Chăm bố mẹ ốm yếu là đạo hiếu đúng đắn nhất trên cuộc đời nhưng nếu chỉ có 1 mình xoay sở thì sẽ thế nào?

Ngày trước, mình vô cùng ghen tỵ với những đứa bạn là con một trong gia đình. Bởi vì, bọn nó được mặc quần áo đẹp mỗi ngày, rồi bố mẹ thương yêu, chiều chuộng từng li từng tí. Bạn mình ngày ấy đúng kiểu muốn gì được nấy luôn ý. Còn bản thân mình, vì là con út nên sẽ dùng lại đồ của các chị. Đến cả sách vở học cũng chưa bao giờ được mua mới. Rồi thì là em nên toàn bị các chị trong nhà bắt nạt chứ làm gì được chiều chuộng đâu.

Thế nhưng bây giờ, khi mà bố mẹ về già, mình mới thấy việc có anh chị em quả thực là một điều may mắn. Nhà mình, mỗi lần trong nhà có công việc gì hoặc chẳng may bố mẹ ốm đau thì sẽ có người này người kia. Mấy anh chị em phân chia nhau ra để chăm sóc và lo liệu. Rồi cả chuyện tiền nong cũng thế, mọi người cùng nhau xoay sở bao giờ cũng dễ dàng hơn một người mà.

Nhiều người nghĩ rằng, sinh một con để có điều kiện tốt nhất lo cho con. Những đứa trẻ đó cũng sống trong sự yêu thương của cha mẹ. Thế nhưng, đó chỉ là lúc họ còn khỏe. Tới khi già rồi, biến cố ập tới thì người gánh hậu quả lại chính là những đứa trẻ ấy. Mà biến cố thì làm gì có chuyện báo trước rồi mới tới đâu.

Như câu chuyện mình vừa đọc được trên báo đây. Một cô gái trẻ là con một, lại cùng lúc cả cha lẫn mẹ chẳng may bị bệnh, phải phụ thuộc hoàn toàn vào mình. Cảm giác mệt mỏi, bất lực là điều không thể tránh khỏi.

Chăm sóc người già chưa bao giờ là dễ dàng

Chăm sóc người già chưa bao giờ là dễ dàng. Ảnh minh họa, nguồn: Suhu

Bố tôi mắc Parkinson còn mẹ thì bị Alzheimer

Wang Xiaochen sinh năm 1994, là một blogger nổi tiếng trên Douyin (mạng xã hội Tiktok của Trung Quốc) đã chia sẻ câu chuyện của chính bản thân và cha mẹ của mình. 

Trước đó, năm 2006, khi cô mới được hơn 10 tuổi, cuộc sống gia đình vẫn đang rất hạnh phúc, ấm êm. Những tưởng, cuộc sống của cô sẽ trôi qua một cách bình dị như vậy. Nhưng thật không ngờ, vào một ngày nọ, bố cô được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson sau nhiều ngày bị chóng mặt. Cũng may, tình trạng của ông nhẹ nên chưa gặp nhiều khó khăn.

Theo thời gian, bệnh tình của ông ngày một nặng và cô cũng ngày một lớn lên. Thời điểm cô vừa bước chân vào cổng trường đại học, người bố phải ‘thú nhận’ với cô rằng: Con nên học lái xe vì bố chẳng biết bản thân còn có thể cầm vô lăng được bao lâu nữa. Lúc này, cô bắt đầu cảm thấy sự lo lắng, sợ hãi và có chút… bất lực.

Parkinson vốn là một trong những nỗi ám ảnh của nhiều người vì nó gây nên những cơn run người không thể dừng, ngày càng nặng và khiến cho người bệnh suy kiệt dần theo năm tháng. Không có thuốc đặc trị bệnh này và những loại thuốc dùng để kiềm chế bệnh thì gây ra nhiều tác dụng phụ khiến người bệnh vô cùng mệt moi,

Kể từ khi bố bị bệnh, mẹ là người cáng đáng mọi công việc trong nhà, từ chăm sóc bố cho đến nuôi cô ăn học. Vậy mà, căn bệnh Alzheimer ‘ập’ tới khiến người phụ nữ kiên cường ấy gục ngã. Mẹ cô được chẩn đoán mắc bệnh giai đoạn đầu vào năm 2019. Tuy nhiên, trước đó một thời gian, mẹ cô đã có biểu hiện lú lẫn, suy giảm chức năng nhận thức. (Alzheimer còn được biết đến chính là bệnh mất trí nhớ)

hình ảnh

Gia đình hạnh phúc bỗng nhiên xảy ra biến cố. Ảnh minh họa, nguồn: orientaldaily

Càng ngày, trí nhớ của bà càng kém đi. Bà không thể nhớ được rất nhiều việc, có đôi khi vừa ăn xong bà lại đòi ăn nữa vì chẳng nhớ gì. Kể từ khi mắc bệnh, người phụ nữ vốn dịu dàng và giàu tình thương ấy bỗng nhiên thay đổi, tính tình của bà trở nên kỳ lạ hơn hẳn.

Khi cùng nhau đi trên đường, bà sẽ cáu gắt và trách mắng cô không chịu đưa mình đi vệ sinh. Trong khi, cô đã cùng mẹ đi tới nhà vệ sinh đến mấy lần. Rồi khi đi siêu thị, bà chẳng còn đẩy được xe hàng đi đúng hướng. Một phép trừ đơn giản cũng khiến bà gặp khó khăn, tính đi nhẩm lại nhưng vẫn chẳng đúng.

Dù quên nhiều thứ, nhưng trong tiềm thức bà vẫn nhớ mình là một người mẹ, người vợ. Sau khi ăn xong, bà sẽ từ từ đứng dậy dọn dẹp bát đĩa. Tiếp đó, bà sẽ đi lau nhà, tất cả tưởng chừng được bà làm đâu vào đấy. Vậy nhưng, trên thực tế, cô Wang phải đứng phía sau thu dọn ‘tàn cuộc’ mà bà để lại. Chỗ này mấy cái bát bà để quên, chỗ kia bà quên nên còn để lại.

Thế nhưng, cô chỉ lẳng lặng đứng nhìn bà và làm lại chứ chưa hề có một lời trách móc. Bởi vì những việc này so với sự hy sinh của mẹ dành cho mình đâu đã là gì. Nhìn mẹ bệnh ngày một nặng, cô chỉ thấy xót xa trong lòng.

Vốn là người phụ nữ mạnh mẽ, thế mà giờ đây bà lại gặp khó khăn khi ở bên ngoài. Bà bước đi đầy lo sợ và thận trọng như những đứa trẻ rụt rè, lần đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Những lúc như vậy, Wang chẳng thể làm gì khác ngoài việc nhẹ nhàng dỗ dành bà như đang dỗ đứa trẻ. Sự ‘đổi vai’ này đôi khi khiến cô nghẹn lại lòng quặn thắt. Cô biết, đây… mới chỉ là sự khởi đầu. Và chắc chắn, trong tương lai sẽ còn nhiều điều khó khăn hơn đang chờ cô.

Nhìn thấy bố mẹ bệnh ngày một nặng, thậm chí có đôi lúc mẹ còn quên cả mình, cô cảm  thấy xót xa vô cùng, chỉ biết ôm mặt khóc.

Vì bố mẹ chẳng còn khả năng chăm sóc bản thân, cô buộc phải nghỉ làm. Vốn cô đang là nhân viên của một công ty có tiếng, con đường thăng tiến rất tốt. Nhưng giờ cô buộc phải chấp nhận nghỉ ở nhà, tìm một công việc khác để lo cho mình và bố mẹ. Cô không thể làm gì khác vì bố mẹ chỉ có mình cô. Mỗi lần đi làm về, nhìn bố mẹ giữa căn nhà bề bộn, cô chỉ tự trách bản thân vì đã không chăm lo tốt cho đấng sinh thành.

hình ảnh

Đôi khi, con cái cảm thấy bất lực vì bố mẹ bị bệnh. Ảnh minh họa, nguồn: orientaldaily

Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng, cô trở thành một blogger và cũng lập gia đình. May mắn, chồng cô khá tâm lý và thấu hiểu nên cô cũng cảm thấy an ủi, có người chia sẻ bớt gánh nặng về tâm lý lẫn vật chất. Thế nhưng, rất nhiều lần cô cảm thấy áy náy với chồng. Cô luôn chú ý từng li từng tí tới cảm xúc của chồng. Hễ thấy anh không vui, cô sẽ có cảm giác tội lỗi với suy nghĩ ‘tại gia đình mình đã ảnh hưởng đến anh ấy’. Điều đó khiến cô càng thêm mệt mỏi và khổ sở.

Là con một trong nhà, cô chẳng thể nhờ vả ai được cả. Tất cả mọi việc chăm sóc bố mẹ đều ‘đổ’ lên đầu cô hết. Chăm sóc, lo lắng cuộc sống thương ngày của cha mẹ tuy vất vả nhưng không khiến cô cảm thấy xót xa và đau lòng bằng việc nhìn bệnh của bố mẹ cứ ngày một nặng lên. Bố cô run rẩy tới mức chẳng thể tự làm gì. Còn mẹ, giờ cũng đã quên đi tất cả. Thứ duy nhất mà bà nhớ đó là con gái của bà – là cô. Thế nhưng, có nhiều lúc bà chẳng nhận ra cô nữa.

Chồng cô là một người đàn ông tốt. Nhưng cũng chính vì vậy mà cô thêm áp lực, cô chỉ sợ rằng, bố mẹ mình ảnh hưởng tới người ta. Những lúc như thế này, cô chỉ ước có thêm anh chị em để cùng nhau lo cho bố mẹ, thế thì tâm lý của cô cũng thoải hơn được phần nào. Vậy nhưng… đó chỉ là ước mơ mà thôi.

Giờ đây, cha mẹ cô giống như những đứa trẻ cần cô chăm sóc cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Việc chăm sóc một ‘đứa trẻ 50 tuổi’ khác hẳn so với chăm sóc một em bé 5 tuổi. Một đứa bé 5 tuổi sẽ tin tưởng bạn, còn ‘đứa trẻ 50 tuổi’ thì….

Cô nói rằng, bản thân của hiện tại giống như một người mẹ trẻ với hai ‘đứa con’ ốm yếu. Có nhiều lần, cô xuất hiện ý nghĩ từ bỏ, đưa họ vào viện dưỡng lão, tìm người chăm sóc. Không phải vì không thương mà thực sự cô rất mệt mỏi và bất lực. Thế nhưng, cô lại sợ rằng họ chẳng chăm sóc tốt cho bố mẹ mình. Kể từ ngày mẹ bị bệnh, cô chẳng còn tham gia cuộc hẹn, mọi thứ chỉ xoay quanh hai ‘đứa trẻ’ ấy mà thôi.

hình ảnh

Alzheimer là bệnh nhiều người già gặp phải. Ảnh minh họa, nguồn: chinesenews

‘Những đứa trẻ có ô thì có thể đi dưới trời mưa. Nhưng những đứa trẻ không có ô thì phải chạy nhanh’, cô nói. Wang xót xa bảo rằng câu nói này thực sự rất đúng với cô trong hoàn cảnh này. Cha mẹ vốn là chiếc ô che chở con cái. Thế nhưng, giờ đây chiếc ô ấy chẳng còn lành lặn, chẳng thể dùng được nữa thì cô buộc phải cố gắng nhiều hơn, phải chạy thật nhanh. Bởi vì, ở nơi xa kia không chỉ có chồng mà còn có bố mẹ đang bệnh tật chờ cô nữa. Thật sự rất…mệt mỏi.

Đó là cô may mắn còn có công việc blogger kiếm ra tiền và có người chồng tâm lý, thấu hiểu. Thế nhưng ai cũng là con người bằng xương bằng thịt, cũng sẽ có lúc cảm thấy chán nản, mệt mỏi chứ. Không ít lần, cô bất lực nhìn cha mẹ mà rơi nước mắt, chẳng thể làm gì khác.

Nếu như không có công việc này, không có thu nhập thì phải làm sao? Thực sự, có những người không phải muốn bỏ bêm không lo cho cha mẹ mà thực sự họ quá bất lực rồi, không thể làm gì khác được. Bố mẹ luôn mong con cái tốt đẹp, mang những thứ tốt nhất cho con. Thế thì con cái cũng vậy, ai mà không mong chăm sóc đấng sinh thành một cách vẹn toàn chứ. Chỉ là, chẳng phải ai cũng có đủ sức và điều kiện làm việc đó.

Phải thực sự ở trong cuộc, chúng ta mới có thể thấu hiểu được sự bất lực, kiệt quệ, cùng cực của những người là con một. Trong nhà có người ốm mà có 3 – 4 anh chị em cũng chưa thể chăm sóc bố mẹ tốt được huống gì lại có một mình xoay sở. Cuộc sống của họ giống như ngọn nến cháy ở cả hai đầu, và họ sắp bị đốt cháy.