Người xưa có câu: “Nhân sinh này, cần 1 trung tâm, 2 một chút và 3 quên lãng”. Trong đó, 1 trung tâm là lấy sức khỏe làm trung tâm, 2 một chút là thoải mái một chút và hồ đồ một chút, 3 quên lãng là quên tuổi tác, quên bệnh tật và quên hận thù.

Nghĩa là, có những chuyện chúng ta nên biết khi cần biết, nhưng cũng nên quên khi cần quên. Lại có những chuyện không nên biết rõ, cứ ngớ ngẩn một chút mới càng thanh thản và dễ sống hơn, hồ đồ một chút mới càng khôn ngoan, chắc chắn.

Còn những người biết rõ quá nhiều điều, thích truy đến cùng của căn nguyên, lại thường để ý nhiều rồi suy nghĩ nhiều hơn. Trong lòng chứa quá nhiều tạp niệm, lo được lo mất lại khiến tâm khổ, cuộc sống khó lòng đạt được hạnh phúc. Chỉ có người hồ đồ biết “ngốc” khi gặp chuyện không phải của mình, lại đủ tỉnh táo để lặng lẽ lo chuyện mình bắt buộc phải lo, thì mới có thể nắm chắc cuộc đời bản thân trong tay, không tự mua dây buộc mình.

Làm người thông minh không hề dễ dàng, nhưng làm người sống hồ đồ mới càng khó hơn. Là hồ đồ nên khi gặp chuyện thì tỏ ra ngơ ngáo để trong đầu có thời gian suy xét kỹ, gặp lời thì ậm ờ để tâm bình ổn mà không nói dại, sau khi thông suồt rồi hẵng nói, hẵng làm, đó là cách giảm thiểu rủi ro nhiều nhất. Cũng vì hồ đồ, chúng ta mới có đủ thời gian và tâm thái nhẹ để tự nguyện lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ người xung quanh, học được cách tôn trọng người khác, thu hoạch thiện ý và nhân duyên tốt đẹp.

Trong mắt của Khổng Tử, hồ đồ chính là “trung dung”; trong mắt Lão Tử, đó là “vô vi”; trong mắt Trang Tử, hai chữ này lại đại biểu cho sự “tiêu dao”. Có thể thấy rằng, đây là một loại tâm thái, cũng là một loại tu vi. Tâm chỉ cần đơn giản, người chỉ cần hồ đồ, ít tính toán, không vì chuyện bất như ý mà sân si, mới có thể sống thoải mái, tự tại.

ST