Dựa vào chỉ số tăng trưởng này, mẹ có thể biết được chiều cao, cân nặng của em bé nhà mình đã đạt chuẩn hay chưa.

Tùy theo giới tính, sức khỏe thể trạng, môi trường sống, điều kiện chăm sóc,… mà các bé sẽ có mức độ tăng trưởng về chiều cao, cân nặng khác nhau. Tuy sự tăng trưởng này không giống nhau hoàn toàn, nhưng vẫn có những chỉ số tiêu chuẩn để dựa vào đó, mẹ có thể biết được liệu chiều cao, cân nặng của em bé nhà mình đã đạt chuẩn hay chưa. Nếu vẫn còn đang băn khoăn về chỉ số tăng trưởng này, mẹ có thể tham khảo những thông tin ở bên dưới.

Chỉ số tăng trưởng cân nặng của em bé trong năm đầu tiên

Qua từng giai đoạn, trẻ sẽ có những sự phát triển nhất định về cả chiều cao lẫn cân nặng. Mẹ cần theo dõi kỹ càng sự phát triển này để dự đoán được phần nào sức khỏe của trẻ. Cụ thể chỉ số tăng trưởng cân nặng của bé trong năm đầu đời thường như sau.

Khi mới chào đời

Cân nặng thông thường của em bé mới chào đời rơi vào khoảng 3,3kg và chiều dài lúc này trung bình đạt 50cm. Đương nhiên là với mỗi bé, chỉ số cân nặng, chiều dài sẽ khác nhau, có thể không bé nào giống bé nào nhưng đây vẫn là thông số tiêu chuẩn.

Dưới 5 ngày tuổi

Mẹ có thể hoang mang khi thấy trong khoảng 5 ngày đầu tiên, cân nặng của bé có dấu hiệu giảm đi một chút. Một số người sẽ nghĩ rằng nguyên nhân đến từ việc mẹ cho con ăn không đủ. Tuy nhiên, đừng lo lắng vì đây là một hiện tượng sinh lý vô cùng bình thường.

cân nặng của trẻ sơ sinh 1

Trong 5 ngày đầu, cân nặng của em bé có thể giảm đi đôi chút

Trong khoảng 5 ngày đầu tiên, bé có thể bị sụt cân nhẹ do tại thời điểm này, bé bắt đầu đi tiểu và đi nặng khiến dịch cơ thể và nước cũng bị mất đi. Thông thường, trong những ngày đầu tiên, so với lúc mới sinh cân nặng của con sẽ giảm khoảng 5 – 10%, đa phần các bé đều như vậy nên mẹ có thể yên tâm không cần lo lắng, cân nặng con sẽ sớm tăng trở lại.

5 ngày tuổi – 3 tháng

Đây là khoảng thời gian trẻ sẽ bù đắp cân nặng bị hao hụt trong vài ngày đầu. Thời điểm này trung bình bé tăng khoảng 15 – 28g mỗi ngày.

Đây là mức tăng bình thường và cần thiết để trẻ lấy lại được số cân như lúc mới sinh. Khoảng 2 tuần sau khi sụt cân sinh lý, bé sẽ tăng cân lại bằng với khi vừa chào đời.

Từ 3 – 6 tháng tuổi

Với các bé phát triển bình thường, giai đoạn này cân nặng bắt đầu tăng nhanh. Khi được 6 tháng tuổi, cân nặng của trẻ có thể chạm đến mốc gấp đôi so với khi vừa sinh.

Cụ thể con số tăng cân sẽ rơi vào khoảng 225g mỗi 2 tuần. 6 tháng tuổi cũng là một cột mốc quan trọng khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Bên cạnh việc ăn sữa, hoạt động này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển thể chất, chiều cao cân nặng của em bé về sau.

Từ  7 – 12 tháng tuổi

Giai đoạn con bắt đầu vận động nhiều hơn, chính vì thế, năng lượng trong cơ thể bị tiêu tốn cũng sẽ tăng cao hơn hẳn. Điều này ảnh hưởng tới quá trình tăng cân của bé.

cân nặng của trẻ sơ sinh 2

Từ 7 - 12 tháng, cân nặng của em bé tăng khoảng 500g/tháng

Trung bình cân nặng của em bé sẽ tăng khoảng 500g/tháng. Trước khi được 1 tuổi, bé sẽ nặng gấp 3 lần so với thời điểm mới chào đời, chiều cao chạm mốc 72 – 17cm. Tuy nhiên, với trẻ bú mẹ thì mức cân nặng thường sẽ đạt ít hơn so với mốc tăng 500g/tháng, nhưng cũng không chênh lệch quá nhiều và mẹ cũng không cần phải lo lắng về vấn đề này.

1 tuổi

Bước vào thời điểm 1 tuổi, mức tăng trưởng về chiều cao cũng như cân nặng của con có thể không còn nhanh như trước. Nhưng điều này hoàn toàn bình thường. Trẻ vẫn có thể đạt được mức tăng cân khoảng 225g mỗi tháng. Về chiều cao, 1,2cm mỗi tháng là con số tăng trưởng thông thường trong giai đoạn này.

>>> Có thể bạn quan tâm: Bảng cân nặng và chiều cao con chuẩn nhất

Mẹ nên làm gì để bé sơ sinh phát triển thể chất đúng chuẩn?

Chiều cao cân nặng của trẻ luôn là vấn đề được các mẹ đặc biệt quan tâm. Chính vì thế, việc làm thế nào để con phát triển thể chất tối ưu, đạt chuẩn qua từng giai đoạn vẫn luôn được chú ý. Theo đó, để trẻ sơ sinh tăng trưởng thể chất đúng chuẩn, mẹ rất cần lưu ý những vấn đề sau.

Cho con ăn đúng và đủ

Trong 6 tháng đầu, sữa là nguồn thức ăn chính của con, con không ăn thêm bên ngoài nên dinh dưỡng đến từ sữa là nguồn dinh dưỡng duy nhất. Mẹ cần cho con ăn đúng và đủ, mỗi cữ bú thường sẽ cách nhau 2 – 3 tiếng đồng hồ. Trẻ sơ sinh thường ngủ suốt ngày, đôi lúc con ngủ có thể quên cữ bú và mẹ cần đánh thức bé dậy để cho con ăn.

cân nặng của trẻ sơ sinh 3

Mẹ cần cho con ăn đúng và đủ

Mẹ cần duy trì thời gian bú đủ để con hấp thụ được hết chất dinh dưỡng, như thế cân nặng và chiều cao của trẻ mới có thể tăng nhanh chóng. Thông thường, sữa đầu sẽ chứa nhiều nước cho con thỏa cơn khát, sữa cuối nhiều chất béo, dinh dưỡng và mẹ cần đảm bảo thời gian bú của con vừa đủ để hấp thu tốt toàn bộ dưỡng chất.

Bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ cần thiết kế thực đơn ăn dặm đủ chất, phù hợp với từng giai đoạn. Khi mới làm quen với việc ăn dặm, hãy nhớ rằng sữa vẫn là thức ăn chính nên mẹ vẫn cần đảm bảo cho con bú đầy đủ nhé.

Chú ý giấc ngủ của trẻ

Giấc ngủ quyết định rất nhiều tới sự phát triển thể chất của trẻ, ngay từ giai đoạn sơ sinh, trẻ đã cần được ngủ đủ giấc để nhanh chóng tăng trưởng chiều cao, cân nặng.

cân nặng của trẻ sơ sinh 4

Giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình phát triển thể chất của trẻ

Thiếu ngủ khiến bé dễ bị cáu gắt, quấy khóc, mệt mỏi,… từ đó cũng ảnh hưởng tới quá trình phát triển thể chất của con. Trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian trong ngày, khoảng 16 – 18 tiêng để ngủ, khi lớn hơn, thời gian ngủ sẽ ít đi nhưng mẹ vẫn cần đảm bảo cho con đi ngủ sớm và đủ giấc.

Massage

Các bài massage trẻ sơ sinh mang lại rất nhiều lợi ích, chúng sẽ giúp bé nhà mẹ thêm thoải mái tinh thần, ăn ngon ngủ ngon từ đó phát triển thể chất cũng tốt hơn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn chứng minh rằng, massage trẻ sơ sinh thực sự mang đến những tác động tốt đối với hệ tiêu hóa của trẻ. Nhờ massage đúng cách, con hấp thu chất dinh dưỡng hiệu quả và chắc chắn sẽ mau chóng tăng cân.

Khuyến khích con vận động

Trong tháng đầu, công việc chính của con có lẽ chỉ xoay quanh ăn và ngủ, nhưng càng lớn lên, khoảng thời gian dành cho vận động sẽ càng nhiều thêm. Bé bắt đầu tập lật, trườn bò, vung tay múa chân,… Đừng lo lắng khi con vận động tay chân và hoạt động nhiều, vì đây chính là cách giúp hệ tiêu hóa của con làm việc hiệu quả, trẻ sẽ thấy đói và ăn nhiều hơn, nhờ thế cũng kích thích quá trình phát triển thể chất tốt hơn.

Dựa vào chỉ số tăng trưởng thể chất của trẻ qua từng giai đoạn, có lẽ các mẹ đã nắm chắc được liệu con mình có đang ổn định hay không. Quan tâm và chăm sóc bé đúng cách, mẹ có thể yên tâm vì chiều cao cân nặng của bé sẽ luôn phát triển đạt chuẩn.

Xem thêm bài viết tham khảo:

https://www.babycareadvice.com/blogs/growth/average-weight-gain-for-babies

https://www.nhs.uk/conditions/baby/babys-development/height-weight-and-reviews/baby-height-and-weight/

https://www.healthline.com/health/baby/baby-weight-gain

Xem thêm bài viết liên quan:

Bảng chiều cao cân nặng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chuẩn WHO

Bảng chiều cao cân nặng trẻ từ 0-10 tuổi

Chiều cao cân nặng của trẻ sơ sinh