Thiếu ngủ không phải là thủ phạm duy nhất khiến bạn lờ đờ mệt mỏi suốt cả ngày đâu, bạn đừng lúc nào cũng đổ tội hết cho “nó” mà bỏ sổng mất những “tên tội phạm” khác. Chẳng hạn từ giờ bạn hãy để ý hơn đến những việc như:



1. Bỏ tập luyện và vận động khi… mệt



Bạn mệt lắm, và bạn nghĩ cần tiết kiệm chút năng lượng nhỏ nhoi còn sót lại của mình thì mới có thể chóng hồi phục? Sai bét! Một nghiên cứu của đại học Georgia cho biết những người trưởng thành khỏe mạnh, mỗi tội thích ngồi ì, sau 6 tuần luyện tập nhẹ 3 buổi/tuần, mỗi buổi khoảng 20 phút đã báo cáo lại rằng họ cảm thấy có nhiều sức sống hơn. Tập luyện đều đặn sẽ giúp tăng sức mạnh và sức bền cho bạn, giúp cho hệ tim mạch hoạt động hiệu quả hơn, vận chuyển khí oxy và các dưỡng chất đến các tế bào cơ thể tốt hơn.




(Ảnh: Internet)




Vậy nên lần sau nhé, khi bạn chỉ muốn nằm vật ra ghế thôi, ít nhất cũng hãy cố gắng đứng dậy đi bộ nhanh 1 vòng đã, và bạn sẽ không phải hối hận về việc đó đâu!



2. Bạn là người quá cầu toàn



Bạn luôn đòi hỏi sự hoàn hảo - mà ai cũng biết là sẽ không thể có - điều đó khiến bạn làm việc gì cũng lâu và mệt mỏi hơn người khác (và hơn mức cần thiết). Những mục tiêu bạn đặt ra cho mình cũng ở trên mức thực tế khiến khó hoặc thậm chí là không thể đạt được, và rốt cuộc điều đó dẫn đến bạn suy sụp - nói suy sụp thì hơi quá, thất vọng thì đúng hơn. Và thật sự là khoảng thời gian hơn-mức-bình-thường mà bạn dành ra không có mấy tác dụng tích cực hơn cho công việc của bạn.



Vậy, nếu bạn đang trong trường hợp này, các chuyên gia khuyên bạn nên đặt ra cho mình giới hạn thời gian để làm một việc gì đó và cố gắng tuân theo đó.



3. Bạn hay làm quá



Chẳng hạn khi sếp gọi vào phòng họp, chưa gì bạn đã nghĩ ngay đến những tình huống xấu nhất, chắc là bạn sắp bị đuổi cổ khỏi công ty… Sự hoảng hốt, mất bình tĩnh này nhanh chóng lan ra, hạ gục bạn, khiến bạn kiệt sức thật sự về tinh thần thậm chí trước cả khi mở được cánh cửa phòng họp kia.



Lần sau, khi bạn thấy mình đang chớm có những suy nghĩ như vậy, hãy hít thở sâu, tự nghĩ xem khả năng tình huống xấu nhất có thể xảy ra là bao nhiêu - và bạn sẽ thấy là không hề nhiều đến mức độ hoảng loạn của bạn. Nếu có thể, hãy ra ngoài trời để hít thở, duỗi người một chút, thiền hoặc chia sẻ lo lắng của mình với một người bạn để trở nên thực tế hơn.



4. Bạn không biết nói “không!”



Việc cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người sẽ làm cạn kiệt năng lượng cũng như hạnh phúc của bạn, tệ hơn nữa là có thể làm bạn trở nên ấm ức và tức giận thường xuyên. Vậy nên hãy đứng trước gương, học cách nói “Không!” để từ chối ôm việc vào người thêm nhé!




(Ảnh: Internet)




5. Chỗ làm việc của bạn quá bừa bộn



Phòng làm việc, bàn làm việc bày bừa sẽ khiến bạn khó tập trung, hạn chế khả năng xử lý thông tin của não - đó là kết quả nghiên cứu của đại học Princeton. Vào cuối ngày, hãy bảo đảm bạn sắp xếp lại hết những vật dụng cá nhân cũng như liên quan đến công việc của mình gọn gàng để ngày hôm sau có khởi đầu tốt hơn. Nếu có quá nhiều thứ cần dọn, hãy chia nhỏ khối lượng công việc bằng cách dọn dần dần thôi để tránh tạo áp lực thêm cho mình.



6. Bạn làm việc xuyên kỳ nghỉ



Chỉ cần nghe thấy thôi đã thấy mệt rồi, và chắc chắn việc này sẽ khiến bạn cạn năng lượng cả thể chất lẫn tinh thần. Hãy dứt mình khỏi bàn giấy, laptop, điện thoại... tận hưởng những ngày nghỉ thật sảng khoái và quay trở lại với công việc một cách tỉnh táo, khỏe khoắn hơn, sáng tạo hơn, hiệu quả hơn bạn nhé!mệt