Một câu chuyện có thật, một nhân vật có thật


Một giảng viên trẻ vừa mới về một trường đại học nọ công tác, lại đảm nhiệm ngay vai trò chủ nhiệm của sinh viên năm thứ ba, sinh viên trong lớp khi nghe tin ai cũng phì cười thích thú vì trẻ thế thì làm được gì, lại còn bậc đại học nữa, thân ai nấy lo cần gi chủ nhiệm với chẳng lớp trưởng.


Còn về người giảng viên này thì sau vài tháng đầu năm nhận lớp, thầy đã quan sát được tình hình của lớp hiện nay đang có sự phân hóa rất rõ ràng. Điều đáng nói ở đây không phải là sự phân hóa trong học tập mà là sự phân hóa giàu nghèo. Có một nhóm sinh viên con nhà khá giả, có điều kiện, sinh hoạt tách biệt với các bạn còn lại. Ngành học đòi hỏi phải có bài làm nhóm, thực hành nhiều, và nhóm sinh viên khá giả này luôn luôn làm với nhau, mặc dù thầy đã cố tình phân công xen kẽ nhưng nhóm này nhất quyết không chịu cho các bạn khác tham gia. Lúc đầu thì phản đối công khai nhưng sau thấy giáo viên làm dữ quá thì phản đối âm thầm bằng cách làm cho bạn “khác tầng lớp” phải tự giác xin chuyển nhóm vì không thể hòa hợp, không làm việc chung được.


Một ngày nọ, người giảng viên này đã mời các bạn sinh viên thuộc “giới thượng lưu” đó ra nói chuyện thẳng thắn, trao đổi với lí do tại sao nhóm này có cách hành xử như vậy trong lớp. Lúc đầu, thầy chỉ định nói chuyện nhẹ nhàng, khuyên bảo mềm mỏng nhưng sau khi nghe giọng điệu nhóm này nói chuyện về những món đồ bạc chục triệu, những chuyến du lịch sang trọng, cùng những thứ xa hoa khác và coi thường các bạn khác vì không có điều kiện như mình, nói các bạn khác là lúa, là nhà quê vì chưa bao giờ được ăn ở một nhà hàng sang trọng, đến những nơi mắc tiền như mình; thì người giảng viên này không còn giữ được bình tĩnh:


- Tôi không biết các em huyênh hoang cái gì, dựa vào đâu mà các em cho mình cái quyền được ở trên thiên hạ như vậy. Những thứ xa hoa các em đang được hưởng đều là nhờ đồng tiền của người khác, bản thân các em đã làm được những gì ngoài cái suy nghĩ rỗng tuyếch mà các em đang có. Ai cũng biết đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, trong khi những người khác đang lo chắt chiu, dành dụm lo cho mình, cho gia đình thì các em ngoài những bồ độ hiệu bạc triệu, những chuyến du lịch hàng chục triệu và những món đồ hàng trăm triệu, các em còn nghĩ được gì khác không. Tôi không biết những đồng tiền đó các em làm sao mà có được, cho dù đó là của cha mẹ các em cho, thì đó cũng phải là tiền từ chính sức lao động của các em làm nên. Bản thân các em chưa làm được gì đáng để tận hưởng những thứ xa xỉ đó. Các em coi thường những bạn khác, coi thường những đồng tiền ít ỏi mà người ta có được, nhưng thật ra người đáng xấu hô là các em kìa, cho dù ít nhưng đó là chính sức lao động của người khác làm nên, còn các em ăn sung mặc sướng nhưng đó là từ đồng tiền của người khác vất vả làm nên. Em có biết tại sao bạn A trong đợt bài vừa rồi lại phản bác ý tưởng làm bài trên Macbook của em không? Đâu phải ai cũng có đủ điều kiện để trang bị cho mình một món đồ mắc tiền như vậy, em đi rêu rao người ta khắp khoa, nhưng sao em không nghĩ lại người ta chỉ vẽ bài trên giấy mà vẫn đạt điểm cao, lại còn tìm được việc làm rồi kìa. Còn em, em làm được gì rồi trừ việc ngồi đó xài tiền của người khác và đi huyênh hoang khắp nơi. Cái vẻ bề ngoài sang trọng không che dấu được một bộ não rỗng tuyết bên trong đâu. Các em cứ tưởng mọi người xung quanh đang trầm trộ hâm mộ cuộc sống sang trọng, xa hoa của các em nhưng không có đâu, người ta đang coi thường cái suy nghĩ ấu trĩ bên trong của các em đó.


Người giảng viên đó còn nói nhiều lắm, tôi không biết bài nói chuyện của thầy có tác dụng gì với các bạn sinh viên giàu có rởm đời đó không. Nhưng điều mà tôi muốn nói ở đây đó là tấm lòng của người Thầy. Một chuyện rất nhỏ, nhưng bao nhiêu Thầy cô giáo còn để tâm đến học trò của mình như vậy. Định hướng cho sinh viên không chỉ ở chuyên ngành mà còn là định hướng trong cả nhận thức, suy nghĩ. Thường thì khi đã lên tới bậc đại học, giảng viên ít khi nào quan tâm đến tư cách đạo đức của sinh viên, giáo viên mà làm tròn trách nhiệm trong việc truyền đạt kiến thức đã là tốt lắm rồi. Ngay cả thầy cô nhận vai trò chủ nhiệm, cũng chỉ kí thêm vài giấy tờ cho sinh viên, quan tâm xem điểm rèn luyện thế nào, nhắc nhở xem sinh viên lớp mình đóng tiền học phí đầy đủ, đúng ngày không, một năm vài buổi họp lớp nhân những dịp đặc biệt như : Ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết, etc. Chính vì thế, một người giáo viên còn quan tâm đến giáo dục đạo đức, suy nghĩ của sinh viên như người Thầy tôi đang kể đây là rất hiếm. Rõ ràng nếu không có những người kịp thời chấn chỉnh những suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận giới trẻ như vậy thì sau khi tốt nghiệp ra ngoài xã hội, các em sẽ ngày càng lệch lạc hơn, làm cho xã hội ngày càng đảo điên với những suy nghĩ của họ.


Thầy mặc dù chưa dạy tôi ngày nào, nhưng tôi vẫn rất tôn trọng, kinh nể không phải chỉ vì kiến thức và còn vì tấm lòng của một người Thầy đối với học sinh. Đúng như thầy đã nói : “Giáo viên không phải là cái nghề mà còn là một cái nghiệp, một tấm lòng đối với học trò”