Tình trạng chóng mặt hậu Covid-19 có thể được cải thiện bằng nhiều cách như ngồi hoặc nằm xuống, nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, giảm căng thẳng…

Covid-19 có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe dù bệnh nhân đã khỏi bệnh, gọi chung là hội chứng hậu Covid-19. Hội chứng này được biểu hiện bởi nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó có chóng mặt. Chóng mặt, choáng váng có thể kéo dài, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động thường ngày của người bệnh. Những cách đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng chóng mặt hậu Covid-19.

Ngồi hoặc nằm xuống

Cơn chóng mặt hậu Covid-19 có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào và khiến người bệnh cảm thấy choáng váng, mất thăng bằng. Khi cơn chóng mặt xuất hiện, bệnh nhân nên dừng các hoạt động đang thực hiện, tìm một nơi để ngồi hoặc nằm xuống ngay.

Trong quá trình di chuyển, bạn hãy tập trung nhìn vào một điểm cụ thể trước mắt và cố gắng dùng tay, chân bám vào các vật dụng chắc chắn. Bệnh nhân sau khi ngồi hoặc nằm xuống nên nhắm mắt lại, cố gắng giữ bình tĩnh vì lo lắng sẽ làm triệu chứng chóng mặt tồi tệ hơn.

Dành thời gian nghỉ ngơi

Cơ thể cần thời gian để hồi phục và trở lại trạng thái bình thường sau khi mắc Covid-19. Vì vậy, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn. Nghỉ ngơi đầy đủ cũng làm giảm triệu chứng chóng mặt.

Nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn và giảm tình trạng chóng mặt hậu Covid-19. Ảnh: Freepik

Nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn và giảm tình trạng chóng mặt hậu Covid-19. Ảnh: Freepik

Vận động nhẹ nhàng

Vận động cơ thể nhẹ nhàng, nhất là vùng đầu, có thể cải thiện tình trạng chóng mặt hậu Covid-19. Các hoạt động như đi bộ, xoay đầu, đứng lên hoặc ngồi xuống thường xuyên, đứng xoay người sẽ hỗ trợ hệ thống tiền đình và cơ thể phục hồi nhanh hơn. Bệnh nhân nên di chuyển, vận động chậm rãi, cẩn thận tránh té ngã. Người bệnh có thể sử dụng gậy chống hoặc bám vào các vật dụng để giữ thăng bằng.

Giảm căng thẳng

Hội chứng hậu Covid-19 khiến nhiều người bệnh cảm thấy căng thẳng, lo lắng và phiền muộn. Những vấn đề tâm lý này có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng chóng mặt. Các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị bệnh nhân hậu Covid-19 nên thư giãn tinh thần, giảm bớt lo lắng bằng cách áp dụng các liệu pháp tâm lý, tập thiền, yoga, sử dụng tinh dầu, massage trước khi ngủ... Chia sẻ với những người xung quanh cũng là cách giải tỏa căng thẳng.

Điều chỉnh chế độ ăn

Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng có thể làm giảm tình trạng chóng mặt hậu Covid-19. Người bị chóng mặt kéo dài nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày các loại thực phẩm như trái cây, rau xanh, hải sản, quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt, thảo mộc và gia vị... Bệnh nhân cũng cần hạn chế tiêu thụ caffein, rượu bia, thực phẩm nhiều đường và muối. Chia nhiều bữa nhỏ ăn trong ngày cũng giảm nguy cơ buồn nôn do chóng mặt và giữ ổn định lượng đường trong máu.

Uống đủ nước

Mất nước làm cho triệu chứng chóng mặt hậu Covid-19 trở nên tồi tệ hơn. Các chuyên gia khuyên người bị chóng mặt nên uống ít nhất 4 ly nước mỗi ngày. Bệnh nhân cũng có thể uống nước trái cây hoặc rau củ nhằm hạn chế mất nước.

Kê cao đầu khi ngủ

Kê cao đầu khi ngủ có thể ngăn áp lực do sự tích tụ chất lỏng hoặc lắng đọng các mảnh vụn ở tai trong, từ đó, cải thiện giấc ngủ khi một người bị chóng mặt hậu Covid-19. Điều này làm giảm cảm giác mệt mỏi, cải thiện sự ổn định và giúp quá trình phục hồi cơ thể được nhanh hơn. Nếu bị chóng mặt hậu Covid-19, bạn có thể kê thêm một chiếc gối nhỏ để tạo độ nghiêng cho đầu khi ngủ.

Giấc ngủ ngon cũng giảm tình trạng chóng mặt. Để đảm bảo chất lượng giấc ngủ, bệnh nhân cần tránh uống rượu bia hoặc các thức uống có chứa caffeine vào buổi tối, giữ phòng ngủ yên tĩnh, dành thời gian thư giãn và hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.

Tuy nhiên, nếu bị chóng mặt kéo dài, không thuyên giảm dù đã áp dụng các phương pháp này, bệnh nhân nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị chuyên sâu hơn.

(Theo Cornerstone Physiotherapy, Healthline)