ĐẠO ĐỨC (số 29)

LÒNG TRẮC ẨN

Trắc ẩn nghĩa là xót thương khi chứng kiến người hay vật bị rơi hoàn cảnh đau khổ khốn cùng chết chóc. Nói nghe thì dễ, nhưng thực sự không phải dễ, không mấy người có được lòng trắc ẩn cao quý này. Thấy người bị trượt té, hầu hết ta phì cười. Thấy người bị tai nạn chết chóc, hầu hết ta sợ hãi. Thấy người bị nghèo khó, hầu hết ta coi thường. Thấy người bị bệnh đau, hầu hết ta thờ ơ... Thế giới này không có nhiều lòng trắc ẩn.

Thế khi nào ta mới có lòng trắc ẩn thực sự? Đó là khi ta cảm nhận được nổi đau khổ của người gần như chính mình đau khổ, tự nhiên ta có đồng cảm xót thương, lòng trắc ẩn đã hiện diện. Có người cả đời chả biết thương ai, cho đến khi ông bị cơn đau sỏi thận hành hạ khủng khiếp. Từ đó, chỉ khi nhìn người đau sỏi thận thì ông mới động lòng trắc ẩn. Còn ai có trí tuệ và đạo đức thì không đợi mình đã kinh qua nỗi khổ vẫn cảm nhận được nỗi đau của người khác.

Lòng trắc ẩn của người này luôn hiện diện sẵn sàng.

Người có lòng trắc ẩn thì hay ra tay làm những điều tử tế, cứu giúp, hào hiệp, từ thiện. Mà đã hay làm những điều tử tế thì luật Nhân quả không bao giờ bỏ qua, sẽ đền bù tương xứng bội lần. Nghĩa là người có lòng trắc ẩn thì luôn là người có phúc lớn. Nếu lòng trắc ẩn xuất hiện sớm thì người này hay chọn nghề nghiệp có tính hy sinh cao.

Điều ta cần là làm sao cho lòng trắc ẩn xuất hiện trong tâm ta vì chưa chắc ta là người có lòng trắc ẩn bẩm sinh. Ta phải tự buộc mình phải biết thương người thương vật bị hoạn nạn. Ta nói đi nói lại mãi với chính mình như thế, dần dần lòng trắc ẩn sẽ xuất hiện chút chút. Ta tiếp tục nhắc mình phải thương xót như thế mãi, cộng với ta ra tay giúp đỡ người vật trong khả năng, sẽ khiến cho lòng trắc ẩn ngày càng phát triển.

Có những người làm nghề vốn đã mang tính cứu giúp người, như y bác sĩ, điều dưỡng, y tá... Họ đến với nghề cũng từ suy nghĩ ban đầu là cứu giúp bệnh nhân, rất tốt đẹp. Nhưng lâu ngày, bệnh nhân rên la mãi, áp lực công việc nặng nề mãi, họ không thể trắc ẩn mãi, mệt quá, nên họ tự vệ tâm hồn bằng cách giữ tâm bình tĩnh, rồi bình thản, rồi vô cảm luôn. Ta dễ chứng kiến cảnh bệnh nhân thì rên la, thân nhân thì lo lắng, y bác sĩ thì tỉnh queo. Họ giải thích là đành phải vậy để theo dõi, bệnh nhân có đau mới biết bệnh tình rõ hơn....

Ít ai giữ được lòng trắc ẩn sau khi hành nghề y lâu năm, sự chai lì là có thật, và có vẻ cần thiết để họ còn bình tĩnh chữa trị cho mọi người. Ta cũng thông cảm cho nghề y.

Nhưng mất lòng trắc ẩn là mất một tài sản lớn của tâm hồn. Chỉ có gỗ đá mới có vẻ không cần đến lòng trắc ẩn. Người ta đã từng quay được con sư tử bắt được con nai con rồi quyến luyến yêu thương. Khi có con sư tử khác nhào đến muốn cắn thịt con nai con, thì con sư tử kia liền quyết liệt đánh lại để bảo vệ. Lúc đó, con sư tử được bao nhiêu người xem đoạn video đó rất ngưỡng mộ. Con người cũng vậy, ai có nhiều lòng trắc ẩn cũng sẽ được mọi người yêu mến ngưỡng mộ. Thậm chí, nếu quả thật có thần thánh trên trời thì cả thần thánh cũng phải nhất định yêu mến những ai có lòng trắc ẩn lớn.

Lòng trắc ẩn là một thuộc tính quan trọng của đạo đức. Ta hãy nhìn lại mình xem đã có được bao nhiêu lòng trắc ẩn để sống qua cuộc đời. Nếu chưa có thì phải gắng gieo trồng cho có. Nếu có ít thì phải chăm bón cho nẩy nở thật nhiều.

Thế giới đầy đau khổ, thế giới còn cần mãi lòng trắc ẩn của nhau.

Trích NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC của Sư Phụ Thích Chân Quang.