Tắc tia sữa – Chữa tắc tia sữa tại nhà


Chia sẻ một chút về vấn đề tắc tia sữa.


Mình là một bà mẹ đã từng bị tắc tia sữa, đã từng nếm trải cảm giác của những cơn đau buốt, những trận nóng sốt hầm hập kèm theo là sự lo lắng, xót con. Đó như một cơn ác mộng mà mình không thể nào quên. Trong quá trình chạy chữa, tìm hiểu về cách chữa tắc tia sữa tại nhà, mình đã rút ra một số kinh nghiệm và muốn chia sẻ với mọi người nhất là những người sắp làm mẹ.


Trước hết, những phần chia sẻ sau đây chỉ là kinh nghiệm của một bà mẹ từng bị tắc tia sữa và tự chữa tắc tia sữa hiệu quả tại nhà, chứ không mang tính chuyên khoa y học của bác sĩ.


Mình tạm chia tắc tia sữa ra làm 2 loại:


Trường hợp 1: Tắc tia sữa trong vòng 7 ngày sau sinh.


Trường hợp 2: Tắc tia sữa trong quá trình cho bé bú.


Mình bị cả hai trường hợp này với lý do là quá chủ quan và chưa có kiến thức về vấn đề tắc tia sữa. Khi tình trạng này xảy ra mình hoàn toàn không có kinh nghiệm xử lý và cũng không hề được bất kỳ người thân nào chỉ cách phải làm gì. Và đến khi bị bệnh đi khám và chạy chữa nhiều nơi (mình chữa 8 nơi khác nhau) thì được biết rất nhiều mẹ sữa bị tình trạng này như mình.


Chúng ta phải xử lý như thế nào khi gặp phải tình huống này?


Trường hợp tắc tia sữa trong vòng 7 ngày sau sinh


Đa số các mẹ sữa mới sinh xong (nhất là sinh mổ) sữa chưa về ngay. Đến khi sữa về thấy đầu ngực căng cứng, đau tức, ép ngực khó thở, cử động thấy đau. Đau và nhậy cảm đến nỗi chạm vào cũng đau, đi lại ngực không được nâng đỡ cũng thấy đau. Quầng vú căng cứng lên, bé ngậm không đúng khớp, ngậm làm đau đầu ti, nứt cổ gà. Bú không được và vắt cũng không xong. Bé quấy khóc, mẹ đau đớn. Căng thẳng, stress triền miên. Chưa kể đến các tác nhân bên ngoài, mỗi người mỗi hướng, mỗi cách, không biết nghe ai. Cùng với việc vừa sinh xong cơ thể mệt mỏi, tâm lý làm mẹ lần đầu cái gì cũng bỡ ngỡ (thường các mẹ làm mẹ lần đầu hay bị tắc tia sữa nhiều hơn, các mẹ lần hai),…


Mình sinh bé nặng 3.8kg, có sữa non ngay sau sinh nhưng đến khi hết lượng sữa non vì nghe theo ý kiến của mọi người “con to, sữa ít thì phải cho uống thêm sữa ngoài để bé ko bị tụt đường huyết” và mình cho bé uống ngoài. Đến khi sữa về căng cứng ngực, thấy người mệt mệt, nóng nóng sốt sốt thì bé đang bú sữa ngoài, không cần cho con bú mẹ. Người sốt do sữa về mà không biết lại mệt lăn ra ngủ, càng căng cứng. Lúc tỉnh dậy thấy khó chịu, ngực đau không dám động vào. Sau khi kể lại, mẹ chồng mình đã giúp day bóp liên tục gần 2 tiếng, đau hơn đau đẻ, đau không biết tả như thế nào luôn nhưng vẫn không đạt hiệu quả. Rồi mình cho bé bú thì may mắn đã thông tia sữa.


Sau này mình nghiên cứu và nghiệm ra cách chữa tắc tia sữa tại nhà cho trường hợp tắc tia sữa loại 1 này như sau:


Cơ chế tạo sữa và cơ chế phóng sữa là 2 cơ chế riêng biệt. Sau khi các mẹ sinh xong thì sữa non đã có sẵn trong ngực rồi. Sữa được tạo ra nhờ prolatin. Mẹ sau khi sinh được nghỉ ngơi thư dãn, ngủ nhiều, tinh thần thoải mái, prolatin tiết ra nhiều tạo ra nhiều sữa.


Cơ chế phóng sữa thì nhờ vào oxytocin kích hoạt các tế bào biểu mô bao quanh nang. Tuyến co bóp giúp đẩy sữa ra ngoài. Nên các mẹ để ý xem khi nào sữa chuẩn bị phóng, ngực sẽ có cảm giác rần rần, hơi đau đau chạy dọc các đường tuyến sữa. Oxytocin cũng kích thích cơn gò tử cung, làm tử cung nhanh thu hồi lại vì vậy mẹ nào muốn nhanh lấy lại vóc dáng thì chăm cho bé bú trực tiếp nhé, sẽ nhanh thu nhỏ bụng.


Các mẹ đã phân biệt được cơ chế tạo sữa và cơ chế phóng sữa rồi thì sau sinh hãy cho bé bú sớm và da tiếp da nếu có thể.


Cũng đừng mong đợi là sẽ có thật nhiều sữa trong mấy ngày đầu.


Cũng đừng nghĩ rằng ngực căng như vậy chắc là vắt ra cũng được cả lít sữa không chừng???


Căng vú chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường khi nhà máy sữa bước đầu đi vào hoạt động. Cứ để nó hoạt động một thời gian tự khắc nó sẽ biết cách điều chỉnh lại sao cho nhịp nhàng và hiệu quả nhất.


Điều các mẹ cần làm là: chườm ấm, dùng các đầu ngón tay ấn và day nhẹ nhàng bầu vú, dùng ngón tay cái ấn và day nhẹ nhàng quanh quầng vú cho mềm ra, vân vê đầu ti để kích thích tạo cơn phóng sữa, tập cho bé ngậm đúng khớp ngậm. Nếu chưa được hãy kiên nhẫn lặp lại nhiều lần. Tranh thủ ngủ càng nhiều càng tốt.


Ngoài ra còn các biện pháp:


Day ép bằng tay


Động tác day ép: Mẹ dùng 1 bàn tay đè ép bầu vú lên thành ngực hoặc dùng 2 bàn tay ép vào nhau. Vừa ép vừa day sẽ làm tan các vị trí sữa đã đông kết. "day ép" chứ không phải là "xoa", bởi vì chỉ có lực day ép mới có tác dụng đối với vị trí tắc nằm ở sâu trong bầu vú và mới có thể làm tan sữa đã đông kết.


Đè ép nhẹ nhàng trong mức đau có thể chịu đựng được, day từ từ theo vòng tròn, tăng dần, khoảng 20 - 30 lần, rồi lại làm ngược lại. Thực hiện như trên nhiều lần.


Động tác day ép có thể áp dụng ở cả giai đoạn sớm cũng như khi tắc tia sữa đã rõ ràng, đã hình thành những cục mảng, mật độ chắc ở bầu vú. Một điều đáng lưu ý khi thực hiện động tác này, mẹ phải nhẹ nhàng và kiên nhẫn, vì nếu thực hiện thô bạo sẽ rất đau đớn mà hiệu quả chưa chắc đã tốt hơn (trong lần tắc tia sữa lần 2, mình đã dùng phương pháp này, day ép quá mạnh tay, nên bị vỡ tia sữa và còn khó chữa hơn).


Sử dụng máy hút sữa


Việc sử dụng máy hút sữa trong việc chữa tắc tia cũng có thể đem lại hiệu quả cao mà tốn ít thời gian tuy nhiên cần duy trì sử dụng máy thường xuyên. Bạn có thể tham khảo bài viết 8 thương hiệu máy hút sữa tốt nhất hiện nay để chọn cho mình chiếc máy hút sữa tốt nhất. Dùng máy hút sữa có nghĩa là dùng áp lực âm để hút nên thường sử dụng trong giai đoạn sữa mới vón kết và với vị trí tắc nằm gần núm vú.


Đối với vị trí tắc ở sâu hoặc ở nang sữa thì rất khó bởi vì nếu để áp lực nhỏ thì không thể làm tan sữa đông kết, còn nếu để áp lực lớn thì sẽ làm tổn thương nặng thêm do mạch máu, ống dẫn bị căng dãn; nhất là khi hiện tượng tắc sữa có yếu tố nhiễm khuẩn. Ở giai đoạn muộn khi sự vón kết sữa đã hình thành những cục, mảng lớn thì dùng dụng cụ hút sữa gần như không có tác dụng.


Cách dân gian chữa tắc tia sữa


Bên cạnh những phương cách khoa học, dân gian cũng lưu truyền rất nhiều bài thuốc chữa tắc tia sữa cho sản phụ, cùng tham khảo nhé!


Uống nước lá đinh lăng


Các mẹ lấy một nắm lá đinh lăng, sau đó rửa sạch, sao vàng lên, hạ thổ rồi đun nước uống, sẽ có tác dụng nhanh chóng. Nước này ngon, rất dễ uống, ngoài ra còn làm cho sữa thơm, hấp dẫn em bé nữa.


Nước xơ mướp khô


Lấy xơ mướp già khô (từ một quả mướp già, để khổ, đập bỏ vỏ và hạt), 10 cái gai bồ kết, 1 củ hành tươi hoặc khô. Các mẹ cho tất cả vào ấm, đổ 2 bát nước vào đun cho đến khi còn một bát, chờ nguội rồi uống. Mỗi ngày uống một thang như trên trong khoảng 2-3 ngày.


Sau khi uống xong, các mẹ lấy lược thưa chải từ cuống vú xuống đầu vú chừng nhiều lần rồi nhờ người mút mạnh đầu vú, sữa sẽ thông.


Hành tím


Các mẹ lấy củ hành tím xắt lát dày chừng 1,5mm, sau đó đặt lên hai bầu ngực (trừ đầu ti), phủ khăn giấy mềm, băng lại. Mỗi ngày đắp hai lần kết hợp với xoa bóp ngực, sau khoảng 4 ngày sẽ hết tắc hoàn toàn.


Lá mít


Hái một nắm lá mít to, rửa sạch, sau đó hơ nóng, mỗi bên bầu ngực 9 lá, các mẹ hãy đặt lên vùng nào cứng nhất. Tiếp đó dùng tay xoa bóp, ấn mạnh từ trên xuống dưới. Khi thấy sữa chảy ra thì cho bé bú liền, làm liên tục ở những ngày sau là sữa thông hoàn toàn.


Lá mít hơ nóng, áp vào bầu ngực cũng giúp mẹ giảm được cảm giác đau nhức và thông tia sữa ở giai đoạn đầu khi bị tắc. (ảnh minh họa)


Xôi nếp


Nấu xôi nếp, sau đó bọc xôi nóng vào trong hai khăn vải mềm và chườm hai bên bầu ngực theo nguyên tắc từ ngoài vào trong, làm liên tục cho đến khi xôi nguội. Sữa sẽ về đều cả hai bên.


Đu đủ


Các mẹ hãy tìm một trái đu đủ non, sau đó về xắt xắt thánh lát mỏng, nướng lên cho nóng rồi đắp vào hai bên bầu ngực cũng có tác dụng giảm đau, thông tắc tia sữa rất hiệu quả.


Men rượu


Lấy viên men rượu, giã nhỏ, cho thêm rượu vào, sau đó các mẹ bôi vào bầu ngực và ủ khăn lại. Mấy tiếng sau lại dùng cơm nóng chườm và xoa bóp liên tục. Cách này phải kiên trì trong khoảng 2 ngày mới có hiệu quả.


Lá bắp cải


Đầu tiên, các mẹ mua cây bắp cải về, tách lấy từng lá, rửa sạch đi để ráo nước, có thể cắt bỏ bớt phần lá mềm đi, chỉ để lại phần cọng cứng thôi. Dùng phần cọng cứng của lá bắp cải hơ lửa cho thật nóng (càng nóng càng tốt), đắp lên chỗ bị tắc sữa một lớp khăn, nếu sợ nóng quá thì để vài ba lớp cũng được. Sau đó đặt cọng cứng bắp cải đã hơ nóng lên chỗ bị tắc sữa dùng tay day thật mạnh. Bớt nóng thì lại hơ rồi làm tiếp, lá héo thì thay lá khác.


Trường hợp thứ 2: Tắc tia sữa trong quá trình cho con bú


Thời điểm bé nhà mình được 2 tháng, mình bị sốt cao do trúng gió. Khi sốt mình không dùng thuốc do sợ ảnh hưởng đến con nên sốt lâu mãi không khỏi. Ốm mệt, mình nằm nghiêng đúng một tư thế cho bé bú nằm và bú một bên. Sau đó, mình bị tắc tia sữa bên mà không cho con bú. Nổi một cục cứng to bên ngực đấy, tắc sữa không ra được. Bên ngực còn lại thì sữa càng lúc càng dồn về nhiều.


Ốm, mệt, chỉ tắc một bên nên thường không gây sốt, khi phát hiện ra cục cứng thì lúc đó đã bị tắc quá lâu rồi.


Mình đã thử dùng rất nhiều biện pháp: day ép, chải lược sừng, uống lá đinh lăng, trườm lá mít, trườn nước nóng, xôi nóng, uống bồ công anh tươi, đắp lá bồ công anh, đắp lá bắp cải, đắp hành tím, bôi cao thuốc nam, bôi nhựa sung,…. chữa mẹo. Tất các các biện pháp trên chỉ thông được tia sữa chính nhưng không thể khỏi hẳn cục u bã đậu ở ngực mình (bên ngực tắc đã có sữa nhưng ít và ngực đó bé hơn hẳn ngực bên còn lại). Do sữa đã thông nên không sốt, ngực không đau nên mình cũng không có áp lực phải chữa luôn.


Đến khi mình đi làm lại thấy vẫn còn cục u. Mình lại bận công việc lười vắt sữa, công ty xa nhà, trưa không về cho bé bú được, cục u càng lúc càng to. Rồi sưng nhức, đau, sốt tái phát, ngực tím thâm đỏ. Mình đi siêu âm và bị kết luận là áp xe tuyến vú (Sữa tắc ứ lại trong ngực quá lâu. Theo mình hiểu nôm na là sữa không thoát ra ngoài được bị ôi thiu thành mủ, gọi là áp xe tuyến vú. Lý giải theo mình hiểu thôi, không phải chuyên ngành nhé!). Bác sĩ kê thuốc kháng sinh và chỉ định chờ mủ khu trú lại một chỗ thì trích.


Mình đến viện thấy nhiều người phải trích đi trích lại nhiều lần và mất hẳn sữa. Không đành lòng nên mình đã hỏi nhiều nơi để cố gắng không phải trích. Trong thời gian đó, ngực đau kinh khủng, đau chỉ muốn “chít” luôn thôi ý.


Cuối cùng mình thực hiện


- Uống thuốc bắc của một cô chuyên kê thuốc bắc cho tắc tia sữa.


- Cố chịu đau để mủ chín


- Lấy lá táo ta giã, trộn với mật ong, đắp lên ngực (mật ong để tránh nhiễm trùng). Đắp lá táo để tạo ngòi mủ vỡ ra, đắp qua đêm liên tục.


Đến khi mủ chín, mủ tự vỡ ra, nặn bóp cho mủ ra hết. Ngày đầu mình nặn được gần miệng bát con mủ. Nặn rồi vệ sinh vết thương bằng cồn y tế. Nặn vài hôm thì hết mủ, rồi tự vệ sinh. Những hôm sau mủ chỉ ra ít thôi. Mủ ra ngoài, hết sốt, hết đau. Từ hôm vỡ mủ đến khi u cục hết hẳn phải tầm hơn 2 tháng.


Giờ mình vẫn có sữa cả 2 bên ngực, cho con bú bình thường nhưng vẫn rất chú ý bên ngực đã bị áp xe, cẩn thận theo dõi, tránh để bị lại. Hy vọng chia sẻ của mình có ích cho các mẹ sữa chữa tắc tia sữa tại nhà.