Tự dưng sáng nay xe hư , lại ra đầu ngõ để kiếm xe ôm để đi đến công ty , chợt nhìn thấy bác xe ôm mà sao những kỷ niệm ngày xưa lại ùa về , nên muốn chia sẻ cùng các bạn :Smiling:.


Phải nói cuộc đời tôi phải cảm ơn xe ôm và xe buýt, ôm và buýt đã chứng kiến bao nổi buồn vui của tôi, từ thời sinh viên tới cả bây giờ. Nầy nha, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của học kì đầu tiên, tôi ra xe buýt số 55 vào SG, ngồi xe mà mắt rơm rớm vì biết chắc môn đó bị rớt... Hay là bao phen lên bờ xuống ruộng chuyện dọn nhà (chuyện thường ngày của dân sinh viên), cũng nhờ vào mấy bác xe ôm. Còn chuyện " Con là sinh viên, dìa quê trong túi chỉ còn bi nhiêu đây thôi, chú bớt cho con nha" là chuyện thường xuyên xảy ra... ôm-buýt biến con đường từ Thủ Đức về nhà như ngắn hơn, ôm-buýt giúp con đường đi lấy bằng cử nhơn của tôi đỡ vất vả hơn…



(Trong bài viết nầy, tôi xin nói lên 1 vài cảm xúc của mình về sự vất vả của các bác xe ôm)



Chắc ai thường đi xe ôm cũng từng có cái nỗi niềm trắc ẩn chung. Trắc ẩn chuyện ngả giá, còn trắc ẩn ở chuyện tranh giành khách, mà đôi khi mình thấy xót xa. Thật ra thời hàn vi, thời khăn túi xứ người, tôi chẳng thấy hề hấng gì chuyện đó đâu, cứ cố làm sao cho có lợi cho mình là được, mặc chuyện thế nhân... Tình hình là mới đây, tôi phải đón xe buýt đi bệnh viện thăm người thân, khi xe rà thắng chuẩn bị đỗ khách, thì xuất hiện tại trạm chờ là một đội quân hùng hậu các anh, các em, các bác, các chú xe ôm. Họ lái xe chậm chậm theo xe buýt và cố bám vào cửa xe, chỉ trỏ "xí phần" lên đám người chuẩn bị xuống trạm " chị áo xanh là của tui... Em gái xách cặp là của tui... đó đó bà mập mập là của tui...", trong cả chục người xuống trạm thì đa số đều có người thân chờ sẳn rước đi, chỉ 1-2 khách là đứng lại, rồi đội quân xe ôm ngơ ngác thất vọng nhường chỗ cho người "tới tài " được chở khách. Sau đó 1 cuộc ngả giá xảy ra, có khi nhẹ nhàng, có khi linh đình sôi nổi, thậm chí có khi là một cuộc cãi vã to tiếng và khách hàng bỏ đi...



Nghề nào cũng có nhọc nhằn vất vả riêng, nhất là thời buổi kiếm tiền khó khăn như bây giờ, thì nghề xe ôm càng "hẻo". Ngày xưa tôi đi xe ôm, cũng có ngả giá, nhưng công cuộc tranh giành không khốc liệt như bây giờ. Khi đi xe ôm thường thì tôi làm một cuộc phỏng vấn nho nhỏ, cái khác ở chỗ là ngày xưa bác tài nói "sống tạm được", thì bây giờ bác tài ủ dột mà than " có ngày không được cuốc nào. lỗ tiền xăng cô ơi".



Cái cảnh chạy theo xe sắp đỗ để "xí phần" mười mấy năm trước tôi đã thấy, nhưng ngày đó đầu óc tôi trống không vô cảm, giờ thì khi thấy cảnh ấy trong tôi vội bày ra một "công trình so sánh vĩ đại". Các anh các em các bác các chú xe ôm chắc là ngang tuổi với ba tôi, hay là ngang bằng với chú, bác, cậu, anh, em nhà tôi... Nếu bạn từng chứng kiến cảnh đó thì ít nhiều trong lòng bạn nhen nhúm một cảm xúc... Nghề nào nghiệp đó, thật không an lòng khi bạn nghĩ người thân của bạn đang có mặt trong đội xe ôm dưới kia, đứng chỉ trỏ lên xe buýt để xí phần (vì nghề nghiệp nên họ rất vô tư ,vui vẽ), mặc cho người sắp bước xuống có thể là người quen, có thể là sui gia của họ nữa, chưa kể là họ cố bám theo cửa xe giành khách, rất nguy hiểm đến tính mạng. Rồi bạn phải chứng kiến những cuộc trả giá căng thẳng, toé lửa, thậm chí có khi hòa vốn vẩn phải chạy (vì họ đã chọn xe-ôm làm cái nghiệp thì không thể bỏ khách).



Từ thời đi hoc cho đến sau nầy, và bây giờ, tôi vẫn hay đi xe ôm, ít trả giá hơn, và biết "động lòng" hơn xíu. Tuỳ vào đoạn đường đi mà tôi "bo" thêm cho bác tài một ít, chẳng là bao vì mua vé số cũng hết, nhưng đối với họ là cả kí gạo nuôi sống gia đình hằng ngày. Trong thời buổi bây giờ, hành nghề xe ôm thì dễ, nhưng duy trì được không phải dể chút nào. Nhưng có một sự thật ta không thể phủ nhận được là tiện ích của nó, nếu một ngày người làm nghề nầy không còn, thì chắc là rối rắm trăm bề, ít ra là đối với tôi, một "cô gái ôm bít"... Phải nói tôi thật là cảm ơn và trân trọng họ!!!



Mẹ tôi hay hay nói " Người bán vàng giàu có, nhưng ai cũng tự tìm đến, giá cả ngất ngưỡng nhưng chẳng ai trả giá tiếng nào, còn những người nghèo khó bán mớ rau con cá ngoài chợ phải vất vả tìm khách để bán, chỉ có vài trăm đồng bạc mà kì kèo trả giá cả buổi... Tội..."