa có chỉ định từ y tế.

Vậy bố mẹ nên dùng gì để thông mũi cho trẻ?

Thuốc nhỏ mũi natri clorid 0,9%

Nước muối sinh lý hay còn gọi là thuốc nhỏ mũi natri clorid 0,9%. Loại nước muối được tạo thành từ 9g muối tinh khiết với 1 lít nước cất đảm bảo không tạp chất, không nhiễm khuẩn, vô cùng sạch sẽ. Nước muối sinh lý ngoài tác dụng làm loãng dịch nhầy mũi, giảm tắc nghẽn còn giúp làm ẩm niêm mạc, nhờ đó giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi, vệ sinh mũi dễ dàng hơn. Vì rất an toàn nên thuốc nhỏ mũi natri clorid 0,9% có thể dùng được cho mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh.

Khi trẻ còn nhỏ, việc vệ sinh và thông mũi cho con có thể sẽ khó khăn do trẻ có thể hoảng sợ, không hợp tác. Để giúp trẻ cảm thấy thoải mái, hợp tác và dễ dàng vệ sinh mũi hơn bố mẹ nên thực hiện từng bước như sau:

  • Bước 1: Đặt trẻ ở tư thế nằm hơi ngả người (mẹ có thể đặt trẻ lên đùi của mình), dùng tay đỡ đầu trẻ cho cao hơn thân
  • Bước 2: Lắc nhẹ và bóp nhẹ để lượng nước muối sinh lý vừa đủ vào mũi. Thực hiện nhẹ nhàng tương tự với bên mũi còn lại.
  • Bước 3: Sau 30-60 giây mẹ hãy dùng khăn giấy mềm, khăn bông hoặc dùng dụng cụ hút mũi chuyên dụng nhẹ nhàng loại bỏ dịch mũi, gỉ mũi của bé ra ngoài.

Lưu ý nhỏ dành cho mẹ, mặc dù rửa mũi bằng nước muối rất ít tác dụng phụ, nhưng mẹ cũng không nên thông mũi bằng nước muối sinh lý quá nhiều lần. Việc lạm dụng có thể khiến trẻ mất đi độ ẩm tự nhiên trong mũi, khô mũi…

hình ảnh

Để tránh làm trẻ hoảng sợ, việc vệ sinh, thông mũi cần thực hiện nhẹ nhàng

>>> Có thể bạn quan tâm: Không cần dùng thuốc vẫn giảm nghẹt mũi nhờ áp dụng 4 cách, thấy dễ chịu hẳn

Thuốc nhỏ mũi được điều chế dành riêng cho trẻ.

Một gợi ý khác dành cho mẹ chính là hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng các loại thuốc thông mũi được điều chế dành riêng cho trẻ nhỏ từ 2-6 tuổi. Các loại thuốc thông mũi được pha chế với nồng độ vừa phải không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của con, mà còn giúp giữ ẩm, giữ khô thoáng cho đường mũi, hạn chế việc bị kích ứng.

Dưới đây là một vài tiêu chí, mẹ hãy tham khảo trước khi lựa chọn thuốc thông mũi cho trẻ nhé!

  • Là sản phẩm chất lượng thuộc thương hiệu uy tín
  • Thuốc thông mũi phải được điều chế dành riêng cho trẻ nhỏ, an toàn, ít có tác dụng phụ
  • Dễ sử dụng.
  • Thuốc dễ tìm, dễ mua tại các nhà thuốc uy tín
  • Một số thuốc thông mũi có tác dụng co mạch không được khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 6 tuổi, nên mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý, cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn sản phẩm cho con.

Một số phương pháp thông mũi khác mẹ có thể áp dụng

Bên cạnh việc dùng thuốc thông mũi, thì mẹ cũng có thể áp dụng một số phương pháp khác để làm loãng chất nhầy mũi và dễ dàng hút ra ngoài.

Xông hơi: Xông mũi là một trong những cách giúp giảm đáng kể tình trạng nghẹt mũi ở trẻ nhỏ. Cách thực hiện rất đơn giản, mẹ chỉ cần chuẩn bị một bát nước nóng hoặc máy xông mũi, khi mẹ thấy đã xuất hiện hơi nước bốc lên thì bắt đầu cho bé xông mũi trong khoảng 10-15 phút, hơi nước từ bát nước sẽ làm loãng chất nhầy và giúp giữ ẩm cho đường mũi. Sau đó, mẹ chỉ cần dùng khăn giấy để loại bỏ chất nhầy ra khỏi mũi trẻ.

Tăng độ ẩm trong môi trường sống: Không phải ngẫu nhiên mà máy tạo độ ẩm không khí được xem là ”người bạn không thể thiếu” trong những gia đình có con nhỏ. Máy tạo độ ẩm không chỉ giúp không khí có đủ độ ẩm cần thiết cho sức khỏe, mà còn làm dịu các mạch máu bị sưng, giúp khoang mũi thông thoáng, giữ cho đường mũi không bị khô, góp phần làm loãng chất nhầy dịch mũi và ra ngoài dễ dàng hơn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể nhỏ vào máy tạo độ ẩm một ít tinh dầu bạc hà, khuynh diệp có mùi thanh mát để gia tăng hiệu quả nhé!

Uống đủ nước: Khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi, mẹ hãy khuyến khích trẻ uống đủ lượng nước cần thiết, và hãy ưu tiên cho con uống nước ấm. Cách này không chỉ cung cấp đủ nước cho cơ thể, mà còn giúp giảm nghẹt mũi.

Tóm lại lời khuyên dành cho mẹ chính là hãy làm một người mẹ thông thái, luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho con sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hay bất kỳ dụng cụ rửa mũi nào. Trong quá trình dùng thuốc thông mũi, nếu con gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần thông báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời mẹ nhé!

Xem thêm bài viết liên quan:

Cách rửa mũi cho bé, cực kỳ chi tiết và hiệu quả

Rửa mũi tại nhà có an toàn không? Lưu ý khi rửa mũi để tránh viêm xoang nặng hơn

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi: Mẹo chữa cho bé, không tốn viên thuốc nào