Chào cả nhà


Mẹ em năm nay 51 tuổi rồi, bị mắc bệnh viêm xoang, huyết áp thấp, cũng yếu. Đợt vừa rồi, mẹ em có đi tập một khóa thiền 6 ngày ở quê. Khóa miễn phí, mẹ em đưa cả bà em đi học, bà em năm nay 75 tuổi ạ. Học xong về thấy cụ có vẻ hào hứng lắm, hôm nay em đang ở công ty thấy mẹ gọi điện bảo là "gửi meil của con cho mẹ, mẹ gửi cái này cho mà xem", mở ra hóa ra cụ cảm nhận về học thiền. hihi. Mẹ em bảo là viết cảm thấy thế nào thì viết cảm nhận như thế, em hỏi mẹ định gửi đi đâu à, thì mẹ bảo ko, viết ra làm kỉ niệm thôi. Em nghĩ gửi lên đây để mọi người cùng đọc, chia sẻ với mẹ em niềm vui nhỏ này. Và các chị nào có kinh nghiệm ngồi Thiền thì share cho em với, mẹ em ko biết mày mò diễn đàn, nhưng e có thể mở ra cho mẹ em đọc. Cảm ơn các anh chị nhiều!


Đây là bài viết của cụ :x:


"TÔI ĐI HỌC “THIỀN”


Lâu nay, không ít lần tôi được chị em cùng cơ quan hay trong lối xóm rủ đi học Thiền. Nhưng rồi phần vì bận bịu công việc, phần do sức khỏe hay đau ốm vặt, cứ sợ đi học về ngồi mất thời gian, làm việc không xong mà ngồi không đủ thời gian, số lần theo quy định thì không kết quả nên tôi cứ nghe vậy, rồi lại bỏ qua. Cũng có khi nghe một ai đó kể về việc khỏi bệnh của mình là “do Thiền đấy chị ạ”…thì tôi cũng chỉ ừ…hữ hoặc “thế á…thế á…” để chứng tỏ mình có nghe và thấy được kết quả của Thiền nhưng tôi vẫn chưa hề có ý định đi học.


Thực lòng tôi cũng có tin một chút nào đó là Thiền đúng cách cũng chữa được nhiều bệnh, thậm chí cả bệnh nan y nữa kia. Tuy chỉ nghe người này người kia nói nhưng ít nhiều tôi cũng bị thuyết phục bởi vì họ đều là đồng nghiệp hoặc người quen cả. Mà đã là đồng nghiệp, là người quen không lẽ họ nói dối mình. Ngay như hôm mới đầu hè đây thôi. Tôi mới nghỉ hè được 3 hôm. Một hôm đang ngồi đọc sách thì có cô bạn đến chơi. Đi cùng là cô em dì. Trò chuyện con cà con kê một lúc thì cô bạn quay ra hỏi:


- Thế nào? Viêm xoang, viêm mũi khỏi hẳn chưa?


- Cũng chỉ đỡ thôi. Hôm nào thay đổi thời tiết hay gặp mùi vị lạ là “biết” ngay.


Nghe tôi nói vậy, cô em bạn tôi liền sôi nổi hẳn lên:


- Chị đi học ngồi Thiền đi chị ạ. Bệnh của chị nhiều người ngồi mà khỏi đấy. Rồi như để minh chứng cho lời nói của mình, cô ấy vừa vạch tay, vạch chân cho tôi xem vừa nói: Đây, chị cứ nhìn em đây này. Em bị bệnh ngứa, tự nhiên ngứa chị ạ. Chữa khắp chốn cùng nơi, thuốc tây, thuốc ta đủ cả cũng chỉ đỡ được vài hôm. Những lúc ngứa ngáy, khó chịu lắm chị. Nước vàng chảy ra, máu mủ vừa hôi vừa tanh, lại chẳng làm được việc gì. Phục vụ mình không xong lại lo lây bệnh cho chồng con nữa…Nghĩ mà nản. Trong lúc chờ vào Sài Gòn lấy đợt thuốc khác, em đi học ngồi thiền. Học có 6 ngày thôi, sau về em tự tập, thế mà sau một thời gian, đỡ hẳn. Không ngứa ngáy mà cũng không nổi mụn, chảy nước vàng, nước mủ hôi tanh nữa…


Thật là nghe tận tai, thấy tận mắt. Dù gì thì câu chuyện của cô em người bạn vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của tôi. Bởi tôi mắc căn bệnh viêm mũi, viêm xoang đã lâu lắm rồi. Cũng thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc đủ cả mà vẫn chưa khỏi hẳn. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định đi hỏi chỗ học Thiền với suy nghĩ: Học để chữa bệnh cho mình.


Phải nói là trước đây chỉ nghe nói, nghe rủ đi học Thiền thôi. Kể cả trong câu chuyện tôi vừa nghe thì cô em bạn cũng chỉ nói đến kết quả của “Thiền”. Còn học như thế nào, học ra sao thì lại chẳng thấy ai nói, tôi cũng quên không hỏi và cũng không thấy ai kêu ca, phàn nàn khó khăn hay khổ sở gì khi học Thiền cả. Vả lại tôi nghĩ “đi học Thiền” là học lí thuyết rồi chắc hẳn họ sẽ dạy mình cách ngồi thế là xong. Vì lâu nay, xem sách báo hoặc ti vi thì chỉ thấy người ta đang ngồi, rồi trong đầu cũng hình dung ít nhiều về Thiền nên thực tâm tôi nghĩ cũng đơn giản và hăng hái ghi tên học. Nhưng thực ra, khi theo lớp học 6 ngày này, tôi càng thấm thía câu: “Trăm nghe không bằng một thấy”!


Điều đầu tiên tôi thấy, đó là không khí lớp học: Dù lớp có tới gần một trăm người, già, trẻ, gái, trai, khỏe mạnh, ốm đau…đủ cả nhưng khi người đàn ông trạc 45, 46 tuổi đứng lên tuyên bố lớp vào học là cả lớp im lặng trong sự hồ hởi, chờ đón những điều mới lạ nhưng đầy sự trang nghiêm, thành kính. Sau này khi kết thúc khóa học tôi nhận ra sự trang nghiêm, thành kính đó chính là Niềm tin của mọi người khi đến theo môn học Trường Sinh học. Một niềm tin được hình thành từ chính kết quả của các khóa học trước, một niềm tin được hình thành từ cách truyền dạy tận tâm, nhiệt tình của những minh sư (những người dạy cách thiền và mở Lu-xa cho học viên) và một niềm tin được bắt nguồn từ lòng hi vọng vào những gì mình bắt đầu từ hôm nay của người học.


Thường thì trong một buổi học, chúng tôi được nghe lý thuyết rồi mới thực hành. Có hôm, chúng tôi thực hành trước rồi mới nghe lý thuyết. Phần lý thuyết nói về nguồn gốc môn học, rất dài, rất hay và cực kì thuyết phục. Có dịp tôi sẽ nói kĩ hơn. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến phần thực hành. Thực hành ở đây là tập cách ngồi. Chú Sang- người đàn ông đứng lớp giảng về lý thuyết và thực hành- đã tận tình chỉ dẫn cách ngồi. Sau đó, mọi người tự ngồi lần đầu trong vòng 30 phút trong tư thế: Hai chân xếp bằng, lưng thẳng, cổ thẳng, mắt nhìn ngang về phía trước nhắm lại, thân bất động, tâm vô thức. Về lý thuyết nghe có vẻ đơn giản thế nhưng mỗi lần tập ngồi là một lần nhận ra những mỏi mệt, những đau đớn, những chịu đựng không hề giống với bất cứ thứ mỏi mệt, đau đớn, chịu đựng…nào đã từng trải qua. Bởi vì, nếu ngồi bình thường, có mỏi mệt, đau đớn, khó chịu, ngứa ngáy…chỗ nào ta có thể tha hồ dịch chuyển, xoa bóp,…cho đỡ đau, đỡ mỏi, đỡ ngứa…Nhưng một khi đã ngồi “Thiền” là chấp nhận cái mỏi mệt, đau đớn, là chấp nhận sự chịu đựng.


Đầu tiên là cảm giác mông đang bị tê dại đến đau nhói, muốn nhích mông một tí nhưng không được. Cố chịu- Tự nhắc mình vậy. Rồi hai đùi căng ra đau nhức, hai cẳng chân máu chạy rần rật cũng đang dần tê dại, mất cả cảm giác. Muốn nhấc, muốn duỗi ra một tí cho đỡ căng rồi ngồi tiếp nhưng không được. Ngay như hai cánh tay để trên đùi, không có gì ép xuống mà sao giờ cũng nặng trĩu. Muốn nhấc ra, vung một cái cho đỡ mỏi nhưng không được. Đặc biệt đầu căng ra, đau như có ai thúc từ trong đầu ra hai bên thái dương, mặt nóng bừng, máu chảy giần giật. Cũng muốn lấy tay xoa cái đầu một tí cho bớt đau rồi lại ngồi nhưng cũng không thể được. Nói tóm lại là toàn thân đang đau đớn, đang mỏi mệt, đang ở trong một trạng thái hết sức căng thẳng, chỉ muốn được vung tay, duỗi chân, đứng lên hay ngã nằm lăn ra cho bớt đau, bớt mỏi, bớt căng thẳng. Nhưng hoàn toàn không thể, không được và cũng không dám. Bởi vì, chỉ cần bạn động đậy là hỏng mất bài tập vỡ lòng của môn Trường Sinh Học, bạn sẽ mất Lu-xa, bạn sẽ không tiếp thu được năng lượng tự nhiên vào cơ thể bạn…Mà mục đích của bạn là đến để học cách ngồi “Thiền” cơ mà. Học cách ngồi để chữa bệnh cơ mà. Vì mục đích cao cả đó mà ta lại dễ dàng thỏa hiệp hay sao? Nghĩ vậy nên tôi lại tự nhắc mình cố gắng. Rồi tôi cũng nhận ra một điều thật sơ đẳng: Chịu đựng và quyết tâm là cách tốt nhất để có thể theo học và hoàn thành khóa học.


Nhớ lại buổi học thứ hai, hôm đó cả lớp ngồi 40 phút. Mặc dù hết sức cố gắng để “tâm vô thức” nhưng tôi cũng áng chừng được thời gian. 40 phút trôi qua trong sự tĩnh lặng đến cháy lòng. Trời ơi, 40 phút mà sao lâu thế! Tôi thấy cơ thể rã rời, đau nhức tưởng chừng như không thể ngồi tiếp được nữa. Mặc dù cứ tự động viên mình cố lên và cuối cùng cũng hoàn thành bài tập sau câu nói của người quản lí lớp: “Mời quý vị kết thúc bài tập!” nhưng thật tình lúc đó tôi đã thầm thốt lên: Ngồi Thiền mà sao khó quá! Nghĩ lại cảm giác của 40 phút vừa trải qua, tôi cảm thấy mình thật “siêu” và tự thấy mình sẽ theo đượclớp học này. Rồi thời gian tập được tăng dần từ 30 phút, lên 40 phút, rồi lên 50 phút. Cứ mỗi lần thêm mấy phút là mỗi lần lòng kiên trì, sự nhẫn nại, quyết tâm của mỗi người lại được thử thách. Với mỗi khung giờ tập, không phải cả lớp đều hoàn thành. Có một số kết thúc trước 5 phút hoặc 10 phút vì chưa quen. Nhưng dù kết thúc sớm hay đúng giờ thì ai cũng cảm thấy hài lòng vì mình vừa trèo qua một con dốc với tất cả sự cố gắng của bản thân. Sau mỗi lần tập ngồi như vậy, chúng tôi lại đùa nhau: Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ” để chứng tỏ với nhau về cái khó của việc tập ngồi “Thiền”.


Lớp học 6 ngày đã kết thúc. Nếu như điều thứ hai tôi nhận ra được sau cách tập ngồi là Trường Sinh học đã dạy cho tôi sự kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm thì điều thứ ba tôi cảm nhận được một cách sâu sắc về hành vi, thái độ, mục đích của những người mở lớp: Đó là sự hài lòng, hạnh phúc trong từng nụ cười, trong từng lời hướng dẫn và trong lời chúc khi chia tay với chúng tôi của họ. Nếu như lớp học thu học phí thì hẳn sự cảm nhận trên là bình thường. Nhưng đây là lớp học từ thiện- lớp học tình thương được mở ra để giúp mọi người có thể tự trị bệnh cho mình- cho nên tôi tự thấy điều mình cảm nhận sâu sắc, thật khác thường. Tất cả họ đã để lại ấn tượng đẹp: Chân thành, tình cảm, gần gũi, thân thiện, nhiệt tình, lòng nhân ái bao la và sự thành tâm đến thiêng liêng khiến mỗi người học đều như cảm thấy mình đã thực sự nhận được một nguồn năng lượng vô tận mà cuộc sống ban tặng. Chia tay nhau, chúng tôi ai cũng chúc cho bạn học của mình ngồi thành công và hẹn sẽ gặp nhau ở lớp nâng cao được tổ chức vào giữa tháng mười tới. Có lẽ ai cũng muốn ít nhất là mình thành công ở một mức độ nào đó về môn học Trường Sinh và mong muốn hơn nữa là bệnh tật sẽ lùi xa mình. Bản thân tôi, tuy chưa biết kết quả bệnh tật sẽ ra sao nhưng khi ra về trong lòng thấy vô cùng nhẹ nhõm với một quyết tâm cao chưa từng có: Phải duy trì bằng được kết quả học này để đảm bảo sức khỏe và tôi tự nhận ra “nguồn năng lượng vô tận” mà cuộc sống ban tặng sau lớp học này chính là Niềm tin vào quyết tâm chiến thắng bệnh tật và Lòng Nhân ái của những tấm lòng nhân đạo.


“Khi con người đã có niềm tin và sống trong tình yêu thương của nhân loại thì chắc chắn mọi khổ đau, bệnh tật sẽ được đẩy lùi!”- Lời kết thúc lớp học của chú Sang khiến chúng tôi thấy an lòng và nhớ mãi về một địa chỉ từ thiện đáng nhớ, nhớ mãi về lớp học tại thành phố quê hương"