Họ bán thế nào thì em cho uống thế


Trước mặt chúng tôi là một bà mẹ trẻ. Chị bồng con trên tay mà đầy lo lắng. Chả là mấy hôm nay thằng bé chừng 6 tháng tuổi nhà chị bỗng dưng bỏ ăn. Bình thường cháu rất háu ăn. Háu ăn đến mức cháu bú no quá đến trớ cả ra ngoài. Nhưng bỗng dưng mấy hôm nay cháu lại bỏ ăn không ăn nữa. Cháu không sốt. Mà thực ra là sốt đã khỏi.


Chị phân trần: cách đây 7 ngày, cháu nhà em có sốt các bác ạ. Em thấy con sốt cũng bình thường, em chạy xuống tầng 1 khi chung cư Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) nhà em mua thuốc. Em thấy mấy anh bán thuốc đưa cho em một số thuốc gói và một số thuốc viên. Anh ấy bảo cứ uống đi, 3 ngày sau sẽ đỡ.


Trộm vía, đỡ thật các bác ạ. Em mừng quá cho cháu uống hết 7 ngày luôn. Hôm nay là ngày thứ 8. Tức là em mới hết thuốc hôm qua. Nhưng kỳ lạ thay con nhà em lại bỏ bú. Mà cháu quấy lắm. Hôm sốt nó cũng không quấy như thế này. Lúc cháu khóc, em mới nhìn vào trong miệng thì em thấy hình như trong miệng cháu nhà em có cái gì trắng trắng ấy ạ. Em thực chẳng hiểu thế nào. Cháu vừa uống thuốc 7 ngày xong mà nay lại uống thuốc nữa thì chết mất. Các bác xem giúp em.


Nghe bà mẹ phân trần, chúng tôi tiếp nhận cháu bé trong tay. Thì trời ơi, em bé bị nhiễm nấm toàn bộ miệng. Chúng tôi ngạc nhiên vì nhiễm nấm tình trạng lan tràn như thế này. Chúng tôi hỏi đơn thuốc của em bé thì trời đất, bé mới có 6 tháng tuổi nhưng bà mẹ đã dùng tới 2 loại kháng sinh cho bé: azithromycin và cefuroxin. Chúng tôi thừa nhận đây là những kháng sinh tốt nhưng chính việc tốt quá đến mức lạm dụng như vậy đã đẩy em bé vào tình trạng nhiễm nấm.


Bà mẹ há hốc mồm: em đâu biết, người ta bảo uống thì em cho uống.



Tai hại việc dùng kháng sinh kép


Việc dùng kháng sinh điều trị bệnh nhiễm khuẩn là cần thiết. Bởi kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn giúp cơ thể bé hồi phục.


Tuy nhiên, với trẻ nhỏ tuổi, việc dùng kháng sinh nên hạn chế và đặc biệt dùng 2-3 loại kháng sinh phối hợp với nhau phải hết sức hạn chế và được chỉ định thận trọng. Bởi việc dùng kháng sinh kép có thể gây ra một số thứ hậu họa sau đây.


Thứ nhất, em bé có nguy cơ bị quen thuốc và kháng thuốc dần. Số lượng thuốc kháng sinh thì không có nhiều. Nhưng số lần bé nhiễm khuẩn từ nay (6 tháng tuổi) đến lúc lớn trưởng thành còn nhiều lần nhiễm khuẩn nữa. Việc hết đầu thuốc kháng sinh điều trị cho bé nằm trong nguy cơ cao. Nếu chúng ta cứ dùng kháng sinh vô tội vạ thì đến một lúc nào đó bé không còn thuốc để điều trị.


Thứ hai, việc dùng kháng sinh kép làm cơ thể bị nhiễm độc nhiều hơn. Bé trở nên còi cọc, chậm lớn, chậm tăng cân. Nhìn thể chất của bé trở lên sắt lại, trông còi hơn các bé khác. Những em bé thường xuyên dùng kháng sinh kép sẽ nằm trong nhóm nguy cơ đối mặt với suy dinh dưỡng. Điều này sẽ làm sức khỏe thể lực của bé kém đi. Đồng nghĩa với việc bé sẽ yếu ớt mai sau.


Thứ ba, việc dùng kháng sinh kép và kéo dài làm tăng nguy cơ bị nhiễm nấm thứ phát. Em bé sẽ dễ bị nhiễm nấm, đặc biệt là nhiễm nấm miệng làm miệng em bé đau rát, trắng xóa, bong tróc, xót, khiến cho bé bỏ ăn và bỏ bú. Những vi nấm này sẽ làm viêm loét trợt niêm mạc miệng. Chúng có nguy cơ trôi xuống ruột, thực quản làm bé bị tiêu chảy kéo dài.


Với những nguy cơ tai hại, chúng tôi khuyên các bà mẹ cần rất hạn chế dùng kháng sinh kép cho con. Hiện nay, các nhà thuốc tư nhân có xu thế thích dùng kháng sinh kép cho người mua thuốc. Vì thế, để tránh việc dùng kháng sinh kép không cần thiết, các bà mẹ cần yêu cầu dược sỹ bán hàng tư vấn rõ đâu là kháng sinh, có rơi vào tình trạng sử dụng kháng sinh kép hay là không. Nếu có hiện tượng dùng kháng sinh kép cần từ chối thích đáng. Và chúng tôi mạnh mẽ khuyên, khi đã phải dùng tới kháng sinh, các bà mẹ hãy đưa con đi khám bác sỹ để có chỉ định chặt chẽ và an toàn.


webtretho


Hình chỉ mang tính chất minh họa


BS. Yên Lâm Phúc