Trước đây em từng có bài viết chia sẻ với các chị em về cách chọn trứng tươi tốt cho sức khỏe, n nay em chia sẻ thêm về cách chọn trứng vịt lộn – một trong các loại trứng cung cấp hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ cao cho chúng ta.

Trứng vịt lộn ngon thường là loại trứng non do phần cơm mềm và ít lông, còn trứng già có phần cùi to cứng, nhiều lông hơn nên ít ai dám ăn. Theo bài đăng trên trang Thời báo Văn học Nghệ thuật chia sẻ, có 3 cách để chị em nhận diện đâu là trứng non và đâu là trứng già.

Cách 1: Nhìn vỏ trứng vịt lộn

Thông thường, trứng vịt lộn non sẽ có lớp vỏ sần sùi và phủ lên trên đó là lớp phấn trắng. Nếu có thời gian xem kỹ hơn, chị em có thể đưa quả trứng ấy soi dưới ánh đèn sẽ thấy khoảng trống ở phần đầu trứng rất nhỏ, chứ không xuất hiện mảng mờ hoặc chấm đen. Đây là quả trứng chúng ta nên chọn.

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật. 

Ngược lại, trứng vịt lộn già thường có vỏ khá mịn và mất đi lớp phấn bao phủ tự nhiên, màu của vỏ quả trứng hơi ngả sang xám chứ không còn trắng như trước. Soi quả trứng ấy dưới ánh đèn, chúng ta sẽ thấy khoảng trống ở phần đầu trứng khá lớn và bên trong xuất hiện chấm đen nhỏ.

Cách 2: Cầm quả trứng vịt lộn lên và lắc nhẹ

Trứng vịt lộn non thường sẽ nặng hơn so với trứng già, nên khi cầm lên chúng ta sẽ cảm giác được điều này, lắc nhẹ không nghe thấy âm thanh phát ra từ bên trong. Trái lại, trứng vịt lộn để càng lâu càng già, phần ruột có phần hơi rỗng hơn nên cầm sẽ thấy nhẹ tay hơn và lắc là nghe thấy tiếng.

Cách 3: Kiểm tra trứng non hay già bằng nước muối pha loãng

Cách làm này chỉ có thể giúp mình hậu kiểm sau khi mua về nhà, chứ nếu thực hiện tại cửa hàng thì e là hơi bất tiện.

Đầu tiên, chị em pha ly nước muỗi loãng rồi sau đó thả quả trứng vịt lộn vào. Nếu quả nào chìm xuống dưới đáy thì đó là quả còn non, ngược lại quả nào nổi lên trên thì đó là quả già.

Với cách kiểm tra này, chúng ta có thể áp dụng với các loại trứng khác chứ không riêng gì trứng vịt lộn. Tuy nhiên, có một điều chị em cần lưu ý là không giống như trứng gà hoặc trứng vịt thông thường có thể để lâu được, trứng vịt lộn chỉ có thể để trong vòng vài ngày.

Sau khi mua trứng vịt lộn về, nếu chưa dùng ngay thì chị em nên đặt chúng ở nơi ấm áp để phôi trứng sống và phát triển. Tốt nhất là dùng trong vòng 5 ngày sau khi mua. Vả lại, trứng vịt lộn càng già thì con sẽ có nhiều lông hơn, gây cảm giác khó chịu cho chúng ta khi ăn.

Thông thường, chúng ta vẫn ăn trứng vịt lộn theo kiểu luộc rồi nhâm nhi cùng với rau răm và muối tiêu chanh. Theo lời khuyên tốt nhất là chúng ta nên ăn ngay sau khi luộc chín, nhưng trong trường hợp ăn không hết thì chị em có thể bỏ trong hộp, đậy nắp kín và bỏ tủ lạnh, đến hôm sau dùng chỉ cần lấy ra hâm nóng lại là ăn như bình thường.

Ngoài cách luộc trứng vịt lộn theo kiểu truyền thống, chị em có thể chế biến thành các món khác như nướng mỡ hành, sốt me hoặc nấu với ngải cứu... rất tuyệt khi thưởng thức dưới trời mưa mát như thế này luôn đấy ạ.

Dù là món bổ dưỡng nhưng không phải ai dùng trứng vịt lộn cũng tốt đâu ạ, nếu chị em hoặc người thân thuộc nhóm dưới đây thì nên hạn chế dùng để tránh làm hại sức khỏe:

- Người mắc bệnh tim mạch.

- Người mắc bệnh mỡ trong máu.

- Người mắc bệnh cao huyết áp.

- Người mắc bệnh gan, tỳ vị.

- Trẻ em dưới 5 tuổi.

- Người vừa mới sinh con xong.

Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai có thể ăn nhưng đừng quá nhiều, chỉ nên ăn tối đa 2 quả trứng/tuần và không nên ăn rau răm vì ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Còn đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên dù không thuộc nhóm hạn chế nhưng cũng không nên ăn nhiều mà chỉ được ăn 1/2 quả mỗi lần và mỗi tuần chỉ nên ăn từ 1 đến 2 lần.

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật. 

Đối với những người còn lại, nên ăn trứng vào ban ngày, tốt nhất là vào buổi sáng tránh ăn vào buổi tối sẽ khiến cơ thể khó tiêu, về lâu dài ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Sở dĩ trứng vịt lộn được ăn kèm với rau răm vì theo Đông Y, loại rau này có vị cay nồng, mùi thơm hắc và tính ấm, trong khi trứng vịt lộn có tính hàn nên kết hợp sẽ giúp quân bình tính hàn ấm trong cơ thể, giúp chúng ta chống lạnh bụng và đầy hơi.