Tại sao tỷ lệ mắc các bệnh lý về dạ dày tại nước ta càng ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa? Liệu bạn có đang tiềm ẩn những thói quen rất xấu làm hại đến dạ dày không?

Mô hình cấu trúc dạ dày

1. Ăn quá no

Dạ dày như 1 chiếc túi có khả năng co giãn để đựng thức ăn. Càng nhiều thức ăn chứa trong dạ dày, áp lực lên cơ trơn thành dạ dày càng lớn.

Dạ dày chứa đựng, co bóp, nghiền nát thức ăn để trở nên dễ hấp thu hơn khi đi xuống tá tràng.

Cảm giác no là phản xạ thông báo của dạ dày tới thần kinh trung ương, báo hiệu quá tải, không còn nhiều thể tích chứa đựng thức ăn trong chiếc túi này. Tuy nhiên, đáp ứng no của mỗi người là khác nhau phụ thuộc thể tích dạ dày, độ nhạy cảm của phản xạ thần kinh, sự tập trung trong quá trình ăn.

Ăn quá no, áp lực lên cơ trơn niêm mạc dạ dày tăng cao, khả năng co bóp, nghiền nát cũng trở nên nặng nhọc. Thức ăn tích lũy tại dạ dày càng nhiều, càng lâu, lượng dịch vị tiết ra càng nhiều. Nguy cơ viêm loét dạ dày sẽ tăng cao.

Bên cạnh đó, ăn quá no khiến van tâm vị nhạy cảm tạo phản xạ mở van. Thức ăn di chuyển ngược từ dạ dày trở lại thực quản kèm theo acid dịch vị gây hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.

Chính vì vậy, khi ăn hãy tập trung, đừng để ăn quá no các bạn nhé.

Dạ dày hình ảnh cắt ngang

2. Để bụng đói quá lâu

Bạn có thường xuyên ăn uống không đúng bữa? Đây là thói quen cực xấu nếu giờ giấc sinh hoạt không ổn định.

Dạ dày cũng là một chiếc chuông báo hiệu thời gian. Bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao ngày nào cứ đến khoảng giờ đó thì bụng bạn sôi ùng ục và đói cồn cào hay không?

Dạ dày hoạt động cũng có nhịp sinh lý và thói quen hằng định. Về bản chất, khi có thức ăn trong dạ dày, chúng sẽ tạo những cơn sóng nhào bóp và tiết acid dịch vị, điều này lặp đi lặp lại ngày qua ngày tạo nhịp sinh lý hoạt động. Nếu ngày hôm sau, cũng vào giờ đó, vì quá bận, bạn không thể ăn đúng bữa, dạ dày vẫn cứ co bóp và bài tiết dịch vị trong khi trống rỗng, không hề có thức ăn. Acid  bài tiết ra không phân cắt thức ăn, chúng tổn thương trực tiếp niêm mạc dạ dày tạo những ổ viêm, ổ loét gây đau nhói.

3. Ăn quá nhanh

Ăn quá nhanh cũng là một lý do khiến dạ dày tổn thương. Trong thời buổi hiện đại, cái gì cũng yêu cầu phải nhanh. Ăn cũng phải nhanh, uống cũng nhanh, nghỉ ngơi chớp nhoáng để có sức tái sinh năng lượng.

Ăn nhanh - Đồng nghĩa với nhai không kỹ. Các cụ ta có câu: Nhai kỹ no lâu quả không sai. Khi nhai kỹ, thức ăn được phân cắt thành từng phần nhỏ. Nhai kỹ cũng làm thức ăn thấm kỹ enzyme, thức ăn mềm và dễ hấp thu hơn.

Ăn nhanh, nhai không kỹ sẽ khiến thức ăn thô, dễ ma sát tổn thương niêm mạc tiêu hóa. Thức ăn cứng, khô, khó phân rã, lượng acid dịch vị tiết ra nhiều hơn, nguy cơ đau dạ dày tăng cao hơn.

4. Ăn quá chua/ quá cay

Món ăn cay nóng

Ăn chua, cay đang là xu hướng thịnh hành của giới trẻ. Vị chua và cay rất kích thích vị giác, tạo cảm giác ngon đậm đà hơn cho món ăn. Nhưng cũng lưu ý rằng, đồ ăn chua cay đồng thời kích thích cực mạnh niêm mạc dạ dày tiết ra nhiều dịch vị hơn, acid tiết ra càng nhiều, nguy cơ ăn mòn gây viêm loét dạ dày cũng tăng cao.

5. Vừa ăn vừa xem

vừa ăn vừa xem

Vừa ăn vừa xem là thói quen tích hợp 2 trong một được nhiều người ưa chuộng. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa giúp giải trí khi ăn. Tuy nhiên, đây lại là một thói quen cần được loại bỏ.

Vừa ăn vừa xem khiến bạn tập trung vào những gì mình đang xem, bỏ quên cảm nhận khi ăn.

  • Bạn sẽ không thưởng thức trọn vẹn được bữa ăn
  • Không tự chủ được những thứ mình đang ăn
  • Không cảm nhận được cảm giác no, ăn đến mức quá no mới có thể phát hiện ra.
  • Tập trung xem gây giảm cảm nhận khi đang ăn, giảm bái tiết dịch vị, không tiết đủ dịch vị tiêu hóa thức ăn.

6. Nằm ngay sau ăn

Ngăn cách giữa thực quản và dạ dày là nắp tâm vị. Nắp tâm vị không phải cơ trơn, thực chất là một nếp gấp niêm mạc thừa.

Sau ăn no, thức ăn rất dễ đi ngược từ dạ dày trở lại thực quản và khu vực hầu họng. Nếu ngằm ngay sau ăn, lúc này thức ăn không còn chịu tác dụng chính từ trọng lực, rất dễ đẩy ngược lên tạo hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản gây viêm và loét thực quản.

7. Uống nhiều rượu bia

Uống nhiều rượu bia, ăn nhậu là phong tục từ rất lâu đời của người dân Việt Nam. Để bảo vệ dạ dày, tốt nhất chúng ta nên hạn chế các bữa nhậu.

Rượu, bia là thức uống kích thích vị giác. Cũng là tác nhân kích thích dạ dày tăng bài tiết dịch vị, tăng nguy cơ gây viêm loét.

Bia và thức uống có gas chứa nhiều bọt khí Carbon dioxit. Loại khí này khi uống lượng lớn vào sẽ gây ợ hơi, trào ngược hoặc thậm chí đầy bụng khi uống.

8. Thức khuya, Stress, căng thẳng quá mức thường xuyên

Vốn dĩ cứ tưởng rằng thức khuya, stress, căng thẳng thường xuyên không ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Tuy nhiên, những điều này vô tình bài tiết ra nhiều hormon Cortisol (một loại hormon chống căng thẳng stress). Cortisol bên cạnh khả năng tăng thoái hóa đường giải phóng năng lượng ATP còn kích thích hoạt động cơ trơn niêm mạc tiêu hóa, tăng co bóp, tăng nhu động ruột và tăng bài tiết dịch vị, giảm bài tiết dịch nhờn bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Tăng yếu tố tấn công, giảm yếu tố bảo vệ, stress và thức khuya đang là nguyên nhân lớn khiến giới trẻ viêm loét dạ dày !

9. Lạm dụng thuốc giảm đau chống viêm

Thuốc giảm đau, chống viêm (Cả Nhóm NSAIDs và Corticosteroid) đều được bán và kê đơn rộng rãi tại các nhà thuốc. Gần đây ghi nhận tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau chống viêm. Trong đó tác dụng phụ phổ biến của 2 nhóm thuốc trên là tăng bài tiết dịch vị và giảm lớp bảo vệ niêm mạc tiêu hóa. Không những vậy, uống các thuốc trên khi dạ dày rỗng gây kích thích trực tiếp niêm mạc dạ dày.

Trên đây là 9 thói quen xấu khiến dạ dày tổn hại. Nếu bạn đang có những thói quen này, hãy sửa đổi để có một cuộc sống lành mạnh hơn.