Bữa giờ trên mạng xã hội xôn xao vụ một Youtuber vừa tậu xế xịn đã review những bất ổn trong quá trình sử dụng xe dù đã mang đi sửa chữa nhiều lần vẫn chưa khắc phục được. Khỏi phải nói, những người có ý định mua loại xe này sau khi xem review đã phải cân nhắc, suy nghĩ lại trước quyết định của mình.

>>> Cách loại bỏ triệt để mùi hôi, thuốc lá, rượu bia trên ô tô: Mẹ không sợ mùi, đỡ hẳn say xe

Không nhớ tự bao giờ, người tiêu dùng bắt đầu có thói quen xem review sản phẩm trước khi bỏ tiền túi của mình để sở hữu được chúng. Cũng chính từ đây mới phát sinh những trò xấu có khi là của người mua, người bán hoặc là đối thủ của người bán…

Theo trang Zing News và báo Thanh Niên, hôm trước mình đọc được, kênh Youtube Gogo TV đã đăng tải đoạn clip dài gần 30 phút trong đó có 18 phút đề cập đến lỗi của chiếc xe ô tô mang hiệu V. màu trắng có biển số 66A-139.45. Người xuất hiện trong đoạn clip là ông Trần Văn H. đã liệt kê hơn 10 lỗi của chiếc ô tô mới tậu này, cụ thể:

#1. Báo lỗi áp suất dù bánh xe không thủng.

hình ảnh


Ảnh: Cảnh báo áp suất lốp hiện trên chiếc ô tô của ông H. Nguồn: Chụp màn hình - Zing News. 

#2. Cần gạt mưa gạt búa xua dù chả mưa và khiến các chức năng như xi nhan bị vô hiệu.

#3. Sạc không dây trên xe chập chờn, khi được khi không.

hình ảnh


Ảnh: Xe báo điện thoại đã ra khỏi sạc không dây. Nguồn: Chụp màn hình - Zing News. 

#4. Chức năng kiểm soát hành trình, có lúc dùng được, lúc không.

#5. Cánh cửa xe “kêu ẹp ẹp”. Phải đi bảo dưỡng nhiều lần. Cuối cùng gỡ hết ron khiến tiếng ồn bên ngoài vọng vào to hơn.

#6. Chân thắng (phanh) có tiếng kêu cục cục không thường xuyên gây lo ngại.

#7. Báo lỗi động cơ. Yêu cầu kiểm tra động cơ. Tắt máy một đêm hoặc hơn 10 tiếng, thì hết báo lỗi. Khiến chủ xe hoang mang.

hình ảnh


Ảnh: Chiếc xe của ông H. hiện cảnh báo kiểm tra động cơ dù đang vận hình bình thường. Nguồn: Chụp màn hình - Zing News. 

#8. Không đóng kín được nắp chỗ đổ xăng.

hình ảnh


Ảnh: Nắp bình xăng chiếc ô tô của ông H. không thể đóng khít. Nguồn: Chụp màn hình - Zing News. 

#9. Tiếng gió lọt vào xe gây rung kính và ù tai. Khác biệt quá lớn so với xe lái thử.

#10. Bỏ qua việc mất thời gian, xăng cộ… Vô lăng bị tháo bung, cánh cửa bị tháo bung, kính bị xước dăm, vết xước trên cửa do nạy sửa, ghế da bị dính dầu nhớt, vệ sinh không được.

Không chỉ các lỗi trên, Youtuber này còn kể voucher tặng suất nghỉ dưỡng có giá trị 26 triệu đồng tại hệ thống V. sau khi nhập mã vào thì luôn trong tình trạng hết phòng. Chưa hết, liên tục có các số điện thoại liên hệ với ông H. để mua lại vé bằng nửa giá trị của voucher.

hình ảnh


Ảnh: Ảnh chụp biên bản làm việc được ông H. đăng trong clip. Nguồn: Chụp màn hình - Zing News. 

Theo ông H., tất cả các lỗi kể trên dù xe đã được mang đi sửa chữa, bảo dưỡng 10 lần tại xưởng dịch vụ chính hãng nhưng kỹ thuật viên không khắc phục được triệt để hết các lỗi.

Ngay sau đoạn clip được đăng tải, chủ hãng xe V. đã có phản hồi chính thức trên fanpage của mình, cho rằng nội dung đoạn clip mà ông H. review là không đúng sự thật về chất lượng của xe, gây hoang mang tới người dùng và làm ảnh hưởng đến uy tín của hãng.

hình ảnh


Ảnh: Phản hồi của chủ hãng xe sau khi kênh YouTube GoGo TV tố xe dính nhiều lỗi. Nguồn: Chụp màn hình - Zing News. 

Được biết, chủ hãng đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an về việc này. Công an tiếp nhận đơn và đã có lịch mời ông H. đến trụ sở làm việc.

Dù đoạn clip trên đã được gỡ bỏ khỏi kênh Youtube, nhưng chủ hãng xe nêu trên quyết làm cho ra lẽ vụ việc này.

Nhiều chủ xe cùng loại với xế xịn kia cho biết, một số lỗi đề cập là các tính năng của xe, nhưng người dùng chưa biết cách sử dụng và cho rằng đó là lỗi. Thực hư câu chuyện như thế nào, có lẽ phải chờ kết quả làm việc và điều tra của cơ quan Công an.

Đọc vụ việc này xong có nhiều người hoang mang rằng, liệu tôi review chính chiếc xe của tôi mới mua cũng có tội hay sao?

Theo quy định tại Điều 8 của Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 có quy định về quyền của người tiêu dùng, trong đó có quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Đồng thời, người tiêu dùng cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; khiếu nại, tố cáo… để bảo vệ quyền lợi của mình.

hình ảnh


Ảnh: Chiếc xe V. xuất hiện trong clip. Nguồn: Zing News. 

Đi đôi với quyền là nghĩa vụ, người tiêu dùng có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường và trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội…

Đặc biệt, cần thông tin đến cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng hoặc là hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Đã có quy định thì với vai trò là người tiêu dùng, mẹ cần thực hiện đúng quy định khi phát hiện lỗi của sản phẩm. Cần thông báo ngay với nhà sản xuất để được thực hiện chế độ bảo hành, trong trường hợp đã thực hiện nhiều lần mà vẫn xảy ra lỗi thì cần có ý kiến để được bồi thường thiệt hại (nếu có).

Trong trường hợp phát hiện lỗi làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng thì người này chỉ được quyền liên hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc người có liên quan đến sản phẩm, cơ quan nhà nước.

Việc nêu ý kiến của mình trên phương tiện truyền thông dù đúng hay sai, ít nhiều đã vi phạm luật này.

hình ảnh


Ảnh trái: Chủ kênh Youtube đăng tải video nói về lỗi của xe V. màu trắng. Nguồn: Báo Thanh Niên. Ảnh phải: Xe báo điện thoại đã ra khỏi sạc không dây. Nguồn: Chụp màn hình - Zing News. 

Đối với vụ việc này, cần xem xét thêm rằng những lỗi mà ông H. nêu ra có đúng sự thật không hay nhằm mục đích câu view….

Nếu là sai sự thật thì tùy tính chất và mức độ của hành vi mà xem xét phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện thì hành vi cung cấp thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức…thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, và buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật.

Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị kết tội vu khống theo Điều 156 của Bộ luật hình sự hiện hành, mức phạt còn tùy tính chất và mức độ, là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể phải áp dụng hình phạt bổ sung là nộp phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính, ông H. có thể phải bồi thường thiệt hại (nếu có) cho chủ hãng xe. Về phần này, chủ hãng xe có trách nhiệm chứng minh những thiệt hại trên thực tế và đã xảy ra để có thể yêu cầu bồi thường.

Thông qua sự việc cũng là bài học kinh nghiệm cho mẹ trong việc ý kiến về chất lượng, giá cả của sản phẩm, dịch vụ mình đã mua dùng.