Sáng chủ nhật, vợ chồng tôi ngồi uống cà phê ngắm mấy bông lan bên hiên nhà vừa nở. Điều đặc biệt không phải lan nở đẹp, không phải thời tiết đẹp mà điều đặc biệt buổi sáng Chủ nhật này là chúng tôi cùng nhau thưởng thức cà phê do tự mình rang, xay, pha hãm. Thức uống khiến người thưởng thức nó say mê, sảng khoái và có rất nhiều người không ngại ngần thừa nhận "tôi nghiện cà phê" thứ nghiện khiến người nghiện cảm thấy... hãnh diện.


Tôi không phải là người sành sỏi trong việc thưởng thức cà phê. Tôi cũng không là một "con nghiện" mà đơn giản, tôi chỉ uống theo thói quen. Có cũng được, mà không có cũng chẳng sao. Cũng không rõ nguyên cớ gì mà chúng tôi (vợ chồng tôi) lại bắt tay vào việc mua cà phê hạt về, nhặt hạt mốc, hỏng rồi kỳ cạch rang, xay, pha phách nữa.


Đầu tiên chồng tôi cứ luôn nói rằng không hề thích uống cà phê ngoài hàng vì thấy người đối phương uống xong răng vàng đen, miệng vàng trông rất phản cảm. Rồi khi nghe thông tin cà phê chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong bột cà phê thành phẩm trên báo chí ví như việc ở Quảng Ngãi, người ta kiểm tra 04 cơ sở chế biến cà phê thì phát hiện 03 cơ sở tỷ lệ cà phê dưới 1%. Điều đặc biệt, cơ sở chế biến còn lại tỷ lệ cà phê trong thứ bột mà người ta gọi là cà phê thành phẩm đấy là 0%. Có nghĩa là thứ bột cà phê mà người ta pha và bán cho chúng ta uống mỗi ngày đó được rang, xay từ đậu tương, ngô hoặc thứ bột gì mà ta không thể biết rồi trộn với hóa chất, hương liệu, chất tạo màu, tạo mùi.... Giật mình và lo lắng. Bởi, đất nước mình là đất nước có trữ lượng cà phê lớn trên thế giới nhưng liệu có mấy người được thưởng thức thứ hương vị tuyệt vời đó một cách... tử tế. Thế là công cuộc tự chế biến, rang xay cà phê của gia đình tôi càng ngày càng khẳng định được giá trị của nó. Vợ chồng nói chuyện với nhau, "chẳng nhẽ mình đang sống trên đất cà phê mà không biết hương vị thực sự của nó như thế nào?????" Và thế là công cuộc tìm hiểu cách thức truyền thống của những người dân làm cà phê chuyên nghiệp, học hỏi trên mạng chúng tôi bắt đầu rang những mẻ cà phê đầu tiên. Mẻ đầu tiên, sau khi rang, xay cho vào phin pha, chuyển sang máy ủ rồi pha nhưng thứ nước mà cà phê tự mình chế biến nó không đen như kỳ vọng, nó ko thơm như tôi tưởng tượng nhưng điều khiến tôi thích thú nhất đó chính là vị... ngọt. Vị ngọt nơi cuống họng rất riêng. Vị ngọt nó sâu hơn có chút the mát cay cay trong vị đắng nó khiến tôi thấy sảng khoái hơn vị chè Thái. Thế mà, tôi (chắc nhiều bạn khác) cứ ngỡ cà phê chỉ có vị.... đắng.


Chính vị ngọt đọng lại đó đã càng thúc giục tôi tiếp tục công cuộc chế biến này. Lần đầu cà phê rang chưa được nước (chưa đủ độ đen). Tôi rang kỹ hơn một chút. Nhưng khi được nước đen thì vị ngọt lại kém đi :(. Mùi vị cảm nhận không có sự tươi mới mà xen vào đó là vị cháy khét??? Nếu cứ uống đồ cháy khét thế này sẽ không tốt cho sức khỏe. Lẽ nào, người ta dùng ngô, đậu tương rang cháy lên để lấy màu, hay cho đường vào rang cùng để cháy tạo màu nâu đỏ cánh gián? Chất tạo màu người ta trộn vào cà phê thành phẩm có đảm bảo an toàn?????????? Hàng trăm câu hỏi tôi cứ tự đặt ra sau mỗi lần tôi điều chỉnh cách rang chế biến.


Quả thực, để đạt tới độ cà phê thơm sâu khi mở phin cà phê ra, thứ hơi khói bay nhè nhẹ mang theo vị của nắng gió rồi và khi nhấp vào, vị đắng nơi đầu lưỡi nhưng phía sau đó là vị ngọt lịm có chút the the, mát cùng sự sảng khoái suốt buổi sáng đang chờ đợi người thưởng thức. Cảm nhận được điều đó cũng bõ công vợ chồng thử nghiệm, pha phách gần 6 tháng trời. Trong lúc hứng khởi khi thư thái uống cà phê sáng cuối tuần, chồng tôi tâm đắc nói "
Cà phê như người con gái dịu dàng. Mới đầu thấy bình thường, nhưng càng tiếp xúc càng thấy quấn quýt". Có lẽ vậy.
Giờ chúng tôi đã có một thứ nước uống của riêng mình - Thức uống dịu dàng, quấn quýt.