Nhân một buổi chiều mưa, ế ca mổ, ngồi nhâm nhi ly cà phê nhớ về những ngày tháng nội trú bệnh viện...

Nuốt vội ổ bánh mì 15k lề đường để kịp chuẩn bị vào ca trực tối đầu tiên của cuộc đời bác sĩ nội trú. Tôi, khi ấy 24 tuổi, vừa tốt nghiệp Y khoa, gia sản lúc đó chỉ là đôi bàn tay trắng của chàng sinh viên chân ướt chân ráo vào nghề. Từ nhỏ, một thằng nhóc vốn chỉ quen mùi sắt thép, thường xuyên được "tắm" trong bụi khói hàn xì, đã cảm nhận được sự vất vả khắc nghiệt của nghiệp "cầm búa"- như lời mẹ tôi kể.

"Mốt kiếm nghề gì nhẹ nhàng, ngồi trong mát mà làm nhe con"- ba dặn. Vốn dĩ ông đã đoán trước được nghề cơ khí không trụ nổi quá lâu nữa trước sức ép từ hàng giá rẻ của Trung quốc.

13 tuổi, vẫn còn cầm cây búa, cây tua vít theo ba đi ráp máy, nhưng thằng nhóc ấy đã bén mùi hoá học, mày mò bên lò hoá chất tự mua ở các ki ốt bên hông trường Bách Khoa, nơi ba tôi đang dạy. Ông dạy tôi niềm đam mê với Lý, Hoá. Và từ đó, tôi muốn làm bác sĩ sau khi mẻ thuốc nổ đen đầu tiên tự chế tạo lén lút thành công. Ước mơ này thời đó rất "khủng khiếp", như sét đánh ngang tai vì quan niệm "Nhất Y, nhì Dược".

Tôi đậu Y khoa, được học những thứ tôi thích. Nhưng khó khăn bắt đầu tiếp diễn khi ba tôi bị hội chứng thận hư khi tôi học năm 3. Cái khó ló cái may, trong ngành nên tôi gửi được ba cho bác sĩ chuyên khoa, cũng là giáo viên bộ môn Nội - Thận của tôi. Sức khoẻ đi xuống, tôi thay ba, sáng giảng đường, chiều đi lâm sàng, tối lên xưởng ráp máy. Cứ đều đều 3 năm sau đó như vậy. Nhiều lúc tự hỏi, sức đâu tôi chịu được áp lực đó? Có chăng, là tình cảm gia đình, là nghị lực của thằng con trai một, của người đàn ông trong gia đình.

Rồi tốt nghiệp, rồi vượt qua cả kì thi nội trú, học chuyên ngành "quý sờ tộc". Ngày biết tin trúng tuyển, nhà chẳng còn đồng nào để gọi là ăn mừng cho đúng nghĩa. Tôi với người yêu đi ăn hủ tíu chay ở quán mà 2 đứa tôi hay giao hàng- nhà nàng vốn làm tàu hủ ky 3 đời.

Những năm tháng nội trú "đi học mà có lương", rồi phụ mổ, đi trực với đàn anh phần nào giúp việc học của tôi không phải là nặng gánh. Ít ra là, chẳng phải đi làm thêm. Có chăng, lâu lâu bác sĩ mắt xin nghỉ 1 buổi vì đau mắt hàn- thành quả của việc ngồi hàn cho kịp mớ láp thép cả đêm- chuyện cười ra nước mắt !

15 năm " cầm búa", 5 năm "cầm dao (mổ)", bạn trưởng thành khi bạn có thể nói với ba mẹ " hãy yên tâm, con lo được..."

Các bạn trẻ, ngưỡng cửa vào đời tuy khắc nghiệt, tuy xuất phát điểm có khác nhau, nhưng đích đến không phải chỉ có một.

Cánh cửa này đóng, ắt có cánh cửa khác mở ra. Hãy mở nó theo cách của bạn, theo điều kiện mà bạn có.

Thân ái.