Làm chết một mạng người, cớ sao lại không bị khởi tố hình sự nhỉ? Nhiều mẹ thắc mắc khi nghe tin này sau vụ tông xe làm bà bầu sảy thai.

>>> Uống rượu rồi lái xe, tài xế bị ngồi 4 năm tù và bồi thường hơn 1 tỷ: Cảnh tỉnh mấy ông

Ai làm mẹ rồi mới cảm nhận được, thời gian mang thai nhiều khó khăn, vừa phải gánh lên mình trọng trách nuôi dưỡng bào thai chờ đón con chào đời, vừa phải kiếm tiền để lo cho gia đình và đứa con bé bỏng sắp chào đời. 9 tháng 10 ngày đâu phải là ngắn, gần về đích rồi, chỉ vì gã say rượu này mà mất đi đứa con. Nghe xong ai mà không đau xót?

hình ảnh

Ảnh: Hiện trường vụ việc. Nguồn: Báo Tiền Phong và Net News

Theo nguồn tin từ báo Giao thông, vào khoảng 22 giờ ngày 13/6/2020, nam thanh niên tên Ngọc, sinh năm 1990, quê ở Thanh Hóa, đang tạm trú tại huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, lái xe máy trong tình trạng say rượu và chở 2 người con gái phía sau trên đường Nguyễn Trãi, thuộc phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, hướng từ Ngã Tư Sở về Hà Đông, đã đâm vào cặp vợ chồng là anh P.T.L, sinh năm 1994 và chị H.P.M.L., sinh năm 1996 cùng trú ở quận Thanh Xuân đang đi bộ. Hậu quả làm cặp vợ chồng này bị thương, trong đó, chị L. đang mang thai 32 tuần tuổi phải mổ cấp cứu, tuy nhiên, thai nhi đã không qua khỏi.

Được biết, hiện Công an quận Thanh Xuân đã tiến hành tạm giữ khẩn cấp nam thanh niên gây ra vụ tai nạn này.

Trên các cộng đồng mạng đã lên án phẫn nộ vì hành vi say rượu lái xe của nam thanh niên này làm bà bầu bị sảy thai. Nhiều người còn thắc mắc, liệu để lại hậu quả như thế này, nam thanh niên có bị khởi tố hình sự không?

hình ảnh

Xét về hành vi say rượu khi lái xe và chở thêm 2 người trên xe của nam thanh niên này, thì đây là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Tuy nhiên, để khởi tố hình sự trong vụ án này cần phải có hậu quả xảy ra, bao gồm một trong các hậu quả sau, theo Điều 260 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Còn nếu hậu quả xảy ra chưa đến một trong các mức nêu trên, thì chỉ dừng lại ở việc bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe mà thôi.

Trong vụ tông xe làm sản phụ sảy thai này, hiện vẫn còn chờ kết quả điều tra, nếu có kết quả giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của cả 2 vợ chồng trên mức 61% hoặc thiệt hại về tài sản trên 100 triệu đồng thì có thể khởi tố hình sự.

Theo mình được biết, hậu quả làm sản phụ sảy thai ở 3 tháng cuối, căn cứ Thông tư 22/2019/TT-BYT về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, chỉ dừng ở mức tỷ lệ 21% đến 25%, chưa đủ để cấu thành tội danh vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nêu trên.

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực áp dụng từ 01/01/2020.

Theo đó, đối với hành vi lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, mức phạt sẽ từ 2 triệu đồng đến 8 triệu đồng (tùy mức nồng độ cồn mà áp dụng khung phạt) và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng.

Còn hành vi chở theo 02 người trên xe, nếu không thuộc trường hợp chở đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi hoặc áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng trong trường hợp gây ra tai nạn giao thông.

Bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc hành chính, nam thanh niên say rượu lái xe kẹp 3 làm phụ nữ sảy thai này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho nạn nhân, dựa vào chi phí hợp lý điều trị và thu nhập thực tế bị mất và bù đắp tổn thất về tinh thần, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. 

Tổng hợp