Bị bán qua biên giới, rất nhiều phụ nữ Việt rơi vào cảnh lầm than, kẻ may mắn thì tìm được đường về, người bất hạnh bị ‘chôn vùi’ mãi mãi.

Và rồi, những năm vừa qua, báo chí không thiếu những câu chuyện và hình ảnh ‘đoàn viên’ đầy xúc động. Nhưng trớ trêu làm sao, có những hoàn cảnh lại vô cùng chua chát, bởi sau cuộc hội ngộ đầy nước mắt là khoảng thời gian “lạnh như núi băng”’.

Nghẹn ngào mẹ ruột và con gái đoàn tụ sau 39 năm chia xa: Hai nhà chỉ cách nhau đúng 1 km

hình ảnh

Người mẹ được trở về quê hương nhưng luôn có cảm giác xa lạ (Ảnh: VNE)

Nhớ về quá khứ đầy đau đớn, bà Vũ Thị Ch (SN 1962, ở xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đau đớn kể lại, do gia đình khó khăn, chồng lại yếu ớt và ngờ ngệch quanh năm, nên bà nhẹ dạ cả tin đi theo một người phụ nữ cùng xóm với lời rủ rê: Lên thành phố kiếm việc làm.

Thế rồi, bà bị đưa qua biên giới, phải làm vợ một người nông dân tầm hơn 40 tuổi ở Quảng Đông, Trung Quốc. Vừa lạ vừa sợ, không biết tiếng, lại quắt ruột nhớ con nơi quê nhà, ngày đêm bà chỉ biết khóc.

Ở đó gần 2 năm, bà sinh con gái. Sinh xong, người mẹ bị rong kinh kéo dài, thân thể héo mòn. "Anh chồng, chị dâu muốn đưa tôi đi viện nhưng 'ông ta' (chồng) không cho vì 'làm gì có tiền", bà kể. Cũng may, vài tháng sau, sức khỏe bà hồi được vài phần. Nhưng cô con gái lại qua đời vì ốm yếu.

Không lâu sau, bà Ch. sinh một bé trai. Là người vốn cam chịu, bà không than thở gì, bà không bao giờ có tiền trong người, thỉnh thoảng chồng chỉ đưa vài đồng mua thức ăn. Sau đó, ông ta cưới về một người vợ nữa và thường xuyên đánh đập bà. "Ông ấy lôi tôi vào phòng, khóa trái cửa lại, cứ thế giáng đòn như thể tôi là kẻ thù".

hình ảnh

Bà Ch. đau đớn khi nhắc về quá khứ (Ảnh: VietNamNet)

Một lần, những người hàng xóm nghe tiếng đấm đá thùm thụp rồi âm thanh kêu khóc từ nhà bà nên đã chạy đi báo công an. Ông chồng bị bắt vào tù vì gây thương tích cho vợ. Nói về con trai 19 tuổi, bà Ch. tự hào "Thằng bé ngoan lắm, biết thương mẹ. Nó đi làm ăn xa còn dặn lại 'Bố mà đụng tới mẹ là con nhờ người báo công an bắt".

Năm 2016, bà bất ngờ được công an Trung Quốc "giải cứu" trao trả về nước. "Người ta đưa đi trong đêm, tôi chẳng kịp gọi báo cho con biết, chỉ vơ vội vài bộ quần áo, định mang theo mấy bức ảnh, giấy tờ có địa chỉ, điện thoại của con thì ông chồng đã giằng lấy đốt đi", bà ngậm ngùi.

 Bà lên xe trở về quê hương nhưng trong lòng hoang mang như bị áp tải đến xứ lạ. Bà Ch. được đưa về nhà bố mẹ đẻ nhưng cả hai đều đã qua đời. Nghe mọi người kể, bà nhận ra ở bên kia mình cay đắng bao nhiêu thì ở quê nhà người thân cũng khổ sở chẳng kém.

21 năm qua hai bên nội - ngoại xích mích. Hóa ra, người hàng xóm nói với bên nhà chồng rằng bà tự ý trốn khỏi chỗ làm, mặt khác lại loan tin với bên ngoại là bà Chúc bị gia đình chồng đánh đập, đuổi đi. Hai bên hiểu lầm, kiện tụng nhau và chỉ chịu rút đơn khi hàng xóm, chính quyền đứng ra khuyên can.

hình ảnh

Bà Ch. vẫn luôn đau đáu nhớ về người con trai ở TQ (Ảnh: VietNamNet)

 Người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất có lẽ là cậu con trai đầu lòng của bà Ch., tên là Bùi D. Hết cấp 2, D. bỏ học, lang thang ra Hà Nội đi làm, rồi từ đó bươn chải vào Nam, ra Bắc. Vắng mẹ, hai bố con ít khi nói chuyện, rau cháo nuôi nhau. Người cha từ đó càng chán đời, chẳng làm lụng gì, suốt ngày đi lang thang khắp làng.

Rồi khi đang làm ở Sài Gòn, nghe người nhà gọi điện báo tin mẹ đã về, lòng D. chộn rộn nhiều cảm xúc."Gặp mẹ tôi cũng có chút 'bâng khuâng' nhưng thực sự xa cách quá lâu rồi nên tình cảm cũng phai nhạt", D. bộc bạch.  Cuộc gặp lại sau 21 năm xa cách không có cái ôm nào. Mẹ anh khi đó thậm chí còn ngơ ngẩn, chẳng nói được tiếng Việt, thỉnh thoảng ú ớ vài câu tiếng Trung.

Ở nhà vài tháng, bà Ch. khỏe lên, hàng xóm kéo tới chơi, bà dần nhận ra mọi người, bắt đầu nói lại tiếng mẹ đẻ. Gặp lại người phụ nữ hàng xóm ngày nào đã lừa mình, nỗi căm hận lại trào lên. Gia đình bà từng nghĩ tới việc kiện, bắt bà ta phải đền tội nhưng hàng xóm can ngăn, lại thấy họ tuổi đã cao, ốm đau liên tục nên bà cũng không muốn truy cứu nữa.

hình ảnh

Bà Ch. đang dần làm quen với cuộc sống quê nhà (Ảnh: VNE)

Từ ngày trở về, người chồng không còn lầm lũi đi khắp nơi mà hay ở nhà, tới bữa biết cắm nồi cơm, quét dọn sân,. Bà Ch. Thì nhận lại mấy sào ruộng, thỉnh thoảng ra đồng cắt cỏ, bón phân.

"Tôi muốn phụng dưỡng mẹ nốt phần đời còn lại. Nhưng bà lại nói không thích ở nhà, đòi sang Trung Quốc ở với 'thằng bé' kia", D. nhìn về phía mẹ, đau đớn nghẹn ngào.

Từ xưa tới nay, nhắc tới hai chữ ‘đoàn viên’, ai cũng có cảm giác hạnh phúc và xúc động. Nhưng trường hợp nói trên đúng là chua chát và bi kịch quá. Thương nhất là cuộc đời của người mẹ, “đi mắc núi , trở lại mắc sông” – bởi quê hương giờ lại thành nơi xa lạ.

Hận ai đây, trách ai đây khi trò đời là một tấn bi kịch. Chỉ vì sự biến mất đột ngột của người phụ nữ, bao số phận và nỗi đau buồn cũng bị kéo theo. Đầu tiên là xích mích hai bên nội ngoại, người bênh con gái, kẻ chê con dâu.

Sau nữa là những tháng ngày u tối của hai cha con, một đứa trẻ thiếu hơi mẹ, một người chồng vắng bóng vợ. Họ đã sống đầy đau thương, tuyệt vọng. Chẳng biết người thân của mình ở đâu, còn sống hay đã chết.

 Nhưng khổ nhất vẫn là bà Ch., lúc bị lừa bán qua Trung Quốc thì phải chịu đòn roi, đi làm dâu lần thứ 2 thì phải chịu tra tấn. Thời gian quá dài khiến người phụ nữ đờ đẫn, quên tiếng nói và cả gia đình.

Ngày trở về, đáng ra phải là hình ảnh ôm nhau nghẹn ngào xúc động vậy mà bi đát quá, một gia đình vốn thân quen nay trở nên xa lạ, ngại ngần, bởi tình cảm không còn được vẹn nguyên.

Giờ đây, người mẹ già ấy chẳng tìm ra hướng đi cho mình, ở lại hay bỏ đi đều không đành lòng. Hai đứa con với hai quê hương, quốc tịch khác nhau nhưng đều là máu mủ của bà.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: Sohu.com)

Suy cho cùng, kẻ đáng căm hận nhất chính là bọn buôn người ác độc, chỉ vì vài triệu bạc, chúng sẵn sàng để lương tâm rách nát đến tận cùng. Đẩy một người phụ nữ chân yếu tay mềm qua biên giới, không chỉ khiến đời họ bi đát khổ đau mà người thân, gia đình, con cái, thậm chí rất nhiều thế hệ sau này cũng phải chịu cảnh tang thương, ai oán.

Thiết nghĩ, pháp luật nên tăng hình phạt với tội ác tày trời, nên siết sao hơn nữa để giải quyết vấn nạn nhức nhối của xã hội và đặc biệt, lời cảnh báo sau cùng cho tất cả phụ nữ, hãy tỉnh táo trong mọi chuyện, đừng để cái nghèo làm mờ mắt, đừng vì một vài đồng bạc mà suy nghĩ thiếu chu toàn.

Bởi cuộc đời, có những sai lầm chẳng thể nào sửa lại được!

Nguồn tham khảo: VNE