Tuổi thơ của chúng tôi qua đi nhanh thật. Mới đó mà đã là ngày xửa, ngày xưa. Đọng lại trong kí ức của chúng tôi là những món ăn tuổi thơ bà tôi làm. Món ăn của bà làm chứa đựng nỗi vất vả, gian nan nhưng chúng tôi ăn vào thấy hương vị hết sức đặc biệt mà chỉ có quê hương tôi mới có. Tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với tình thương vô bờ bến của bà. Những câu Kiều bà lẩy cho chúng tôi nghe như một làn điệu ru con mà khi lớn lên chúng tôi thuộc làu làu. Lời ru ngọt ngào của bà đã đi qua quãng thời gian xa lắc mà cho đến ngày hôm nay, lời ru đó như nâng đỡ chúng tôi trên mọi ngả cuộc đời. Bà gắn với tuổi thơ chúng tôi như một bà tiên hiền lành, che chở cho cháu con những lúc khó khăn. Mang lời ru của bà ủ ấp đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau. Chúng tôi lớn khôn thì bà theo ông về với cõi tiên phật. Nhớ lại những tháng năm sống với bà, nỗi nhớ trào dâng trong tôi sao cay xè nơi khóe mắt. Cuộc sống đói khổ vương vào cõi đời bà mà tôi còn cảm nhận được. Tháng ngày vất vả cùng cháu con kiếm miếng ăn. Sự bươn bả gồng gánh bán đủ thứ cũng chỉ để dành phần cho cháu, những đồng quà năm xưa như: kẹo mấu, chiếc bánh đa vừng, quả ổi, quả roi… bà luôn đựng trong rổ, rá chờ cháu về chia phần cho mỗi đứa. Những món quà đó chứa đựng tình thương yêu của bà gói vào kí ức chúng tôi. Thương bà, chúng tôi như mong muốn mình lớn nhanh lên để trả lại tình cảm thiêng liêng ấy cho bà vui, bà mừng. Nhưng bà đã xa chúng tôi…. Tiếng khóc xé lòng của cháu khi bà nằm xuống với đất. Niềm cảm xúc trào dâng trong lòng bọn trẻ khi bà không còn trên cõi đời này. Năm, tháng qua đi. Cuộc sống đủ đầy. Cái nghèo ngày nào ở lại phía sau. Làng quê còn đấy. Mọi đổi thay của làng quê vẫn in dấu của bà tôi thưở nào còn sống. Vào những ngày đông giá rét, khi những ruộng lúa chỉ còn trơ cuống rạ. Bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đi hái rau khúc về làm bánh. Cái mùi thơm của rau khúc như hương vị trời phú nồng nàn thoang thoảng của tự nhiên gói vào bánh ăn sao mà dân dã, chứa đựng cả quê hương nồng ấm thấm vào kí ức tuổi thơ chúng tôi. Mùi thơm ấy theo chúng tôi đi khắp mọi nơi dù có sống trong cảnh đời như thế nào nhưng chúng tôi chẳng quên cái mùi thơm của hương vị làng quê một thuở nghèo khó. Chứa đựng cái ngọt ngào hương vị tự nhiên ở cánh đồng làng nơi một thời thơ bé. Nhìn rổ bánh khúc bà tôi làm, chúng tôi nghĩ là ngày đó được ăn no một bữa nhưng nào ngờ bà gói quà quê để gửi cho người thân mỗi người một ít. Bà làm xong bỏ vào chõ nấu cách thủy. Khi chín mùi thơm lan tỏa khắp nhà. Bánh khúc để nguội rồi tự tay bà gói vào lá chuối để ra từng phần mang biếu người này, người kia. Tấm lòng của bà gửi vào chõ bánh dậy mùi thơm. Nói đến chè hạt kê là chúng tôi háo hức lắm với món chè mà bà nấu khi tết Đoan Ngọ về (mùng 5 tháng 5 Âm lịch). Mới mùng 4 là bà tôi đã bắt đầu cho các thứ để nấu rồi: Đỗ xanh lấy cái chai thủy tinh lăn qua lăn lại cho nó vỡ đôi rồi mang đi ngâm nước lạnh trong 4 giờ đồng hồ. Đãi sạch vỏ, cho đỗ vào nồi và đổ nước ngập một lóng tay (một đốt ngón tay), nấu đến khi đỗ mềm thì rút củi ra chỉ lại còn than hồng. Kê bà vo sạch, đổ nước ngập 2 lóng tay, nấu lửa vừa. Khi thấy hạt kê nở và ăn thử thấy mềm, cho từ từ kê vào nồi đỗ xanh, để 2 nguyên liệu quyện lại với nhau, dùng đũa cả đảo trong nồi. Sau khi chè sôi, bà cho vani vào đảo vài lần. Mùi thơm đậm bốc lên nghi ngút. Tay bà múc ra bát để nguội. Vị thơm phảng phất thơm ngây ngất, chúng tôi được bà chia cho mỗi đứá một bát ăn tết Đoan Ngọ. Cảm giác mê hồn. Mỗi lần đi đâu về và lại xa quê hương, chúng tôi cũng được bà cho thưởng thức thứ món quà này. Hương vị quê hương chứa chan tình cảm gia đình. Nó ngào ngạt thấm đậm chất quê theo tôi bao ngày tháng xa nhà. Tuổi thơ ngày ấy và bây giờ khác xa nhiều lắm. Bà vẫn là hình ảnh không bao giờ quên trong mỗi chúng tôi. Trở về ngôi nhà cũ, nhìn lên bàn thờ bà, tôi như cứ ngỡ mỗi câu Kiều còn đọng mãi trong tôi khi bà tôi in vào lòng mỗi chúng tôi: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…”.

✍Văn Định