Phải thật cẩn thận khi tiếp xúc với thóp trẻ sơ sinh, mẹ lỡ sơ sảy là dễ tổn thương đến não bộ của con.

Con mới sinh cực kỳ non yếu, đụng chỗ nào cũng mềm xèo, mong manh dễ vỡ. Một trong những vị trí mềm, dễ tổn thương mà các mẹ phải cẩn thận nhất đó là thóp trẻ sơ sinh. Bởi một khi thóp trẻ chịu tổn thương, không đơn thuần là thể chất chịu ảnh hưởng.

Bình thường mẹ vẫn có thể chạm nhẹ vào thóp con để kiểm tra sức khỏe. Nhưng tuyệt đối không được để thóp của con bị va đập mạnh. Nặng nề nhất là não bộ con bị chấn động, có thể dẫn đến di chứng về sau. Dưới đây là kiến thức cơ bản về thóp và thời gian đóng thóp, mẹ chú ý để nuôi con thật tốt.

Kiến thức cơ bản về thóp trẻ sơ sinh

1. Thóp là gì?

Chắc hẳn các mẹ thường được nghe đến thóp trẻ sơ sinh và được khuyên là nên chú ý đến phần này nhiều khi nuôi con. Vậy thóp là gì? Theo thông tin từ các trang kiến thức, thóp là phần mềm trên đầu trẻ sơ sinh, có thể thấy được từ lúc mới chào đời đến khoảng vài tháng, thậm chí là 1, 2 năm.

thóp trẻ sơ sinh

Thóp trẻ sơ sinh gồm thóp trước và thóp sau

Thóp có dạng vòng tròn, hơi lõm xuống, khi chạm nhẹ vào có cảm giác rất mềm, không được bao phủ bởi hộp sọ như những chỗ khác. Nếu con khóc, mẹ có thể nhìn thấy phần thóp phập phồng theo.

Thường các mẹ chỉ chú ý đến thóp trên đỉnh đầu, nhưng thực tế trẻ sơ sinh có đến 2 thóp:

  • Thóp trước

Thóp trước trong dân gian hay gọi là mỏ ác, thóp này nằm phía trên đỉnh đầu, vị trí là giữa xương trán và xương đỉnh. Thóp trước từ lúc trẻ sinh ra sẽ liên tục thay đổi và thay đổi rất nhiều.

Lúc mới sinh, thóp trước tầm khoảng 2,5 x 2,5 cm. Kích thước thóp sẽ tăng lên theo chu vi đầu của trẻ. Sau 2, 3 tháng, kích thước thóp có thể 0,6 – 3,6 cm tùy bé.

  • Thóp sau

Thóp sau của trẻ thường rất nhỏ, chỉ bằng đầu ngón tay, khoảng 0,5 cm nên nhiều khi các mẹ chỉ nghĩ là đầu con bị lõm phía sau. Thóp sau nằm giữa xương đỉnh đầu và xương chẩm. Thóp sau thường đóng rất sớm, chỉ vài tháng sau sinh so với thóp trước.

2. Chức năng của thóp trẻ sơ sinh

Tuy chỉ là một điểm nhỏ trên cơ thể bé nhưng thóp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cấu trúc màng sợi của thóp giúp gắn kết xương đầu, là đường nối đàn hồi giữa xương hộp sọ.

  • Thóp giúp quá trình vượt cạn của trẻ sơ sinh an toàn

Nếu không có thóp, hộp sọ đóng hoàn toàn sẽ cứng. Một khi mất đi sự đàn hồi, sẽ rất khó để thai nhi chui qua ống sinh của mẹ. Thóp trẻ sơ sinh giúp đầu của bé có thể đàn hồi, thay đổi hình dáng linh hoạt trong lúc vượt cạn.

Nhờ có thóp, não có thể đàn hồi, trẻ cũng dễ dàng thoát ra ngoài mà không bị vướng lại trong ống sinh. Điều quan trọng, nhờ có thóp mà não, mắt và màng xương của trẻ không bị chấn thương, đau đớn hay chảy máu.

  • Bảo vệ não trẻ sơ sinh

Trong quá trình lật, lẫy, bò, bé rất dễ bị chấn thương do va chạm ở phần đầu. Lúc này, thóp đóng vai trò bảo vệ, tạo màng đệm để hứng những va chạm từ bên ngoài. Nhờ có thóp mà bé sẽ đỡ lo bị chấn thương đầu, tổn thương não.

  • Giúp não phát triển hoàn thiện

Sau khi chào đời, não trẻ sơ sinh liên tục phát triển. Do đó, nếu thóp đóng quá sớm, hộp sọ cố định sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển não của trẻ. Thóp đóng vai trò tạo khoảng không gian phù hợp giúp não phát triển thêm. Đồng thời tùy chỉnh các khớp nối để phù hợp với độ phát triển của não.

Đóng thóp trẻ sơ sinh

Đối với các bà mẹ mới sinh, việc chăm sóc thóp của con vô cùng quan trọng. Điều mà các mẹ quan tâm nhiều nhất là khi nào thóp con đóng. Liệu đóng quá sớm có gây ảnh hưởng đến não bộ về sau hay không. Những giải đáp dưới đây sẽ giúp các mẹ giảm bớt lo lắng.

đóng thóp trẻ sơ sinh

Điều mà các mẹ quan tâm nhiều nhất là khi nào thóp con đóng

1. Khi nào trẻ sơ sinh đóng thóp?

Như đã trình bày ở phần trên, thóp trẻ sơ sinh có đến hai vị trí là thóp trước và thóp sau. Mỗi vị trí sẽ có tốc độ đóng thóp khác nhau.

  • Thóp trước

Sau sinh 2, 3 tháng, thóp trước sẽ to dần lên theo sự phát triển của não bộ, đồng bộ với sự to lên của chu vi đầu. Sau đó lại thu dần lại, đây chính là hiện tượng đóng thóp. Thông thường, tầm 12 - 14 tháng là thóp sẽ đóng lại. Khoảng từ 18 - 24 tháng, thóp trẻ sẽ khép lại hoàn toàn. Thời gian nhanh chậm tùy vào cơ địa từng bé, nhưng phải trong khoảng thời gian ở trên.

  • Thóp sau

Thóp sau thường đóng lại rất nhanh so với thóp trước, nhiều khi mẹ chưa kịp để ý thì thóp con đã đóng lại. Thời gian nhanh nhất để thóp sau đóng lại là khoảng 6 tuần tuổi. Lâu nhất cũng chỉ 4 tháng là thóp sau khép lại hoàn toàn.

2. Đóng thóp sớm có sao không?

Việc lo lắng đóng thóp sớm thường được hiểu là thóp trước. Vì một số lý do mà thóp trẻ sơ sinh đóng sớm hơn so với thời gian chung. Việc đóng thóp sớm có thể liên quan đến các di chứng như bẩm sinh, não và xương đầu cốt hóa sớm, mẹ bị phơi nhiễm tia X-quang.

Hậu quả của đóng thóp sớm thường sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến não bộ. Như đã nói ở trên, thóp tạo môi trường để não phát triển. Thóp đóng sớm sẽ khiến não bị hạn chế khả năng phát triển về sau. Dẫn đến các di chứng như não kém phát triển, giảm trí tuệ ở trẻ em.

3. Đóng thóp muộn thì sao?

Không chỉ đóng sớm mà đóng muộn cũng có vấn đề. Những trường hợp trẻ sau 2 tuổi vẫn chưa đóng thóp trước thì cần đi bác sĩ kiểm tra. Thóp đóng muộn là xương chậm cốt hóa. Nguyên nhân có thể do chức năng tuyến giáp trạng kém. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, não to bất thường ở trẻ em.

4. Sờ vào thóp trẻ sơ sinh có sao không?

Do thóp của trẻ sơ sinh mềm, lại còn ở vị trí trên đầu nên mẹ rất sợ khi chạm vào thóp con. Trên thực tế, mẹ có thể chạm vào thóp con để kiểm tra sức khỏe của con. Chỉ cần chạm vào một cách nhẹ nhàng sẽ không gây tổn thương cho con.

thóp của trẻ sơ sinh

Trên thực tế, mẹ có thể chạm vào thóp con để kiểm tra sức khỏe của con

Lý do là thóp có nhiều lớp và sợi màng dày nên không lo bị thương nếu chỉ bị chạm nhẹ. Vì vậy, câu trả lời cho các mẹ là chạm vào thóp trẻ sơ sinh không sao, tuy nhiên đừng cứ hở ra là vuốt thóp con.

5. Sờ thóp trẻ sơ sinh đoán tình trạng của con

Thóp trẻ sơ sinh phản ánh tình trạng sức khỏe của con khá chính xác. Đó là lý do vì sao những bà mẹ có kinh nghiệm chỉ cần nhìn thóp là biết con đang làm sao.

Nếu thóp trước đầy đặn, phồng lên quá mức, có thể áp lực nội sọ đang lên cao. Đây có thể là dấu hiệu của huyết áp, viêm màng não, não úng thủy.

Khi quan sát thấy thóp lõm xuống có thể là do con đang thiếu nước, khát nước, hoặc có thể đang suy dinh dưỡng.

Đặc biệt khi thấy thóp con mở quá to, rộng, đó không phải là biểu hiện của thông minh mà là dấu hiệu cần cảnh giác về sức khỏe.

Thời gian trẻ mới chào đời, mẹ cần chú ý thật kỹ, bảo vệ thóp trẻ sơ sinh vì đây là điểm cực kỳ nhạy cảm trên cơ thể con. Đặc biệt, mẹ cần lưu ý độ phập phồng, tình trạng đóng thóp trẻ sơ sinh quá sớm hay quá muộn để kịp thời đi bác sĩ.

Xem thêm bài nguồn tại:

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/about-the-fontanelle

https://www.verywellfamily.com/what-you-need-to-know-about-fontanelles-4175604

https://health.clevelandclinic.org/5-warning-signs-from-your-babys-soft-spot

Xem thêm bài viết liên quan:

Thóp đầu trẻ sơ sinh lõm sâu hay đầy đặn đều là dấu hiệu nguy hiểm cần chữa ngay không bác sĩ bó tay

Thóp trẻ sơ sinh đóng trễ, lớn lên sẽ rất thông minh: Đúng hay sai?

Có cần che thóp cho trẻ sơ sinh