Một ngày, mẹ nhắn tin cho tôi: "Con có bận không cho mẹ gọi điện nói chuyện một tí?" Chỉ một dòng ngắn ngủi nhưng nước mắt tôi cứ thế chảy ra. Từ khi nào mà bố mẹ gọi cho con đẻ lại phải xin phép? Từ khi nào mà việc lắng nghe nhau lại khó khăn đến mức này?

Tôi đã làm gì để hằn lên tâm trí bố mẹ một rào cản như thế. Ngày xưa, chỉ khi bị mẹ đánh tôi mới khóc, còn bây giờ, chẳng ai mắng mỏ mà nước mắt cứ chảy ra.

hình ảnh

Với con, tôi luôn kiên nhẫn giải thích từng chữ cái, từng con số thì thôi. Với đồng nghiệp, dù có tức giận đến đâu tôi cũng vẫn nở nụ cười. Nhưng riêng với bố mẹ, tôi chẳng ngại ngần mà nói "con bận" rồi dập máy.

Vì tôi biết nếu tôi dập máy với người ngoài, người ta sẽ không bao giờ làm việc với tôi. Nếu tôi ngắt máy với bố mẹ, bố mẹ vẫn mãi chờ tôi. Không oán hận, không trách móc.

Chúng ta càng lớn càng muốn vươn ra khỏi vòng tay của bố mẹ. Bố mẹ càng già lại càng muốn nương nhờ con cháu, chẳng phải vì mong được báo đáp mà vì mắt đã không còn tinh, chân không còn vững nữa rồi.

Ta cứ nghĩ kiếm được nhiều tiền đã được gọi là báo hiếu, không, bố mẹ nào có cần tiền. Cái các cụ cần là không khí đầm ấm của gia đình, là tiếng cười đùa của các cháu, là tiếng xuýt xoa khen chén canh bà nấu, là vòng tay ôm mỗi khi đêm về.

Báo hiếu thực ra không quá to tát, báo hiếu chính là đặt bố mẹ ở vị trí quan trọng trong lòng mình, luôn lắng nghe và chăm sóc cho cảm xúc của họ.

Nguồn: "Sống khoẻ - Quà tặng cháu con"