Nào giờ dùng tủ lạnh, em cứ nghĩ đơn giản là giúp bảo quản thực phẩm lâu dài, chứ có nghĩ gì nhiều hơn đâu. Rồi một ngày nghe mọi người nói rằng xài không cẩn thận dễ rước bệnh vào người lắm, quan sát kỹ từng thành viên trong nhà em mới ngộ ra được điều này. Dù vậy, em vẫn chưa biết mình đã mắc sai lầm gì cho đến khi đọc được bài viết chia sẻ trên trang Phụ nữ Việt Nam. Thế nên em muốn chia sẻ cho các mẹ cùng biết để tránh mắc sai lầm như em nha.

Sai lầm đầu tiên là không vệ sinh tủ lạnh thường xuyên.

Bằng mắt thường lúc nào mình cũng thấy tủ lạnh sạch cả, song thực tế nếu soi dưới lớp kính hiển vi, chắc chắn đấy là ổ vi khuẩn nếu mẹ không thường xuyên vệ sinh tủ lạnh. Do bảo quản thực phẩm bao gồm cả sống và chín trong thời gian dài nên mới sinh ra lượng lớn vi khuẩn. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả nhà, mẹ hãy vệ sinh tủ lạnh ít nhất 1 lần/tháng, nhất là các dây gioăng cao su.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet. 

Ngoài tác dụng làm sạch và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả nhà, việc vệ sinh dây gioăng cao su thường xuyên còn giúp mẹ sớm kiểm soát được tình hình trong trường hợp bị hở và dễ dàng thay mới để tiết kiệm điện, đồng thời kéo dài tuổi thọ hoạt động của tủ lạnh hơn.

Sai lầm thứ hai là không chú ý đến thời hạn bảo quản thực phẩm.

Hầu hết chúng ta đều nghĩ cứ bỏ thực phẩm vào tủ lạnh là bảo quản được lâu, song tùy loại sẽ có thời hạn bảo quản nhất định. Nếu mẹ để lâu hơn thời hạn cho phép thì sẽ khiến thực phẩm vừa mất ngon, vừa mất chất lại dễ gây ngộ độc.

Theo thông tin em tìm hiểu được, dưới đây là thời hạn bảo quản thực phẩm tốt nhất, quá hạn này mẹ không nên tiếp tục dùng nữa:

- Đối với thịt bò, thịt heo và hải sản: 1 – 2 ngày nếu để ở ngăn mát và 3 – 6 tháng nếu để ở ngăn đông.

- Đối với thịt gà và thịt vịt: 2 – 3 ngày nếu để ở ngăn mát và 6 – 12 tháng nếu để ở ngăn đông.

- Đối với thịt đã nấu xong: 3 – 4 ngày nếu để ở ngăn mát và 1 – 3 tháng nếu để ở ngăn đông.

- Đối với sữa và sữa chua hoặc các thực phẩm đóng gói: Mẹ nên chú ý hướng dẫn sử dụng về cách bảo quản, nhiệt độ và thời hạn sử dụng.

- Đối với rau xanh: 3 ngày khi để ở ngăn mát.

- Các loại củ quả như cà tím hoặc khoai tây: Tối đa 2 tuần nếu để ở ngăn mát.

- Các loại trái cây: Tối đa 1 tuần nếu để ở ngăn mát.

- Các loại thức ăn thừa: Tối đa 2 ngày nếu để ở ngăn mát, còn lâu quá thì nên bỏ đi.

Sai lầm thứ ba là bảo quản trứng bể ở trong tủ lạnh.

Mua chục trứng mang về phát hiện ra có 1 quả bị bể, thế là mẹ cho vào chén rồi cất trong tủ lạnh. Nghĩ rằng cách làm này sẽ giúp bảo quản trứng lâu hơn. Tuy nhiên, đây lại là nơi thích hợp để sản sinh thêm vi khuẩn Salmonella có trên vỏ trứng bể, khả năng gây ngộ độc và mất mạng là rất cao. Thậm chí là có thể gây nhiễm khuẩn chéo giữa các thực phẩm với nhau. Cách tốt nhất trong trường hợp này là nên dùng càng sớm càng tốt, thay vì bảo quản trong tủ lạnh.

Sai lầm cuối cùng là để thực phẩm chín và sống chung với nhau trong tủ lạnh.

Khả năng gây lây nhiễm chéo, từ thực phẩm sống qua thực phẩm chín là rất cao. Chưa hết thói quen này còn khiến thực phẩm dễ bị ám mùi gây khó chịu khi dùng. Vì thế, mẹ nên sắp xếp và bố trí các ngăn chứa thực phẩm trong tủ lạnh sao cho phù hợp và khoa học, tránh để chung các loại này với nhau gây hại sức khỏe cả nhà nhé.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Thế Giới Tiêu Dùng. 

Theo khuyến cáo, ngăn mát tủ lạnh nên được điều chỉnh nhiệt độ từ 0 đến 5 độ C, còn ngăn đông nên được điều chỉnh khoảng -20 độ C. Đừng nghĩ rằng ở nhiệt độ thấp, vi khuẩn không thể tồn tại, thực tế chúng thậm chí còn sinh sôi và nảy nở nhanh hơn cả điều kiện bên ngoài đấy. Có thể kể đến một số loại vi khuẩn quen thuộc chứa trong các thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh như samonella, listeria, shigella, yersinia… có khả năng gây tiêu chảy, sốt, ngộ độc và nghiêm trọng hơn dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm màng não… và mất mạng. Vì vậy, mẹ hãy sửa chữa những sai lầm (nếu có) khi dùng tủ lạnh trước khi xảy ra sự việc không mong muốn nha.