Tôi thấy các quan niệm dân gian về những kiêng kỵ dành cho bà bầu có những cái đúng nhưng cũng có những cái hết sức tào lao. Ví dụ như chuyện này...



Mọi người đừng vội ném đá khi tôi nói ra điều này. Cá nhân tôi đã từng trải nghiệm nhiều vấn đề, như chuyện mẹ ăn ốc trong thai kỳ con sinh ra chảy dãi chẳng hạn.



Tôi là một bà mẹ đã có hai con. Bình thường tôi là một người nghiện ốc, tôi có thể ăn ốc thay cơm mà không biết ngán. Đến khi có bầu đứa đầu, không như nhiều bà bầu khác ghét những món ăn thường ngày mình thích, trình nghiện ốc của tôi ngày càng dữ dội hơn. Biết vậy, ngay từ tháng đầu mẹ chồng đã ra chỉ thị: “Con không được ăn ốc nha, nếu không sinh con ra sẽ chảy dãi nhìn bẩn lắm”.




Ốc có rất nhiều dưỡng chất tốt cho phụ nữ mang thai



Lần đầu mang thai
quả thật mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ và quá ngỡ ngàng. Sợ con mình sinh ra sẽ “chảy dãi bẩn” (quả thật nhìn những đứa trẻ trong xóm mỗi khi mẹ chúng bế đến nhà tôi chơi hay nhễu nhão nước dãi trên miệng tôi cũng thấy bẩn thật) nên tôi cứ răm rắp tuân theo lời mẹ chồng nói dù đôi lúc cơn thèm ốc nổi lên không có cách nào kìm lại được. Nhưng vì con tôi đã cố gắng vượt qua.



Và cứ thế tôi kiêng ăn ốc trong suốt thai kỳ, cố gắng ăn những gì mẹ chồng bảo ngon, bổ, tốt cho thai nhi mà thực sự có thứ tôi ớn đến tận óc như trứng ngỗng. Tôi đã nghe lời mẹ chồng kiêng cữ trong thai kỳ kỹ đến mức đó vậy mà con tôi sinh ra dãi vẫn chảy, một ngày tôi phải thay ít nhất 3 cái khăn buộc cổ để thấm nước dãi cho bé. Và mãi đến 3 tuổi mới hết. Tôi giả vờ “trách” mẹ chồng chỉ cười cười không nói gì, nựng con tôi và xỉ trán cháu bảo “giống thằng cha mày, lúc nhỏ cũng chảy dãi tận 4 tuổi mới hết”.



Lần sinh đứa thứ 2 tôi chẳng thèm kiêng cữ trong thai kỳ gì hết, tôi ăn ốc thả ga, bất cứ khi nào thèm ốc là tôi đi ăn ngay. Vậy mà con tôi sinh ra không hề chảy một chút dãi nào như anh nó, miệng lúc nào cũng khô ráo, sạch sẽ. Rồi tôi nghĩ, nguyên nhân con trai đầu chảy dãi chắc là do tôi kiêng khem kỹ quá, mẹ thèm mà không dám ăn nên con mới nhỏ dãi nhiều như thế.



Thật ra, tôi không phải là người hay chống đối lại các quan niệm xưa cũ, tôi vẫn luôn tin “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nhưng không phải cái nào cũng hoàn toàn đúng và mình tiếp thu cần phải có chọn lọc.



Đọc các tài liệu, tôi thấy cũng có nhiều bài viết về vấn đề này nhưng không ai chỉ ra được mối liên quan nào giữa ốc và việc chảy nước dãi ở trẻ cả. Những mẹ mang thai lần đầu do thiếu kinh nghiệm, sợ ảnh hưởng đến con nên kiêng cữ trong thai kỳ đủ thứ thành ra mất đi cơ hội bổ sung các dưỡng chất cực kỳ tốt từ các thực phẩm thiên nhiên cho con. Theo tôi, mọi thực phẩm đều có thể ăn trong thai kỳ, chỉ là cách bạn ăn chúng như thế nào cho tốt thôi. Đơn cử như ốc, món ruột của tui! Này nhé!



Ốc được xem là nguồn dinh dưỡng dồi dào và cần thiết cho bà bầu trong thai kỳ khi chứa nhiều loại sinh tố A, B2, PP, chất đạm, chất béo, sắt, canxi… Đặc biệt giàu đạm và canxi nên ốc được xếp vào nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm và canxi tốt nhất cho bà bầu, không chỉ hỗ trợ xương mẹ chắc khỏe mà cũng giúp xương thai nhi phát triển khỏe mạnh. Hơn nữa, năng lượng ốc cung cấp cho cơ thể không nhiều nên mẹ có thể thoải mái thưởng thức món ngon này mà không lo tăng cân, trong 100g ốc chỉ chứa có 90 calo mà thôi.




Bà bầu nên chế biến kỹ ốc trước khi ăn để an toàn sức khỏe



Tuy nhiên, ốc là loài sống trong môi trường dễ bị nhiễm ký sinh nhất, để đảm bảo an toàn sức khỏe thai kỳ các mẹ nên:



- Hạn chế ăn bên ngoài, mua ốc còn sống về nhà chế biến. Cách mẹ nhớ rửa ốc thật sạch, nấu thật chín. Ốc có thể chế biến thành những món tốt cho sức khỏe như: ốc hấp gừng, ốc hấp sả lá chanh, ốc nấu chuối đậu, ốc nấu chua…



- Có thể ăn ốc 1 – 2 lần/tuần trong thai kỳ. Mỗi lần ăn ốc không ăn quá nhiều có thể gây lạnh bụng.



Nói chung ốc rất giàu dinh dưỡng, rất tốt nên các mẹ hãy thoải mái thưởng thức đừng bận tâm đến quan niệm “mẹ ăn ốc con chảy dãi”. Tuy nhiên những mẹ bị rối loạn tiêu hóa, bao tử bị loét thì tránh ăn ốc nhé!



Ký tên



Người mẹ nghiện ốc