Từ hồi bé, bà nội mình đã hay dạy mình mấy câu tục ngữ, thành ngữ. Nhờ bà mà mình biết và cũng thuộc rất nhiều. Mình nhớ mãi có lần bà nội đến nhà bạn hay người quen gì đó (ở tỉnh kế bên) chơi nhưng tối thì đòi bố mình phải qua đón về. Hồi đấy cứ nghĩ sao bà không ở lại nhà họ luôn đi, hôm sau mà về. Chứ về tối đêm, trời thì rét mướt, thấy thương cả bà cả bố. Mà hồi đó làm gì có xe máy, ô tô xịn, đèn đường sáng choang như giờ đâu.

Hôm sau thì ngồi với bà mình mới hỏi. Bà bảo: Người xưa có câu ‘60 tuổi không mời uống rượu, 70 tuổi không ngủ lại, 80 tuổi không phần cơm’ mà con. Nói chung lúc đấy mình cũng không hiểu, lớn tí thì thấy bà cũng hay nhắc lại, bảo phải nhớ để sau đừng có thất lễ với người khác. Nhưng thú thực, mình chả để tâm đâu.

Mãi tới hôm trước khi về nhà chồng mình ăn giỗ, thấy mấy người họ hàng ngoài 40, mời mọc bố chồng mình, mà mời theo kiểu ‘anh không uống là không nể em rồi’. Trong khi bố chồng mình cũng xấp xỉ bảy chục rồi. Tự nhiên lúc này câu tục ngữ kia lại xuất hiện trong đầu làm mình thắc mắc ghê.

Mình tìm hiểu trên báo thì thấy có giải thích nhưng chắc ít người để ý. Nhân dịp hôm nay mình hơi có thời gian thì chia sẻ lại với mọi người những thông tin mà mình lượm lặt được trên báo. Chứ Tết nhất đến nơi rồi, việc mời rượu là điều dễ hiểu, nhưng nên biết mấy cái này để tránh lại bị người ta đánh giá cho nha.

hình ảnh

Gặp người đã ở tuổi 60 thì không nên mời uống nhiệt tình. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

‘60 tuổi không mời uống rượu, 70 tuổi không ngủ lại, 80 tuổi không phần cơm và 90 tuổi không giữ chỗ’ nghĩa là gì?

+ 60 tuổi không mời uống rượu:

60 tuổi là thời điểm mà cơ thể của chúng ta không còn trẻ trung nữa. Lúc này, các cơ quan, bộ phận đang lão hóa rồi. Những việc mà chúng ta vốn làm một cách nhẹ nhàng trước kia thì nay bắt đầu gặp khó khăn.

Việc này cũng xảy ra tương tự với các cơ quan nội tạng. Hơn nữa, thời gian ngủ của những người từ 60 trở lên cũng ít đi. Vì vậy, nội tạng sẽ yếu ớt hơn hẳn. Đây cũng là lúc mà các vấn đề sức khỏe sẽ được đà mà bộc phát. Do đó, từ 60 thì không nên uống rượu bởi với người trẻ, rượu đã có thể làm tổn hại các cơ quan nội tạng mà cụ thể là gan, huống gì là người già.

Bởi vậy, bản thân những người này nên biết bỏ, tránh xa rượu chè, con cháu cũng nên biết điều, đừng mời mọc. Các cụ có vui thì uống chút chứ đừng mời mọc quá mức, các cụ uống rồi lại hại thân.

+ 70 tuổi không ngủ lại:

Ở độ tuổi này, tố chất thân thể không còn được như xưa nữa. Nếu như ở lại nhà người khác, việc lạ nhà, lạ giường có thể khiến các cụ vốn đã ngủ ít nay còn chẳng thể ngủ được. Hơn nữa, ở một hoàn cảnh khác biệt chưa quen, rất dễ dẫn tới các vấn đề ngoài ý muốn. Chẳng hạn, muốn đi vệ sinh mà lại chẳng quen đường có thể trượt chân té ngã, sẽ rất phiền chủ nhà. Với lại, ở cái tuổi ‘gần đất xa trời’ này thì tỷ lệ đột quỵ cũng rất cao. Nếu lỡ ngủ lại nhà người ta rồi chẳng may ‘đi’ thì cũng rất phiền phức.

Đối với các cụ ở độ tuổi này, phòng ốc chẳng còn quan trọng, chỉ cần nó ấm áp và mang lại sự vui vẻ là được.

hình ảnh

Người cao tuổi nên cần giữ gìn sức khỏe cẩn thận. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

+ 80 tuổi không phần cơm, 90 tuổi không giữ chỗ ngồi:

Độ tuổi 80 trước kia thuộc dạng ‘hiếm có khó tìm’. Ngày nay khi cuộc sống được cải thiện thì tuổi thọ của con người cũng được nâng lên. Nhưng dù vậy, tuổi 90 vẫn được xếp vào nhóm ‘có phúc lắm mới sống được đến chừng này’.

Song, từ 80 tuổi thì cơ thể yếu rồi, việc ăn uống cũng cần hết sức lưu tâm. Đây là thời điểm mà những món ăn thanh đạm nên được ‘đề cao’. Phải nói, ở độ tuổi này thức ăn chẳng cần là cao lương mĩ vị mà chỉ cần các cụ thấy ngon, thích là được.

Trong khi đó, những bữa tiệc tùng thì lại có quá nhiều đồ ăn giàu dinh dưỡng. Với những người già, lúc này không cần phải phần cơm nữa vì nào có ăn được bao nhiêu nữa đâu. Thậm chí, có những cụ còn răng rụng hết rồi, đến thịt xé sợi cũng có khi chẳng ăn được.

Đối với việc giữ chỗ ngồi, người già tuổi tác yếu, đâu có ngồi lâu một chỗ được nữa đâu mà giữ. Giữ thế nhiều khi tạo áp lực tâm lý là các cụ nhất định phải sang, ngồi xuống. Trong khi với các cụ thì việc đi lại không dễ dàng, mỗi lần ngồi xuống rồi đứng lên rất mệt mỏi. Vậy thì lúc này nếu các cụ qua được thì tốt, sự xuất hiện thoáng chốc của các cụ cũng khiến con cháu phấn khởi rồi. Thế nên không phải cố giữ chỗ phần cơm làm gì cả. Ở tuổi này, chỉ cần các cụ vui, khỏe là đã mừng lắm rồi.

Đây là những thông tin mà báo chí cung cấp. Mình thấy khá thiết thực đó, chứ giờ nhiều người vẫn còn hay có quan niệm trẻ mời rượu người già, rồi thì giữ chỗ, phần cơm. Như vậy là đôi khi còn thất lễ với bề trên mà còn hại sức khỏe các cụ nữa đó.

Nguồn: Tổng hợp