Một ngày nọ, tôi vừa hoàn thành xong giờ dạy trở về văn phòng thì nhận được một tờ phiếu chuyển khoản. Tôi xem qua, số tiền là 2000 Nhân dân tệ, trên phong bì có viết là “trả nợ”. Lúc đó, tôi thấy kỳ lạ, không thể nhớ ra mình đã từng cho ai mượn số tiền là 2000 Nhân dân tệ.



Khi nhìn vào tên người gửi “đứa bé ăn xin 15 năm trước dùng một hào để mua một hộp cơm”, tôi nhớ ra mọi việc, không lẽ là cậu bé đó?



15 năm trước, mỗi buổi trưa mẹ tôi đều đi bán cơm trước cổng trường, vì hiểu được tâm lý học sinh đi học mệt, căng thẳng nên mẹ tôi bán rất rẻ, chỉ mười hào một hộp cơm thôi. Vì vậy, học sinh đến quán mẹ tôi rất đông.



Lúc đó tôi vừa tốt nghiệp đang ở nhà đợi việc. Có một hôm, tôi ra giúp mẹ bán cơm, vừa tan học, cửa hàng nhỏ của mẹ tôi đã chật kín học sinh.



Bỗng nhiên tôi cảm thấy sau lưng có gì đó, quay lại thì nhìn thấy một đứa bé ăn xin. Cậu ta khoảng 10 tuổi, trời vào đông rồi nhưng vẫn mặc một chiếc áo mỏng manh, rách rưới.





Vừa nhìn thấy cậu bé, mẹ tôi liền cười và đưa cho cậu ta một hộp cơm, hai người giống như quen biết nhau từ lâu vậy. Chưa kịp đợi tôi nhận lấy tiền, cậu ta đã vội vàng cầm lấy hộp cơm rồi liền ném tiền vào giỏ mẹ tôi và chạy thật nhanh. Một cậu học sinh đứng bên cạnh tức giận nói: “Thằng bé kia tên là Hoa Tử, lúc nào cũng ném một hào như vậy, cháu để ý nhiều lần rồi, nếu lần sau nó còn như thế nữa cháu sẽ dạy cho nó một bài học nhớ đời!”.



Tôi liền kiểm tra, quả đúng là một hào thật, tôi trách mẹ qua loa quá.



Tôi giẫm chân rồi nói: “Mẹ thương người quá đi, thế này là giúp cậu ta sao...”.



Tôi biết có nói gì cũng vô ích, mẹ tôi là người theo Phật giáo nên bản tính lúc nào cũng hiền lành, thương người như thế.



Từ lúc đó, trong đầu tôi dự định sẵn một kế hoạch.



Ngày thứ hai bán cơm, đứa bé đó lại đến. Lúc cậu ta định ném tiền vào giỏ bị tôi nắm lấy bàn tay đen nhẻm, một hào bạc liền rơi ra. Những người có mặt ở đó đều nhìn cậu ta với ánh mắt khinh thường, cậu ta mặt đỏ bừng, nước mắt bỗng nhiên rơi xuống.



Tôi vội cười: “Cậu nhóc, mua một hào bạc cơm sao đủ ăn được? Nếu không thì cứ mua đi sau trả cho tôi cũng được!” Nói rồi, tôi đưa cho cậu ta một hộp cơm.



Cậu bé xấu hổ nhận lấy hộp cơm, nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, tôi liền xoa đầu cậu ta và nói: “Đi đi, tôi biết cậu nhất định sẽ trả tiền cho tôi, nhớ lấy, sau này lại đến mua nữa nhé!”



Lúc đó, cậu ta mới quay đi. Từ đó về sau, cậu bé vẫn thường đến mua cơm và vẫn luôn trả một hào bạc…



Đang nghĩ, bác Trương lại vội vàng chạy lại: “Ở đây còn có một bức thư của anh nữa!”.



Tôi vội vàng mở thư ra:



…Cuối cùng em cũng tìm thấy địa chỉ của anh rồi, cuối cùng cũng trả được số tiền nợ cho anh sau bao nhiêu năm tháng chờ đợi, trả cho anh tấm lòng của 15 năm về trước. Năm đó, em lưu lạc khắp nơi, thường xuyên bị bỏ đói. Có một lần, em trà trộn vào đám học sinh mua cơm hộp ở cổng trường rồi thử vứt một hào bạc vào giỏ của chủ quán, sau đó mạnh miệng nói mua cơm hộp. Chủ quán quả nhiên không hề phát hiện ra, ngược lại còn vui vẻ ân cần đưa cơm cho em. Em nghĩ, cho dù có bị phát hiện thì một người lương thiện như dì ấy cũng sẽ không trừng phạt, trách mắng em.



Sau đó, mỗi ngày em đều đến để mua cơm, lúc đó em nghĩ thì ra con người đều dễ bị lừa gạt như thế. Em liền bắt đầu đi trộm đồ ở những quán nhỏ, sau đó còn có ý định đi trộm ở những cửa hàng lớn. Lần đó, khi anh nắm lấy tay em, còn nở nụ cười như thế, em cứ nghĩ mình xong đời rồi, nhưng thật không ngờ anh lại đưa cơm cho em, còn nói mấy câu khiến em khắc cốt ghi tâm. Anh không những khéo léo giữ lòng tự trọng cho em mà còn thức tỉnh em trở về con đường hoàn lương. Lúc đó, em hiểu được, trên thế giới không có ai ngốc cả, làm người không được sống nhờ vào việc đi lừa lọc người khác, em muốn làm một người tốt. Những ngày sau này, mỗi lúc nghĩ đến ánh mắt đầy sự tín nhiệm của anh, em liền có động lực, tự thề với bản thân mình rằng cho dù có khó khăn đến nhường nào cũng phải thực hiện lời hứa đã hứa với anh”.



“…Có một hôm, có một người phụ nữ nhìn thấy em lạnh đến run bần bật liền về nhà lấy một chiếc áo cho em mặc. Sau đó, em phát hiện trong túi áo có 100 Nhân dân tệ, em rất muốn có được số tiền đó. Nhưng nghĩ đến ánh mắt tin tưởng của anh , em liền thay đổi ý nghĩ. Em đi hỏi một ngày mới tìm đến được nhà của người phụ nữ kia. Lúc dì ấy và chồng biết em đến để trả tiền, họ cảm động ôm em vào lòng, luôn miệng khem em là một đứa trẻ ngoan. Năm đó, đứa con gái duy nhất của họ bị bệnh qua đời rồi, em may mắn được họ nhận làm con nuôi. Từ đó trở đi, cuộc sống của em tốt hơn nhiều, bố mẹ nuôi rất thương em, nuôi em học Đại học. Bây giờ, em đã trở thành một giáo viên dạy cấp hai...”



Đúng là cậu ta rồi! Đọc xong thư, lòng tôi sảng khoái vô cùng. Xem ra, hành động của tôi năm xưa quả là có hiệu quả!


Giáo dục trẻ con không thể khoan dung, vì như thế nó sẽ thành thói hư, cách làm của cậu con trai đối với đứa bé ăn xin là đúng, cậu ta đã dạy đứa bé không được lừa dối người khác. Còn đứa bé đã học được cách thành thực nên cũng may mắn gặp được một gia đình nọ nhận nuôi. Có thành thật đối xử với người khác thì mới gặp phúc được!


Theo Tinhhoa