Đẻ khỏe và đẹp!


Sinh con, sinh ra một con người, nhiều khi nghĩ thật là vĩ đại và khủng khiếp. Người ta sinh ra lành lặn, khỏe mạnh, giờ bị mổ bụng, mổ tử cung, khuyến mại thêm cái sẹo dài hơn mười centimet trên bụng. Cứ nghĩ đến vậy thôi là rùng mình.


Áy vậy mà có người sinh mổ hai lần, thậm chí ba bốn lần. Chính vì điều này, cũng quá đủ để thấy phụ nữ chúng ta thật dũng cảm và xứng đáng để quý ông chồng yêu thương và trân trọng hơn. Sinh nở bây giờ khác ngày xưa. Nhớ lúc trước, mấy bà thím, khi sinh con đều nằm than, ăn mặn và kiêng cữ đủ thứ. Xã hội bây giờ lúc nào người ta cũng bận rộn, vội vội vàng vàng, chẳng có thời gian và kiên nhẫn như các mẹ ngày xưa. Cứ lên google, hay là webtretho là có hàng trăm thông tin, ví như có hàng trăm bà mẹ chồng, mẹ đẻ tư vấn cho mình.


Mình viết câu chuyện này, cũng như kinh nghiệm thực tế của mình, mình mong có thể chia sẻ với mọi người. Một phần vì mình “nợ” cái web bà mẹ trẻ em này nhiều lắm, từ cái thuở tập một ngu ngơ đến tập hai khá nhiều kinh nghiệm như hiện nay. Mình nghĩ vấn đề em bé một khi còn trong bụng thì coi như là “ít chuyện để bàn”, vì nhiều lúc như bây giờ, sinh ra rồi mà cứ muốn “nhét lại vô bụng” cho xong. Mình sinh ở Từ Dũ, sinh mổ. Hồi tập một, cứ cách hai tuần là đi siêu âm một lần, nhưng đến tập hai, thì tự tin và kinh nghiệm nên chỉ đi siêu âm vào những giai đoạn cần thiết. Do hai tập cách nhau khá gần nên tập hai mình có chỉ định mổ lúc khoảng 39 tuần. Mình nói thật, chẳng biết cảm giác đau đẻ là gì, cứ đến ngày giờ hẹn là lên bàn mổ thôi.


Vấn đề Đẻ mổ thì rất đơn giản, sau khi gây tê cột sống, một nữa cơ thể từ bụng xuống xem như hết nhúc nhích. Chỉ khoảng 10 phút là em bé đã oe oe khóc. Nhưng cũng từ lúc tiếng khóc ấy cho đến ít nhất một tháng sau, có thể nói, đây là những tháng ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời phụ nữ của bạn.


Khoảng 4 tiếng nằm phòng hồi sức, bạn sẽ gặm nhắm cơn đau tràn đến từ từ khi thuốc tê tan dần. Lần sinh đầu tiên, mình nằm phòng hồi sức mà lạnh run cầm cập. Cũng chẳng biết hở môi xin cái đèn sưởi hay tấm chăn. Nhưng sinh lần hai, ngay khi chuyển lên giường hồi sức, mình xin liền cái chăn và đèn sưởi. Khi các ngón chân nhúc nhích, cũng là lúc các cơn đau ùa đến. Lúc này có một số cách để bạn giảm đau như sau:


- Tập trung suy nghĩ về những kỷ niệm vui với người thân yêu


- Suy nghĩ tên con, hay tưởng tượng ra khuôn mặt con


- Niệm phật ( cầu nguyện)


- Hát


- Tám với “nạn nhân” kế bên, cách này là hay nhất!


Đó là những cách mình làm.


Bác sỹ sẽ kiểm tra, khi nào chân mình co lên được sẽ chuyển về phòng.


Vấn đề Khỏe có nghĩa là bạn phải có những tiện nghi tốt nhất khi đi sinh. Đầu tiên và gay cấn nhất là phòng nằm. Cứ vào Từ Dũ, cứ nhìn hàng trăm sản phụ nằm chật ních hành lang bệnh viện, bạn sẽ thấy yêu quý vô cùng cái giường nằm trong căn phòng riêng, với toa let nội bộ. Khi quyết định sinh mổ dịch vụ, bạn nên nhờ báv sỹ đặt phòng cho mình luôn, nếu không được, bạn nhờ hộ lý phòng hồi sức. Dĩ nhiên, nên bồi dưỡng cho anh/chị hộ lý ấy một ít. Bản thân mình vì cùng trong nghành nên cũng có những ưu tiên. Tuy nhiên, mình tìm hiểu sản phụ nằm cùng phòng nên biết điều đó.


Khi sinh lần thứ hai, vấn đề đau là kinh khủng nhất. Rất nhiều người một tuần chưa bước chân nổi xuống giường, chuyện đó là bình thường. Vì lần hai, vết mổ sẽ nằm trên vết mổ cũ, cái đau là đau vết mổ và đau cả con gò tử cung.


Trong các thuốc dùng, chủ yếu là glucose, muối bù điện giải, oxitoxyl để kích thích gò tử cung, tống sản dịch ra và thuốc giảm đau. Danh mục thuốc giảm đau chủ yếu là paracetamol, tuy nhiên, paracetamol hầu như không tác dụng lắm với cơn đau sau mổ. Mình đề nghị bác sỹ chuyển sang Voltagen cho mình, nhưng vì danh mục thuốc bệnh viện hết hàng nên mình phải mua bên ngoài, loại nhét hậu môn. Một ngày nhét hai viên. Và nhờ Voltagen mà mình có thể bước chân xuống giường ngay ngày đầu tiên sau mổ để đi …toilet.


Nhiều bạn cũng lăn tăn vụ đặt ống tiểu, thực sự, đặt ống tiểu và tháo ống không đau lắm. Cái kinh khủng là cảm giác muốn đi tiểu nhưng không được. Và nếu bạn cứ nằm mà gậm nhấm nổi buồn… tiểu thì không bao giờ hết. Phải bước xuống giường, phải ngồi lên bàn cầu thì mới mong giải tỏa được. Phải cố gắng.


Khi ngồi, hãy cố gắng tự dùng tay nâng cơ thể, đừng nhờ người khác đỡ. Vì càng đỡ, càng đau.


Ngày đầu tiên nên ăn cháo, uống nhiều nước ấm.


Nỗi đau ở bệnh viện, có thể giải quyết bằng thuốc giảm đau, còn khi về nhà, bạn phải chịu khó nằm nghỉ, ít đi lại, sau một tuần sẽ bớt đau, sau hai tuần, hết sản dịch, bạn có thể bắt đầu làm Đẹp.


Vấn để Đẹp sau khi sinh cũng quan trọng không kém.


Hầu như khi ở cữ, rất ít khi tắm, chỉ vệ sinh vùng kín và vết mổ, đánh răng, ngực để sạch sẽ cho bé bú. Còn lại là lau mình bằng rượu nghệ gừng.


***Rượu nghệ gừng ngâm khoảng 1kg nghệ gừng trong 2 lít rượu, ngâm trước 3 tháng.


Rượu nghệ gừng giúp cơ thể mẹ ấm sau sinh, đặt biệt khi ra tháng, cũng giúp da đẹp hơn.


Lau mặt nhẹ nhàng bằng khăn xô ấm, sau đó bôi sữa mẹ lên, khoảng 10 phút, rồi lau lại bằng nước ấm. Sữa mẹ có nhiều kháng thể, lipit, axitamin, vitamin, giúp dưỡng ẩm da rất tốt và trắng da…


Có thể trộn sữa mẹ để làm mặt nạ:


- Mặt nạ sữa mẹ trứng gà


- Mặt nạ sữa mẹ nghệ


- Mặt nạ sữa mẹ bột gạo lức


Sau khi hết sản dịch khoảng 5 ngày, bạn có thể bắt đầu quấn muối.


- 2kg muối, bỏ vào 1 túi hình chữ nhật như cái gối vậy, sau đó microwa khoảng 5 phút. Nằm ngửa, đặt túi muói lên bụng, sau khi giảm nóng, nằm sấp đè lên túi muối, đến khi hết nóng thì thôi.


Xông hơi: Bạn có thể xông hơi bằng lá thuốc bắc, mua ở tiệm thuốc.


Khoảng 3 tuần sau sinh, bạn có thể nịt bụng bằng băng nịt. Nên nịt sau khi ăn.


Vấn đề giấc ngủ và sữa sau khi sinh:


Có một điều mà thực sự khuyên các bạn là nên mua máy hút sữa. ngay ngày thứ 5 sau khi sinh, mình bắt đầu có sữa. Nhưng do bé bú rất yếu, mình lại không có kinh nghiệm bế, rồi bé bú một lúc lại ngủ, rồi đói rồi thức, hầu như mình quay cuồng với bé cả ngày. Rồi sau đó, mình dùng máy hút sữa. Lúc đầu hút không nhiều, nhưng dần dần, lượng sữa tăng lên… hầu như sau 10 ngày, mình có thể hút một lần khoảng 200 ml sữa. Hút sữa còn giúp mẹ giảm cân rất tốt.


Những ưu điểm khi cho bé bú sữa mẹ hút ra:


- Canh được lượng bé bú, bé bủ đủ nên ngủ rất đúng giờ.


- Người khác có thể giúp cho bé bú được


- Tập làm quen với cả bú bình và bú mẹ, thuận lợi sau này khi bé chuyển qua bú sữa công thức lúc mẹ hết sữa.


- Mẹ không bị căng tức ngực


- Ngực được hút hết sữa, kích thích tiết sữa mới, ngực không chảy xệ sau này.


- Lượng sữa nhiều, có thể dự trữ sau này.


Cách hút sữa:


- Nên hút thành hai lượt, mỗi bên hai lần.


- Nên xem tivi, thư giãn khi hút sữa


- Hút điều độ, nên hút sau khi ăn khoảng 30 phút


- Uống thêm canxi, nước ép trái cây.


- Lau sạch ngực bằng nước ấm trước và sa khi hút.


Cách dự trữ sữa:


Theo hướng dẫn của tổ chức nhi khoa Mỹ ( familydoctor.org) thì sữa mẹ trữ như sau:


- Sữa sau khi hút vào bình tiệt trùng, nên trữ trong túi chuyên dụng.


- Sữa để vào tủ lạnh có thể trữ được 3 ngày


- Ngăn đông 6 tháng


- Nhiệt độ phòng 4h.


Sữa rã đông thường có mùi hăng, bé thường chê, không bú. Để giảm mùi hăng, có thể đun nhẹ sữa khoảng 70 độ ( dùng máy hâm sữa, chọn chế độ hâm thức ăn dặm), khoảng 10 phút, sau đó bỏ ngay vào ngăn đông. Khi rã đông, nên để xuống ngăn mát trước, sau đó hâm ấm cho bé ăn.


……………………


Túm lại là một chút chia sẻ, mong các mẹ vượt qua tháng đầu tiên một cách hào hùng nhất!