Là người Việt, mình vẫn thích ưu tiên dùng hàng Việt hơn phải không nè các mẹ? Nhưng đi chợ hoài các mẹ cũng biết rồi đó, ngoài đấy trà trộn lẫn hàng Việt Nam với Trung Quốc, nhiều khi không biết đường đâu mà lần.

Theo kinh nghiệm, đa số chúng ta đều biết rau củ quả Trung Quốc thường to, trơn láng, nhẵn mịn và có thể nói là đẹp hơn hàng Việt. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào các đặc điểm này để phân biệt thì cũng không hẳn đúng đâu ạ, bởi nông dân mình ngày càng cải tiến kỹ thuật trồng các giống mới cho ra năng suất hiệu quả hơn nên rất dễ nhầm lẫn các loại với nhau.

Tình cờ vừa rồi em đọc được bài viết chia sẻ trên trang VTC News có chỉ cách phân biệt rau củ quả Việt Nam với Trung Quốc, thấy khá hay nên muốn chia sẻ lại cho các mẹ cùng biết nè:

1. Tỏi

Tỏi Việt Nam thường có các tép nhỏ và không đều nhau, trong đó tỏi Lý Sơn có vỏ màu trắng, còn tỏi Đà Lạt có màu tím nâu. Bóc vỏ tỏi ta thường khó, các tép tỏi sau khi bóc thường chụm lại với nhau nhưng đặc biệt có mùi thơm và vị cay nồng đặc trưng.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Sức khỏe Cộng đồng Online. 

Trong khi đó, tỏi Trung Quốc ngược lại, các tép tỏi to tròn đều và bóc vỏ rất dễ, các tép tỏi sau khi bóc xòe ra đều nhau, nhưng lại có vị hăng chứ không thơm và cay nồng như tỏi ta.

2. Hành tây

Củ hành tây Việt Nam thường có màu vàng, nâu vàng và có vết trầy xước nhiều, khó bóc vỏ. Cắt đôi củ hành sẽ thấy bên trong khô ráo và có màu trắng, mùi vị cay nồng và thơm đặc trưng.

Hành tây Trung Quốc không có những đặc điểm này, thông thường lớp vỏ có màu đỏ nâu hoặc cam đất, trông láng mịn, căng bóng và dễ bóc vỏ hơn so với hành tây Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thử cắt đôi hành tây Trung Quốc sẽ thấy bên trong có màu trắng hơi ngả sang xanh và tích đầy nước, cầm lên ngửi không cảm nhận được mùi thơm và cay như hành Việt Nam.

Còn một đặc điểm quan trọng nữa là hành tây Trung Quốc sẽ không có rễ và cuống khá ngắn so với hành ta. Dù vậy, nếu là hành ta nhưng bắt đầu mọc mầm thì đó cũng không phải là loại nên chọn, do có dấu hiệu sắp hỏng, mẹ nhớ chú ý kẻo chọn nhầm nha.

3. Gừng

Gừng Việt thường sẫm màu và củ hơi nhỏ, nhưng rất thơm kể cả khi chưa cắt ra dùng. Ngược lại, gừng Trung Quốc thường có củ to hơn, nhẵn mịn và sáng bóng, cắt theo thớ ngang thường ít xơ hơn nhưng chỉ có mùi thơm nhẹ của củ gừng khi được cắt ra.

4. Súp lơ xanh

Súp lơ xanh được trồng ở Việt Nam sẽ có phần cây dài và to, trong đó mỗi cây được chia thành nhiều bông nhỏ, có màu xanh lơ và không đều nhau, trông hơi xấu. Còn súp lơ Trung Quốc có màu xanh sẫm hơn, phần cây không dài to và mỗi cây chỉ có một bông. Ngửi súp lơ xanh Việt Nam sẽ cảm nhận được mùi vị thơm nhẹ, đặc trưng, còn súp lơ xanh Trung Quốc không có đặc điểm này.

5. Bắp cải

Dễ thấy nhất là bắp cải Việt Nam thường không được đựng trong túi lưới, các lá bắp cải được xếp khít xen nhau, không đồng đều tạo thành khối lớn và có màu trắng. Còn bắp cải Trung Quốc do cần bảo quản lâu trong quá trình vận chuyển nên được để trong túi lưới, thoạt nhìn chúng khá tròn đều nhưng lại có kích thước khá nhỏ, chỉ bằng 2 nắm tay với lá xoăn có màu đậm hơn.

6. Cải chíp

Dù có vẻ ngoài to gần như gấp đôi so với cải chíp Việt Nam, không thể bó thành mớ, nhưng cải chíp Trung Quốc lại rất nhanh hỏng, chứ không để lâu được như hàng ta.

7. Cà rốt

Cà rốt Việt Nam thường nhỏ, màu cam đậm và xuất hiện nhiều vết xước, trông không đẹp nhưng có cuống xanh còn nguyên. Còn cà rốt Trung Quốc do mất nhiều thời gian để vận chuyển nên phần cuống được lược bỏ bớt để tránh hỏng làm ảnh hưởng đến chất lượng củ. Dù vậy, củ cà rốt Trung Quốc thường to và láng mịn với kích cỡ đồng đều nhau, trông rất bắt mắt.  

8. Cà chua

Nhìn quả cà chua không cuống, to tròn, trơn láng, trông rất đẹp và có màu đỏ tươi, dùng tay ấn nhẹ thấy vẫn còn cứng, đấy đích thị là cà chua Trung Quốc. Còn cà chua Việt Nam thường không có những đặc điểm này, dùng tay ấn nhẹ sẽ thấy mềm đối với quả chín và kích thước không đồng đều nhau.

9. Khoai tây

Khoai tây Việt thường nhỏ với kích thước giữa các củ không đều nhau, có màu vàng đậm từ ruột ra tới ngoài vỏ và phần vỏ dễ bong tróc hơn. Nếu luộc củ khoai tây này, mẹ sẽ cảm nhận được vị thơm bùi đặc trưng, dù mình chưa nêm thêm bất kỳ gia vị nào.

Trái lại, khoai tây Trung Quốc có củ to tròn đều, láng mịn với màu sắc hơi xanh ngả vàng. Thử cắt củ khoai tây ra làm đôi, mẹ không thấy được màu vàng đậm đặc trưng, thay vào đó là màu vàng nhạt. Luộc lên ăn thử trông rất nhạt, hầu như không có vị bùi thơm như khoai tây Việt.

hình ảnh


Ảnh trái: Khoai tây Việt Nam. Ảnh phải: Khoai tây Trung Quốc. Nguồn: Bách hóa xanh. 

10. Dâu tây

Cũng giống như đa số các loại củ quả khác, dâu tây Việt Nam với đủ cỡ không đều nhau, màu sắc của quả thường đậm hơn ở phần thân, nhạt về phía phần cuống với màu trắng ngà. Cắt đôi quả dâu tây ra sẽ thấy dâu tây Việt có màu đỏ xen lẫn trắng.

Ngược lại, dâu tây Trung Quốc thường to tròn đều nhau, quả rất đẹp với màu đỏ sẫm từ cuống tới thân, đến lúc cắt thấy cũng như vậy chứ không có các sọc kẽ trắng xen lẫn.

Lúc ăn là lúc cảm nhận được rõ nét nhất, vì dâu tây Việt Nam sẽ có mùi thơm nhẹ xen lẫn vị chua thanh dịu, trong khi dâu tây Trung Quốc lại không có những ưu điểm này. Đặc biệt hơn cả là dâu tây Trung Quốc thường có thể bảo quản lâu hơn so với dâu tây Việt Nam, nhiều khi để được cả tháng.

11. Xoài

Kích thước to với lớp vỏ màu xanh hoặc vàng nhạt và cuống có nhiều vết lấm tấm đen, đó chính là quả xoài Trung Quốc. Còn xoài Việt Nam tuy nhỏ hơn, có màu vàng sáng nhưng lại không bị thâm đen như xoài Trung Quốc. Phần đầu của quả xoài Việt Nam dù chín vàng nhưng dùng tay ấn nhẹ vẫn cảm thấy cứng chứ không mềm như xoài Trung Quốc.

12. Lê

Quả lê Việt thường nhỏ hơn với lớp vỏ sần sùi và có màu sẫm. Trong khi đó quả lê Trung Quốc to hơn và có màu vàng sáng với lớp vỏ trơn nhẵn, trông bắt mắt hơn.

Nắm đủ cách phân biệt rau củ quả Việt Nam với Trung Quốc, giờ mẹ có thể yên tâm đi chợ chọn đúng loại mình cần rồi nè.