Nhìn cứ tưởng nó là loài chim lạ nào, nhưng thật ra con chim này cũng có 2 chân như mọi loài chim khác thôi ạ.

Trên mạng từng rầm rộ chia sẻ bức ảnh về một con chim có 10 chân. Tuy nhiên, bức ảnh này không cho thấy một số loài chim đột biến mười chân như một số bình luận trên Instagram, nó cũng không phải kết quả của công cụ chỉnh sửa ảnh.

hình ảnh

10 trường hợp 'dậy thì thành công' ở loài chim: Lúc nhỏ xấu xí, lớn lên kiêu sa lộng lẫy

Con chim đó chỉ là một con chim bố dũng cảm ôm bốn con non của mình mang đến nơi an toàn. Jacana mào đỏ (Irediparra gallinacea) là loài chim nổi tiếng với khả năng đi bộ trên mặt nước. Đôi chân của chúng có những ngón chân dài, vươn rộng để phân bổ trọng lượng của chúng trên bề mặt lá cây súng và những loài cây có lá nổi trên mặt nước khác để chim đi trên đó.

Nhờ vậy, những con chim cao 20 - 27 cm có thể nổi lên trên lá khi chúng lướt ngang qua bề mặt nước. Tại đây, chúng tìm kiếm thức ăn, chủ yếu là động vật không xương sống nước ngọt như ấu trùng bướm nước và hạt giống thực vật thủy sinh, đặc biệt là hạt lily.

hình ảnh

Sally Corte từ Queensland, Úc đã chụp được ảnh con chim jacana “10 chân” khi nó đang thể hiện hành vi bảo vệ con độc đáo của loài này.

"Tôi đã may mắn được ở trong chiếc xuồng của mình, nhìn thấy một con jacana với vài con non", Corte nói với Science Alert trong email. "Thông thường, chúng khá nhút nhát và rất cảnh giác, khiến việc chụp chúng bằng máy ảnh trở nên khó khăn."

Sau khi cô chạy lại để lấy máy ảnh của mình, những con chim non đã biến mất, vì vậy cô chỉ chụp được bức ảnh về con trưởng thành. Mãi đến khi Corte xử lý những hình ảnh cô may mắn chụp được thì cô mới nhận ra: "thực ra có tới 8 cái chân khác lơ lửng!".

Các ông bố ở loài chim jacana mào đỏ bế con của chúng bằng đôi cánh để mang con đến nơi an toàn. Vì có tới 80% tổ chim có thể bị mất trước khi trứng nở, nên không lạ khi loài chim này làm mọi thứ trong khả năng của mình để cứu những đứa con khỏi mọi mối đe dọa tiềm tàng. Cũng có nguồn tin cho biết loài chim này di dời trứng bằng cách mang trứng dưới cằm.

hình ảnh

Những con chim Jacana này có thể được tìm thấy ở vùng đất ngập nước từ Borneo, bờ biển phía bắc và phía đông của New Guinea và Úc đến khu vực Canberra.

Năm 2000, nghiên cứu của nhà nghiên cứu chim Terrence Mace về hệ thống giao phối loài này cho thấy những con jacana mái lớn hơn và giao phối với nhiều con trống - trung bình từ 2-3 con trống.

Sau khi đẻ trứng trên tổ, chim mái thường bay đi để vui vẻ với “anh chàng” khác, để lại trứng cho chim trống nhận toàn bộ trách nhiệm ấp. Những con trống sau đó một mình nuôi bầy chim non sau khi chúng nở.

Mace tin rằng chiến lược giao phối bất thường này có thể đã phát triển do tỷ lệ tổ chim bị mất cao. Do đó, càng đẻ nhiều trứng, cơ hội chim sống sót càng lớn.

Nguồn dịch, nguồn ảnh: sciencealert