Thịt vịt rất ngon lại bổ dưỡng nên mọi người đi chợ nhớ thường xuyên mua về chế biến, chiêu đã cả nhà. Nhưng để có được thành phẩm tuyệt hảo thì mọi người phải biết cách chọn mua cũng như bí quyết chế biến vịt, như vậy thì ăn không bị dai cũng như không có mùi hôi tanh, khó nuốt nhé.

Cách chọn mua vịt ngon

Nếu ai có suy nghĩ mua vịt càng non sẽ càng đáng đồng tiền thì sai lầm đấy nhé. Theo kinh nghiệm của nhiều đầu bếp lâu năm, vịt trưởng thành, thậm chí vịt già mới là thứ nên mua. Mọi người có thể nhận biết vịt non qua mỏ to, mềm và nên tránh xa bởi không chỉ thịt không săn chắc, mà còn rất nhiều lông tơ về vặt mệt xỉu luôn đấy. Mọi người chỉ nên mua những con vịt có mỏ nhỏ, cứng, ức tròn, da cổ và da bụng dày, dù chúng đã mọc đủ lông nhưng rất dễ vặt, mà chế biến món gì ăn cũng ngon.

Có một điều cần mách nhỏ với mọi người đó là vịt đực ăn ngon hơn vịt cái, vậy nên hãy quan sát thêm phần bụng dưới của con vịt, nếu thấy dấu hiệu xệ xuống thì là vịt cái và phải biết nên làm gì rồi đúng không ạ?

Nếu những ai kỹ tính, lo sợ việc gian thương bơm nước vào thịt vịt để trục lợi thì có thể kiểm tra phần cánh. Hãy lật cánh vịt lên, nếu thấy có chấm đỏ nhỏ và xung quanh thịt bị phồng đen thì khả năng cao đã bị con người tác động. Lúc này, chỉ cần thực hiện thêm động tác nhỏ là vỗ vào, một khi nghe tiếng kêu bình bịch hay dùng tay ấn vào có cảm giác trơn thì chứng tỏ đã bị tiêm nước, thôi đến chỗ khác chọn mua vịt ăn cho lành.

Nói chung cách chọn vịt cơ bản là vậy, còn ai được sai bảo đi chợ mua đúng loại vịt, đã vậy còn phải đảm bảo là con ngon nhất thì buộc phải tham khảo thêm hướng dẫn sau để nhận diện rồi.

Vịt tàu (vịt cỏ): Lông nâu xám, nhỏ hơn vịt ta và vịt xiêm, đây là loại vịt bán nhiều tại các chợ, siêu thị. Thịt vịt tàu ăn không ngán vì ít mỡ, xương mềm, thịt ngọt.

Vịt xiêm: Lông xanh đen, con lớn khoảng 3 - 4,5kg. Vịt xiêm thịt dai, nhiều nạc, ăn rất ngon. So với các loại vịt khác, vịt xiêm đắt tiền hơn, thích hợp với các món cần nhiều thời gian chế biến như: tiềm, nấu chao, giả cầy, om, hầm…

Vịt ta: Lông trắng, con lớn khoảng 3kg. Đây cũng là loại vịt thường bán nhiều tại các chợ, siêu thị. Vịt ta mỡ nhiều, thịt dày, ngọt, rất thích hợp với người thích ăn vịt vừa có mỡ vừa nạc dày, đem kho gừng, kho măng, nấu canh đều ngon.

Cách nhổ lông vịt nhanh 

Cách 1

Sau khi cắt tiết, mọi người ngâm cả con vịt vào chậu nước lạnh khoảng 5-7 phút rồi lấy ra. Tiếp đó, dùng hỗn hợp giấm và rượu trắng rưới đều lên vịt, rồi thả lại vào chậu nước lạnh để ngâm. Khoảng 5-10 phút lấy vịt ra và ngâm vào chậu nước nóng thêm 5 phút, lật qua lật lại để vịt ngấm đều nước nóng. Lưu ý không nên ngâm lâu khiến da vịt chín và khi rút lông sẽ bị rách thịt. Sau đó, mọi người dùng tay miết thật mạnh thì cả lông to lẫn lông măng bong ra sạch bách.

hình ảnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Phunutoday

Cách 2

Trước tiên, mọi người cần hái hoặc mua lá đu đủ, đem vò nhỏ, cho vào nồi nước đun sôi. Trong lúc chờ đợi thì mọi người cắt tiết vịt, nhúng qua nước lạnh cho ướt đều lông và da rồi vớt ra, rưới chút rượu trắng hoặc giấm gạo lên mình vịt, để yên trong 10 phút. Sau đó nhúng vịt vào nước đu đủ vài phút rồi cho ra thau, miết tay sát da, xuôi theo chiều lông mọc để phần lông tơ được làm sạch hoàn toàn. 

Cách 3

Nếu nhà nào có điều kiện, sắm máy vặt lông vịt thì quá tiện. Nhờ có độ đàn hồi cực tốt, núm cao su tự nhiên dai, mềm mà lông vịt được loại bỏ hoàn toàn, phần da không hề bị ảnh hưởng. Thích nhất chỉ sau 1 phút là hoàn thành và mọi người có thể để máy nhặt cùng lúc 2-4 con cũng được luôn.

Cách khử mùi hôi của vịt

Khi nhổ lông xong, mọi người hãy mổ bụng vịt, lấy bộ lòng, bỏ phau câu - nơi tập trung tuyến nhờn của vịt gây mùi hôi và nó cũng không phải là thành phần bổ dưỡng với sức khỏe nên mọi người không cần tiếc rẻ giữ lại. Tuy nhiên, để mùi hôi đặc trưng của vịt được loại bỏ hoàn toàn thì mọi người nên dùng những nguyên liệu có sẵn dưới đây.

Dùng giấm

Mặc dù ở bước vặt lông đã dùng giấm nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Mọi người cần phải dùng thêm nguyên liệu này kết hợp với muối rồi chà xát nhiều lần bên trong lẫn bên ngoài con vịt và để vài phút cho ngấm. Chính nhờ tính axit trong giấm và muối có công dụng khử trùng mà mùi hôi của vịt không còn, giờ không phải lo là không nấu được món ngon.

Dùng gừng

Trong gừng có nhiều loại tinh dầu tự nhiên nên mọi người dùng khử mùi hôi của vịt cũng rất hiệu quả. Mọi người chỉ cần gọt vỏ, cắt lát những miếng gừng rồi chà xát trực tiếp đều lên vịt thì mùi hôi sẽ bị hút vào, thứ đọng lại chỉ là hương gừng dễ chịu, vậy thì còn chần chừ gì nữa mà mọi người không đem đi chế biến.

Dùng chanh

Ngoài ra, mọi người có thể dùng chanh để khử mùi hôi của vịt, vì trong quả ấy chứa thành phần axit, mang lại kết quả không thua gì dùng giấm. Vậy nên, mọi người chỉ cần cắt đôi quả chanh, chà xát nhiều lần lên vịt rồi rửa lại với nước sạch là được.

Cách luộc vịt ngon

Luộc là cách chế biến đơn giản nhất để mọi người tiết kiệm thời gian mà vẫn có được món ngon. Tuy nhiên, khi luộc vịt mọi người cần lưu ý vài điều, tốt nhất là theo các bước sau để được như ý nhé.

Bước 1: Bắc nồi nước lên bếp đun sôi, canh lượng nước sao cho ngập con vịt.

Bước 2: Thả 1 củ gừng tươi đập dập hoặc 1 củ gừng nướng, nếu không còn gừng thì thay thế bằng củ hành khô nướng cũng được. Chính nguyên liệu ấy sẽ giúp cho món vịt luộc thơm lừng, từ xa đã cảm nhận được độ hấp dẫn, ăn ngon khó cưỡng.

Bước 3: Cho vịt vào nồi nước sôi và hạ lửa nhỏ, để luộc trong khoảng 20 đến 30 phút. 

Bước 4: Mọi người ấy đũa xiên vào thịt vịt, nếu thấy nước chảy ra không có màu đỏ là vịt đã chín bên trong, lúc này có thể vớt ra, để nguội bớt rồi chặt ăn nha.

Cách chặt vịt đẹp

Để chặt được vịt đẹp, thịt không bị nát thì mọi người phải chuẩn bị một con dao thật sắc bén, như vậy chặt thịt mới dứt khoát. Sau đó, mọi người tiến hành chặt theo các bước sau.

Bước 1: Lót báo hoặc tàu lá chuối xuống dưới thớt để chặt không bị trơn trượt, tránh bị đứt tay cũng không lo nát thịt.

Bước 2: Kiểm tra xem vịt nguội hẳn chưa, vì chỉ khi nguội thì chặt miếng thịt mới không bớt, gọn gàng. 

Bước 3: Dùng dao sắc chặt cổ vịt để riêng, cắt cánh theo nách nhưng hơi phạm vào ức (ngực) một ít để cho phần cánh thêm ngon.

Bước 4: Cắt đùi vịt theo phần nách tiến tới lưng sao cho phần đùi của vịt thành hình chữ nhật là đẹp.

Bước 5: Bổ thân vịt làm đôi rồi chặt từng miếng đã cắt ra. Khi chặt thịt vịt nhớ là phải chặt dứt khoát, mạnh tay để một dao là đứt, không chặt nhiều lần sẽ khiến thịt nát vụn ra, tuột hết da. 

Cách xếp vịt cho hấp dẫn

Mọi người cần chuẩn bị hai cái đĩa để xếp vịt. Trước tiên, mọi người dùng cái đĩa có lòng xếp ngược miếng vịt theo cách thức: mặt da vàng phía dưới đáy, miếng thịt vịt nào bị tuột da trong quá trình chặt thì nhét ở giữa, miếng nạc làm lớp trước xong mới đến miếng xương, sau cùng và trên cùng là cổ cánh chân. Mọi người lưu ý phải xếp làm sao cho đĩa vừa đầy vòng tròn của đĩa lại vừa đủ độ dày, chứ đừng tiết kiệm thì trông đĩa thịt rất mỏng, không hấp dẫn. Sau đó, mọi người lấy cái đĩa còn lại úp chặt vào đĩa vừa xếp và tay giữ chặt hai đĩa để lật ngược lại là hoàn thành. Cuối cùng trang trí thêm rau củ xung quanh là có thể mời cả nhà thưởng thức rồi nhé.

hình ảnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Phunutoday

Những đối tượng không nên ăn thịt vịt

Tuy thịt vịt ngon bổ nhưng không phải ai cũng ăn được. Vậy nên, ai thuộc những đối tượng dưới đây thì cần cân nhắc trước khi ăn, tốt nhất có sự tư vấn của bác sĩ để tránh gặp phải những rắc rối lớn về sức khỏe nhé.

Người đang bị cảm

Thời tiết thay đổi thất thường khiến những người có sức đề kháng yếu rất dễ bị cảm và nếu như đang trong tình trạng này thì không nên ăn thịt vịt. Lý do thịt vịt tính hàn, người đang bị cảm ăn vào sẽ cảm thấy lạnh bụng, khó chịu hơn. Chưa kể những ai đang bị ho, dù đã chế biến kỹ lưỡng nhưng nhạy cảm với mùi tanh đặc trưng của vịt, khiến tình trạng tồi tệ hơn, ho tối ngày sáng đêm luôn ạ.

Người mới phẫu thuật

Cũng vì có tính hàn nên thịt vịt không thích hợp để người mới phẫu thuật dung nạp, nếu không sẽ khiến vết thương bị sưng tấy, lâu lành, để lại sẹo, thậm chí mưng mủ, dẫn đến các hậu quả khôn lường khác. Cho nên, tốt nhất mọi người nên để vết mổ lành hẳn rồi hẳn ăn thịt vịt nha.

Người bị bệnh gout

Bên cạnh đó, những người đang mắc bệnh gout cũng hạn chế tối đa việc ăn thịt vịt, tốt nhất là không nên ăn luôn, vì trong thịt vịt có lượng purin cao có thể làm tăng cao axit uric trong cơ thể. Nếu bất chấp ăn thịt vịt thì việc uống thuốc với mong mỏi mau hết bệnh sẽ trở nên vô nghĩa đấy ạ.

Những ai không thuộc ba đối tượng vừa kể trên thì có thể ăn thịt vịt bình thường. Thế nhưng, cần nên biết rằng có một số loại thực phẩm được đánh giá là dễ gây bất lợi, xung khắc với món thịt vịt. Cụ thể, không nên kết hợp thịt vịt với thịt thỏ, hạt óc chó, mộc nhĩ, hồ đào, tỏi, kiều mạch. Không nên ăn thịt vịt cùng với trứng gà vì có thể làm tổn hại đến nguyên khí trong cơ thể. Không nên ăn thịt vịt cùng lúc với thịt rùa, sẽ làm cho cơ thể rơi vào tình trạng âm thịnh dương suy, phù nề và tiêu chảy. Cho nên, mọi người tránh chế biến chúng trong cùng một món ăn hoặc ăn chung trong bữa ăn để không gây bất lợi cho sức khỏe nhé.