Đang tắm cho con gái thì có việc phải ra ngoài, 30 phút sau quay lại, người bố đã thấy con bị đuối nước, nằm bất động trong bồn tắm. Đó là trường hợp của một bé gái 8 tuổi sống tại Hà Nội bị đuối nước khi đang tắm trong bồn tắm.



Thông tin cụ thể của bài báo là gì nè các mẹ:



“Sự việc đau lòng trên xảy ra ngày 12-4 vừa qua khi cháu N.K.C. (nữ, 8 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình gọi cấp cứu đưa vào Bệnh viện E, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Trước đó, khi đang tắm cho con gái thì có việc phải ra ngoài, 30 phút sau quay lại, người bố đã thấy con bị đuối nước, nằm bất động trong bồn tắm gia đình.



Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh nhi nhập viện ngày 12-4 trong tình trạng suy hô hấp nặng, da môi tái, hôn mê sâu, đồng tử giãn, không có phản xạ ánh sáng, tiên lượng tử vong cao.



Ngay lập tức, bệnh nhi đã được điều trị tích cực như: hồi sức hô hấp/tuần hoàn, chống phù não. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, phản xạ ánh sáng yếu, rối loạn nước điện giải. “Do bị ngạt nước quá lâu nên nếu có cứu sống được thì khả năng di chứng của bệnh nhi cũng là rất cao”- bác sĩ Tuấn nói.



Sau 1 tuần tích cực cấp cứu nhưng do khả năng cứu chữa không còn nên gia đình bệnh nhi đã xin đưa về nhà.”






Tình trạng đuối nước ở trẻ em là một hiện tượng khá phổ biến và thường xảy ra ở sông, suối, ao hồ. Tuy nhiên bị đuối nước trong bồn tắm gia đình như bé gái trên dường như khá hy hữu.



Mặc dù đã được tích cực điều trị nhưng tình trạng của bé không khá hơn và gia đình đã xin đưa em về nhà. Thấy mà tội quá các mẹ ơi.



Bởi mới thấy các mẹ đừng nên quá lơ là khi tắm cho con nhé, như bé gái này dù đã 8 tuổi và tắm trong bồn gia đình mà còn xảy ra trường hợp đáng tiếc như vậy. Và nếu như cha mẹ biết được những bước sơ cứu cơ bản khi phát hiện con bị đuối nước thì có lẽ sẽ không ra nông nỗi này.



Các ông bố, bà mẹ nên lưu ý cách sơ cứu cho con khi con bị đuối nước nhé, đây là cách do các bác sĩ hướng dẫn nè.


Khi bị đuối nước, nạn nhân bắt đầu bị ngừng thở, tim đập chậm lại do phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu ôxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp.



Nếu tình trạng ngừng thở tiếp tục kéo dài trong khoảng từ 20 giây đến 2 - 5 phút (tùy thuộc từng nạn nhân) thì đạt đến ngưỡng và nhịp thở lại xuất hiện khiến cho nước bị hít vào gây co thắt thanh quản tức thì. Đồng thời xuất hiện cơn ngừng thở lần 2, sau đó là các nhịp thở bắt buộc khiến cho nước, dị vật bị hít vào phổi. Hậu quả là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.



Để cứu sống nạn nhân ngạt nước phải ngăn chặn kịp thời các tiến trình trên, tốt nhất là ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên tức là trong vòng 1- 4 phút đầu tiên khi bị chìm trong nước, đồng thời xử lý tốt các chấn thương kèm theo (đặc biệt là chấn thương đầu cổ và cột sống).



Ngay sau khi đưa được con ra khỏi nước, bố mẹ nên tiến hành cấp cứu tại chỗ. Đặt con nằm ngửa trên 1 mặt phẳng cứng. Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực.



Các bố mẹ dùng 2 tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.



Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 – 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 – 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.



Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.



Và một điều đặc biệt quan trọng là không được lơ là với trẻ khi tắm, khi chơi và khi ăn luôn nhé các mẹ. Hãy đảm bảo con của bạn luôn trong tầm mắt của mình để không xảy ra những tình huống đáng tiếc tương tự xảy ra nhé.




Xem thêm bài viết:


http://www.webtretho.com/forum/f113/me-so-say-de-con-17-thang-tuoi-bi-thang-cuon-nghien-nat-co-ban-tay-cac-me-can-than-nhe-2458648/


Nếu mẹ bé 17 tháng bị thang cuốn giập nát tay biết sơ cứu đúng cách thế này thì bàn tay con sẽ không ra nông nổi


Nếu không muốn con miệng méo, mặt lệch thì làm ơn bỏ điện thoại xuống đi các mẹ ơi!


Xem thêm video: Cách sơ cứu người bị đuối nước