Viêm da tiết bã là bệnh hay gặp. Nó không nguy hiểm tính mạng nhưng lại ảnh hưởng tới bề ngoài của bệnh nhân.

Viêm da tiết bã là căn bệnh thường hay gặp và tiến triển nặng vào mùa Thu Đông do đặc tính thời tiết. Người bị bệnh này thường rất mệt mỏi do diễn biến dai dẳng và rất khó điều trị. Đã thế, nó lại còn hay tái phát. 

viem da tiet ba 1

Viêm da tiết bã. Ảnh minh họa

Tìm hiểu chung về bệnh viêm da tiết bã

Đây là căn bệnh tuy không gây hại cho sức khỏe, không gây nguy hiểm tính mạng nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Nó khiến người bệnh khó chịu và mệt mỏi vô cùng. 

Viêm da tiết bã là bệnh gì?

Viêm da tiết bã hay còn được gọi là bệnh viêm da đầu, chàm da mỡ. Đây là dạng bệnh viêm da mạn tính thường gặp với biểu hiện mảng hồng ban tróc vảy ở vùng tiết bã như nếp mũi má, chân mày, mang tai, da đầu. 

Khi bị bệnh, vùng da này trở nên khô và bong ra khiến da đỏ và bị tróc vảy. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng da hay tiết dầu. Song, nó cũng có khả năng gặp ở vùng da dày và khô.

Bệnh này không chỉ gặp ở người lớn mà còn có thể gặp ở trẻ em. Dân gian còn gọi viêm da tiết bã ở trẻ là bệnh 'cứt trâu'. Mặc dù nó không lây nhiễm và cũng không gây hại gì sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài. Điều này khiến bệnh nhân thấy tự ti, khó chịu.

Viêm da tiết bã do nguyên nhân gì?

Bệnh này thường xảy ra khi quá trình tái tạo da bị rút ngắn. Điều này khiến các tế bào lớp sừng bị bong tróc nhanh hơn. Lúc này, chúng kết dính lại với nhau và tạo thành vảy có thể nhìn thấy được. 

Hiện nay, người ta vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân chính xác gây bệnh này là gì. Song, theo các chuyên gia, hiện tượng này khiến da bị viêm. Đồng thời, các loại nấm hay vi khuẩn như nấm Malassezia ovale, vi khuẩn P. Acne có vai trò quan trọng trong cơ chế gây bệnh ở vùng da đầu. 

viem da tiet ba 2

Nguyên nhân gây viêm da tiết bã chưa rõ ràng. Ảnh minh họa

Mặc dù chưa rõ nguyên nhân nhưng bệnh có liên quan tới một số yếu tố như:

  • Tình trạng da nhờn, da bị tiết dầu nhiều: Các chuyên gia nói rằng, có mối quan hệ giữa viêm da tiết bã và lượng chất bã, thể hiện rõ ở lứa tuổi thanh thiếu niên và người trẻ do hoạt động tiết bã mạnh. Ngoài ra, nó còn liên quan tới vị trí phân bố sang thương là vùng tiết bã nhờn. 
  • Hormone: Bệnh này thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Điều này còn liên quan tới sự ảnh hưởng của androgen lên đơn vị nang lông tiết bã. 
  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người bị bệnh này hay bệnh vảy nến thì nguy cơ bạn hoặc con cháu bị bệnh là rất cao. 

Triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã

Đây là căn bệnh xảy ra từ từ, không diễn tiến đột ngột. Bình thường, bệnh nhân không thấy ngứa nhưng cũng có một số trường hợp bị ngứa ngáy, khó chịu ở mức độ nhẹ hoặc vừa. Nếu thời tiết nắng nóng, ra mồ hôi thì cơn ngứa có thể tăng lên.

Tại các vùng da bị bệnh thường có màu đỏ cam, bên trên phủ vảy xám trắng, khô hoặc mỡ nhờn. Đôi khi, có thể xuất hiện các lớp sẩn vảy da có bờ rõ và thường gặp ở khu vực ngực, lưng. Bên cạnh đó, ngực, lưng cũng có khả năng xuất hiện tổn thương hình đồng xu, hình nhẫn... Triệu chứng này khiến bệnh nhân nhầm tưởng với bệnh nấm da. 

Khi bị bệnh, kẽ tai cũng xuất hiện vết rát đỏ, vết nứt, trong ống tai cũng có tổn thương đỏ, vảy da. Điều này dễ gây nhầm lẫn với bệnh nấm ống tai.

Đối với những khu vực có lông như đầu, lông mày, lông mi, râu... thường thấy vảy da dính màu trắng. Ở mặt sẽ xuất hiện tổn thương như hai má hình cánh bướm, rìa trán, kẽ mũi, giữa hai lông mày có lớp da màu đỏ, có vảy da. Nếp gấp như nách, bẹn, kẽ mông, nếp dưới vú, rốn... thường có ranh giới rõ, màu đỏ sậm, nứt kẽ. Đặc biệt, khu vực này có thể tiết dịch khi tình trạng bệnh nặng hoặc cọ xát nhiều. 

Điều trị viêm da tiết bã thế nào?

Viêm da tiết bã là căn bệnh rất dễ tái phát nhiều lần. Mỗi lần có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Vậy, bệnh có thể điều trị tận gốc được không?

viem da tiet ba 3

Viêm da tiết bã rất dễ tái phát. Ảnh minh họa

Trị viêm da tiết bã tận gốc được không?

Đây là căn bệnh mạn tính gây phiền phức cho người bệnh. Bởi, màu da thương tổn đỏ, vảy bong da liên tục sẽ ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chất lượng sống. Song, nếu điều trị đúng và duy trì chế độ điều trị, bệnh nhân hoàn toàn có thể khỏi triệt để. 

Khi điều trị bệnh này, bác sĩ sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể mà chỉ định sử dụng thuốc, dầu gội, kem dưỡng ẩm phù hợp. Bên cạnh đó, nếu thể trạng của người bệnh thiếu thì sẽ được xem xét cho sử dụng thêm vitamin, kẽm. Do đó, tốt nhất mọi người nên đi khám nếu bị bệnh chứ đừng nghe lời mách bảo. Bởi, việc không điều trị dứt điểm sẽ khiến bệnh dễ tái nặng hơn và tái phát nhiều hơn. 

Cách chữa viêm da tiết bã hiệu quả

Việc điều trị bệnh này tùy vào vị trí và mức độ bệnh. Cụ thể:

  • Dầu gội đặc trị thường dùng cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Nếu vảy không mềm thì có thể dùng một vài giọt dầu khoáng chà lên da đầu trước khi gội để làm mềm. Nếu nặng, bác sĩ có thể cho thêm dầu gội và kem bôi chứa chất điều hòa miễn dịch để giảm viêm.
  • Dùng các loại thuốc làm bong vảy tại chỗ như acid salicylic, acid lactic, urea, propylene glycol.
  • Sử dụng thuốc chỗ nấm tại chỗ như ketoconazol, ciclopirox dạng dầu hoặc kem bôi.
  • Dùng Corticosteroid loại nhẹ để giảm viêm.
  • Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ hay được dùng cho vùng da mặt vì ít tác dụng phụ hơn. 
  • Sử dụng kháng sinh và liệu pháp ánh sáng trong trường hợp bệnh nặng, kháng điều trị ở người lớn.

Đây là những cách chữa viêm da tiết bã chung hay được các bác sĩ sử dụng. Một lần nữa nhắc nhở bạn, khi bị bệnh tốt nhất nên đi bác sĩ, đừng nghe lời dùng mấy biện pháp dân gian kẻo hại thân.

Xem thêm bài viết liên quan:

Tất cả kinh nghiệm về bệnh Viêm Da Tiết Bã

Chia sẻ kinh nghiệm về bệnh viêm da tiết bã nhờn và phương pháp cải thiện làn da

Dành cho các bé bị viêm da cơ địa!