WHO khuyến khích cha mẹ nên sử dụng biểu đồ tăng trưởng để có thể đánh giá quá trình phát triển của trẻ.

Từ 0 – 1 tuổi, trẻ phát triển rất nhanh về cân nặng cũng như chiều cao. Dựa vào biểu đồ tăng trưởng, phụ huynh có thể đánh giá cân nặng của trẻ đang nằm ở mức nào, có phù hợp với thể trạng hay chưa để tìm ra cách nuôi dưỡng bé tốt nhất. 

Biểu đồ tăng trưởng cân nặng của trẻ sơ sinh

Biểu đồ tăng trưởng cân nặng cho trẻ từ 0 – 1 tuổi

Cân nặng là một trong những chỉ số quan trọng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Dựa vào biểu đồ tăng trưởng về cân nặng, phụ huynh sẽ biết được con mình lớn nhanh hay chậm để tìm ra cách nuôi dưỡng bé tốt hơn trong những năm đầu đời của trẻ. 

Cách tra cứu biểu đồ tăng trưởng cân nặng của trẻ

Trên mỗi biểu đồ tăng trưởng cân nặng có 5 đường với 3 màu khác nhau. Trong đó:

  • Đường xanh lá là đường chuẩn, biểu thị cân nặng trung bình ở mỗi độ tuổi mà bé cần đạt được. 
  • Đường màu đỏ là giới hạn 2SD, thể hiện mức cân nặng của bé thiếu cân (-2SD) hoặc thừa cân (2SD) mức độ 1. 
  • Đường màu đen 3SD cho biết chỉ số trọng lượng của bé bị suy dinh dưỡng (-3SD)  hoặc béo phì (3SD) là mức độ 2.

biểu đồ tăng trưởng của bé gái

Biểu đồ tăng trưởng dành cho bé gái từ 0 -1 tuổi

biểu đồ tăng trưởng của bé trai

Biểu đồ tăng trưởng dành cho bé trai từ 0 - 1 tuổi

Nếu cân nặng của bé chạm mốc 2SD hoặc 3SD, bạn cần cho bé đi khám để tìm hiểu nguyên nhân cũng như giải pháp giúp con tăng trưởng cân nặng bình thường.

Các giai đoạn phát triển cân nặng của trẻ

Trẻ sơ sinh từ 0 – 1 tuổi trải qua 3 giai đoạn tăng trưởng về cân nặng, mỗi thời kỳ số đo trọng lượng tăng lên khác nhau thể hiện qua sự thay đổi ngoại hình của bé.

- Giai đoạn 1: Từ 0 - 3 tháng

3 tháng đầu sau khi được sinh ra, cân nặng của trẻ tăng nhanh từ 1 – 1,2 kg/tháng. Ví dụ với bé gái sơ sinh nặng 3,2 kg, sau 3 tháng, cân nặng của bé có thể đạt từ 5,2 – 6,6 kg. Tương tự với bé trai sơ sinh nặng 3,3 kg thì sau 3 tháng, cân nặng của bé sẽ đạt từ 5,7 – 7,2 kg. Nếu vượt quá con số tiêu chuẩn này, trẻ có nguy cơ thừa cân.

- Giai đoạn 2: Từ 4 - 6 tháng

So với giai đoạn đầu, ở mốc này tốc độ tăng trưởng cân nặng của bé giảm khoảng 50%, tức chỉ tăng khoảng 500 – 600gram/tháng. Mức tối đa bé có thể đạt được sau 6 tháng với bé gái là 9,3 kg còn bé trai là 9,8 kg. 

- Giai đoạn 3: Từ 6 - 12 tháng tuổi

Khi trẻ tròn 1 tuổi, cân nặng bé sẽ gấp khoảng 3 lần lúc mới sinh. Ở cột mốc này, mỗi tháng bé sẽ tăng từ 300 – 400gram/tháng. Mức cân nặng an toàn cho bé sau 1 năm đối với bé gái từ 7,9 – 10,1 kg và bé trai từ 8,6 – 10,8 kg. 

>>> Có thể bạn quan tâm: Trẻ biếng ăn chậm tăng cân do đâu, làm gì để trẻ ăn thun thút?

Tiêu chuẩn đánh giá tình trạng cân nặng và sức khỏe của trẻ dựa vào biểu đồ tăng trưởng

Kết hợp với biểu đồ tăng trưởng cân nặng chuẩn, phụ huynh cần xem xét một số tiêu chí để đánh giá cân nặng và tình trạng sức khỏe của bé. Bằng cách này, ba mẹ có thể tìm được phương pháp duy trì, cải thiện phù hợp với thể trạng của con mà vẫn đạt hiệu quả tốt nhất.

Số cân hiện tại

Thông qua biểu đồ tăng trưởng cân nặng, phụ huynh sẽ có thể xác định được mức cân bé đã đạt được hay chưa. Tuy nhiên, phải biết cách đo cân nặng đúng cho bé trước khi đối chiếu trên bảng. 

Cách đo cân nặng của trẻ:

  • Đặt cân ở mặt phẳng
  • Điều chỉnh cho kim cân về số 0 để kết quả chính xác nhất.
  • Bỏ những vật dụng không cần thiết để nâng mức độ chuẩn của số đo.
  • Đặt bé lên cân chắc chắn, giữ tư thế chuẩn. Nhìn thẳng giữa mặt cân để đọc số đo, sau đó so sánh với bảng. 

biểu đồ tăng trưởng cân nặng của trẻ

Cân bé đúng cách sẽ dễ dàng so sánh với biểu đồ tăng trưởng

Lưu ý, nên cân cho bé vào buổi sáng, khi bé mới ngủ dậy và chưa ăn gì.

Thực hiện đối chiếu trên bảng cân nặng chuẩn, bé sẽ thuộc 1 trong 3 trường hợp:

  • Số cân = mức trung bình (TB): trẻ phát triển bình thường.
  • Số cân < (-2SD): trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu cân.
  • Số cân > (2SD): trẻ có nguy cơ béo phì, thừa cân.

Số cân thay đổi theo tháng hoặc giai đoạn.

Ở mỗi cột mốc phát triển, số cân nặng tăng lên có sự khác nhau. Dựa vào 3 giai đoạn phía trên, có thể đánh giá tình trạng cân nặng của bé đã đạt chuẩn ở từng tháng hay chưa. 

Sự phát triển về hình thể, chiều cao

Bên cạnh cân nặng, phụ huynh cũng cần phải xem xét đến chiều dài, tổng quan ngoại hình và sức khỏe của trẻ. Trường hợp bé có số cân vượt quá chỉ số tiêu chuẩn nhưng chiều dài tốt hoặc bé nhẹ cân nhưng chiều dài giới hạn và thân hình vừa vặn thì có thể an tâm. 

Đặc biệt, nếu trẻ ăn ngon, ngủ đủ và chơi ngoan thì phụ huynh cũng không cần quá lo lắng mà hãy tập trung bồi bổ để bé khỏe mạnh hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích các bậc phụ huynh nên sử dụng biểu đồ tăng trưởng, bởi nhờ công cụ này có thể đánh giá được quá trình phát triển thể chất từ bé, từ đó có cách điều chỉnh phù hợp với bé. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ có tốc độ phát triển khác nhau, nên cha mẹ đừng quá lo lắng khi thấy con nhẹ cân hoặc thừa cân so với các bé khác. Miễn bé vẫn tăng trưởng đều cả về cân nặng và chiều cao là được. 

>>> Xem thêm bài viết liên quan: 

Chỉ số tăng trưởng cân nặng của em bé trong năm đầu đời

Trẻ sơ sinh ăn bao nhiêu Ounce là đủ, hướng dẫn cho trẻ ăn theo trọng lượng