Mẹ bầu dễ bị thuyên tắc phổi cao gấp 5 lần phụ nữ bình thường, không cứu kịp có thể khó bảo toàn mẹ lẫn con.

Mang thai khiến cơ thể gặp nhiều thay đổi, nhất là mặt khí huyết. Điều này dẫn đến nguy cơ thuyên tắc phổi ở phụ nữ mang thai cao gấp 5 lần bình thường. Thuyên tắc phổi đối với mẹ bầu cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng cả mẹ lẫn con. Do đó các mẹ phải chú ý và phòng ngừa thuyên tắc phổi từ trước khi mang thai.

Thuyên tắc phổi khi mang thai

1. Thuyên tắc phổi là gì?

thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi (PE) là tình trạng tắc nghẽn trong động mạch phổi

Thuyên tắc phổi (PE) là tình trạng tắc nghẽn trong động mạch phổi. Thuyên tắc phổi thường xảy ra do một cục máu đông hoặc một mảnh từ cục máu đông vỡ ra.

Cục máu đông, mảnh máu đông này sẽ di chuyển đến gần phổi hoặc rìa phổi, làm tắc động mạch phổi. Đây là tình trạng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng, cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

2. Phụ nữ mang thai nguy cơ thuyên tắc phổi gấp 5 lần

Khi mang thai, cơ thể tăng cường sản xuất máu nên thúc đẩy quá trình đông máu diễn ra nhanh hơn bình thường. Từ đó dẫn đến nguy cơ hình thành cục máu đông cao gấp 5 lần so với người không mang thai.

Bên cạnh đó, tử cung ngày càng lớn cũng cản trở sự lưu thông máu trong các tĩnh mạch phần dưới cơ thể. Tình trạng này có thể hình thành các cục máu đông. Khi các cục máu đông này vỡ ra và di chuyển đến phổi, nó sẽ trở thành thuyên tắc phổi.

Các cục máu đông lớn có thể làm giảm lượng oxy cung cấp cho phổi một cách đáng kể, gián tiếp làm tổn thương các cơ quan. Trường hợp nặng có thể gây trụy tim mạch cục bộ do máu đông làm nghẽn cả hai phổi.

Trường hợp nguy kịch do thuyên tắc phổi khi mang thai khá hiếm, chiếm khoảng 1/7000 trường hợp. Tuy nhiên mẹ bầu không thể chủ quan với thuyên tắc phổi.

Có đến 11% mẹ bầu không qua khỏi vì thuyên tắc phổi. Nguy hiểm hơn, không chỉ lúc mang thai mà cả sau sinh, thuyên tắc phổi vẫn gây ra 2/3 số ca qua đời ở sản phụ.

Triệu chứng và đối tượng dễ bị thuyên tắc phổi

1. Các triệu chứng của thuyên tắc phổi

Rất khó để phát hiện thuyên tắc phổi khi mang thai vì hệ thống tuần hoàn thay đổi đáng kể suốt thai kỳ. Các triệu chứng phổ biến nhất của thuyên tắc phổi là khó thở và ho có thể kèm theo đờm có máu.

thuyên tắc phổi khi mang thai

Các triệu chứng phổ biến nhất của thuyên tắc phổi là khó thở và ho có thể kèm theo đờm có máu

Cũng có một số triệu chứng cảnh báo ban đầu như khó thở, đau ngực, phù chân. Ngoài ra, còn một số vấn đề khác như chóng mặt, ngất xỉu, choáng váng. Mẹ bầu có thể tăng nhịp tim, lo lắng không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên những dấu hiệu này rất khó nhận biết thuyên tắc phổi vì gần giống với các triệu chứng chung của thai kỳ. Để chẩn đoán thuyên tắc phổi chính xác nhất, bác sĩ sản khoa cần biết về tiền sử bệnh và sức khỏe tổng quát.

Đồng thời chẩn đoán qua hình ảnh CT, MRI hoặc siêu âm. Làm các xét nghiệm máu và nhiều xét nghiệm khác để phát hiện có cục máu đông đang tồn tại hay không.

2. Đối tượng rủi ro cao, dễ bị thuyên tắc phổi khi mang thai

Mang thai tăng nguy cơ thuyên tắc phổi gấp 5 lần so với những phụ nữ bình thường. Đặc biệt những mẹ bầu thuộc nhóm đối tượng rủi ro cao dưới đây càng cần chú ý:

  • Mẹ bầu có tiền sử người trong gia đình mắc chứng rối loạn đông máu, thuyên tắc phổi, mắc bệnh hồng cầu hình liềm.
  • Mẹ bầu mang thai từ 35 tuổi trở lên.
  • Từng phẫu thuật xương, não, khớp.
  • Mẹ bầu bị thừa cân, béo phì.
  • Mẹ bầu bị bệnh tim hoặc gặp các tình trạng viêm.
  • Mẹ bầu ít vận động.
  • Bị ung thư tuyến tụy, buồng trứng, ung thư phổi.
  • Từng mổ lấy thai hoặc mang song thai.
  • Có tiền sử bệnh huyết khối, giãn tĩnh mạch hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu.

Phòng ngừa thuyên tắc phổi cho mẹ bầu

1. Chăm sóc bản thân trước khi mang thai

Phòng ngừa thuyên tắc phổi cần được chú ý từ trước khi mang thai. Chuẩn bị một sức khỏe tốt là nền tảng quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro trong thai kỳ. Để có được sức khỏe tốt, ngừa chứng thuyên tắc phổi nguy hiểm, phụ nữ cần chú ý chăm sóc bản thân thật tốt.

ngừa thuyên tắc phổi

Để có được sức khỏe tốt, ngừa chứng thuyên tắc phổi nguy hiểm, phụ nữ cần chú ý chăm sóc bản thân thật tốt

Việc chăm sóc bản thân này bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh. Đi kèm với ăn uống là một chế độ tập luyện, vận động giúp cơ thể duy trì cân nặng lý tưởng.

Trước khi mang thai, phụ nữ cần ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Phải luôn nhớ uống đủ nước và tập thể dục. Đồng thời đi khám tổng quát nếu có dự định mang thai để đảm bảo không có vấn đề về sức khỏe.

Phụ nữ được khuyên là nên mang thai ở mức cân nặng hợp lý. Đây chính là cách tốt nhất để ngăn ngừa hình thành cục máu đông và thuyên tắc phổi. Trước khi mang thai, chỉ số BMI nên duy trì trong khoảng 18,5 – 23. Trong lúc mang thai, chỉ nên tăng cân theo đúng khuyến nghị cho từng giai đoạn.

Dành cho những ai chưa biết thì chỉ số BMI viết tắt của cụm từ Body Mass Index, còn gọi là chỉ số khối cơ thể. Chỉ số này được tính bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao.

2. Ngăn ngừa thuyên tắc phổi khi mang thai và sau khi sinh

Tất cả mẹ bầu đều có thể thực hiện các bước để ngăn ngừa và tự bảo vệ bản thân khỏi chứng thuyên tắc phổi nguy hiểm. Vì như đã nói ở trên, thuyên tắc phổi không chỉ có nguy cơ tăng cao khi mang thai mà còn có thể gặp sau sinh.

thuyên tắc phổi ở bà bầu

Để ngừa thuyên tắc phổi, mẹ bầu cố gắng tập thể dục và đi bộ thường xuyên nhất có thể

Để ngừa thuyên tắc phổi, mẹ bầu đầu tiên phải nhớ duy trì chế độ dinh dưỡng và cân nặng hợp lý khi mang thai. Tiếp đến, mẹ bầu cố gắng tập thể dục và đi bộ thường xuyên nhất có thể. Tuyệt đối tránh để bà bầu nằm quá nhiều trừ khi bác sĩ yêu cầu.

Khi đi sinh, nên đến bệnh viện uy tín hoặc cơ sở chuyên về sinh sản có chuyên môn cao để đề phòng các biến chứng bất ngờ. Sau sinh, nên đứng dậy và rời khỏi giường càng sớm càng tốt để thúc đẩy tuần hoàn máu. Đặc biệt với những mẹ sinh mổ, việc rời giường nên cố gắng sớm nhất có thể.

Không có cách đưa ra phán đoán chính xác bà bầu nào sẽ bị thuyên tắc phổi khi mang thai. Do đó, mỗi mẹ bầu cần nắm được các triệu chứng, cách phòng ngừa để tự bảo vệ mình và thai nhi.

Xem thêm bài nguồn tại:

https://weillcornell.org/news/what-every-woman-should-know-about-pregnancy-and-pulmonary-embolisms

https://utswmed.org/medblog/pulmonary-embolism-pregnancy

https://www.medicalnewstoday.com/articles/pulmonary-embolism-and-pregnancy

Xem thêm bài viết liên quan:

Ở cữ quá kỹ, sản phụ bị thuyên tắc phổi, bác sĩ nói lâu hơn nữa sẽ đột quỵ

Thai phụ ở tuần 37 kêu ho nhiều, vừa đến viện bác sĩ yêu cầu vào phòng mổ lấy thai khẩn cấp

Cảnh báo! Ca thứ 2 đột tử sau vài ngày sinh, "thủ phạm" nghe tên thật đáng sợ