Chưa bao giờ mình thấy khẩu trang lại là món hàng “quý giá” và khan hiếm như lúc này các mẹ à. Chỉ mới nghe tin có ca nghi lây nhiễm trong cộng đồng thôi là nhiều mẹ đã lo đi mua rồi.

>>> Truy tìm 30 người trốn khỏi BV Đà Nẵng khi đang cách ly: Bao người đã vất vả, sao lại làm thế

Ra mấy cửa hàng chậm một chút là hết hàng. Nghe nói mà không tin, nhưng coi báo rồi mới thấy đúng vậy luôn.

Đọc báo Lao động Thủ Đô, đêm ngày 25/7/2020, sau khi có thông tin ca nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng là nhiều người bán hàng online bắt đầu đăng tít gom hàng khẩu trang y tế.

hình ảnhẢnh chụp báo Lao động Thủ Đô

Chỉ vài giờ đồng hồ thôi, khẩu trang y tế tăng từ 55 ngàn đồng/hộp 50 cái, loại kháng khuẩn 4 lớp, lên 70 ngàn đến 75 ngàn đồng/hộp. Đến ngày 26/7/2020, lên 90 ngàn đồng lên 100 ngàn đồng/hộp.

Giá bán theo thùng cũng tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng rồi 3 triệu đồng và đến nay là tăng 3,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng/thùng. Tuy giá khẩu trang trên mạng đua nhau chóng mặt thì lượng người mua không có dấu hiệu giảm, nhiều người hỏi giá, đặt mua, bất chấp giá cả có tăng cao hay không. Ngoài các điểm bán lẻ trên mạng xã hội, một số trang thương mại điện tử cũng mở bán với nhiều loại khác nhau. Có nơi bán với giá 80 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng/hộp, còn khẩu trang y tế dành cho trẻ em có giá 90 ngàn đồng/hộp.

Nhiều chủ cửa hàng online cho biết, họ tăng giá bán cũng bởi vì khi lấy hàng, giá gốc cũng tăng so với trước. Phải đặt trước mới có, có người cũng đặt trước nhưng chậm hơn thì bị báo hết hàng vì khan hiếm nguyên liệu.

Người đi mua khi được phỏng vấn cũng tỏ ra khá lo lắng khi phải chật vật đi tìm mua khẩu trang y tế sau cái tin có ca lây nhiễm cộng đồng.

Trái ngược với các điểm bán hàng online, tại các cửa hiệu thuốc tây, giá bán của khẩu trang y tế chưa có sự biến động mạnh. Chủ một cửa hiệu thuốc ở phố Thái Hà, thành phố Hà Nội cho biết vẫn đang bán khẩu trang với giá như trước giờ, khách đến mua cũng nhiều nhưng không tăng đáng kể, chắc vì mọi người đã được tuyên truyền, có hiểu biết nhất định nên không có tình trạng đổ xô mua nhiều về tích trữ như trước.

Lướt qua các trang mạng, các mẹ có thể thấy nhiều nơi đang “thổi” giá khẩu trang theo từng ngày. Dù chưa bị làm giá cao như trước nhưng nhiều người bán hàng “vô lương” đang tạo tâm lý khan hiếm hàng, khiến người tiêu dùng hoang mang.

hình ảnh


Ảnh trái: Tại một quầy hàng có bán khẩu trang 3D Nhật có rất đông người chen lấn xếp hàng chờ mua. Nguồn: Zing News. Ảnh phải: Khẩu trang nhanh chóng hết hàng do nhu cầu mua của người dân gần đây cao. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Trái lại, theo nguồn tin ở báo Thanh Niên, các hiệu thuốc tây lớn nhất ở TP.HCM trở nên đông đúc hơn, có nơi còn kẹt xe vì người dân đổ xô đi mua khẩu trang sau ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

Một số cửa hiệu phải để bảng thông báo hết khẩu trang y tế, có nơi còn nhưng không nhiều, giá bán khẩu trang dao động từ 60 ngàn đồng/hộp đến 200 ngàn đồng/hộp. Khẩu trang 3 4 lớp thì còn chứ khẩu trang có lớp than hoạt tính đã cháy hàng.

Thậm chí có người mua thấy giá cao, muốn mặc cả nhưng chủ tiệm không chấp nhận. Nhiều người cho rằng vì số lượng đặt quá nhiều nên hết hàng, đang đợi đợt đặt hàng mới, chưa biết ngày nào hàng sẽ về.

Đổ xô mua khẩu trang, nhận về hàng kém chất lượng, có người bị dính phải hàng tái chế, không còn mùi miếng kháng khuẩn, khẩu trang cũ và nhăn xì vì đã qua sử dụng và được ủi lại. Giá khẩu trang tăng cao, không biết thế nào là thật giả, có người chỉ dám mua ở hiệu thuốc vì đảm bảo chất lượng hơn.

Tin từ trang Zing News cho hay, tính đến 11 giờ ngày 26/7/2020, lực lượng Quản lý thị trường Đà Nẵng đã giám sát 547 cửa hàng kinh doanh khẩu trang, nước sát khuẩn và găng tay trên địa bàn. Tình hình vẫn ổn định, chưa có biểu hiện người dân đổ xô đi mua, cửa hàng không găm hàng cũng như niêm yết giá đầy đủ và nguồn hàng có sẵn.

Bộ Công thương cũng cho biết đang kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất cũng như xuất khẩu khẩu trang để phục vụ người dân trong nước trong công tác phòng chống dịch. Tất nhiên, sẽ xử lý nghiêm nạn găm hàng, thổi giá, hàng giả, hàng nhái.

hình ảnh


Ảnh: Hơn 18.000 khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa được phát hiện tại Đà Nẵng. Nguồn: Zing News. 

Đối với hành vi găm hàng, đầu cơ:

Còn xem xét lượng hàng bị găm mà xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 196 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hay tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh… nhằm bán lại để thu lợi bất chính với giá trị hàng hóa từ 500 triệu đồng trở lên hoặc số thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn phải nộp phạt từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu pháp nhân thương mại vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 9 tỷ đồng, bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm… Hình phạt cụ thể sẽ tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi gây ra.

Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng, bị tịch thu tang vật, đối với hành vi găm hàng, theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất thương mại. Còn đối với hành vi đầu cơ, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động kinh doanh, và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

Đối với hành vi “thổi” giá:

Căn cứ Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, nếu có hành vi lợi dụng khủng hoảng dịch bệnh để định giá mua bán hàng hóa bất hợp lý, sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng và phải nộp lại số thu lợi bất hợp lý đó.

Còn với hành vi bán khẩu trang cao hơn giá niêm yết sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, theo Nghị định 109 nêu trên.

Đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái:

Tương tự với hành vi găm hàng, đầu cơ, phải xem xét dấu hiệu và số lượng cũng như giá trị hàng giả, hàng nhái để làm cơ sở xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng mà đã bị xử phạt hành chính vẫn còn tái phạm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 192 của Bộ luật hình sự hiện hành, mức án có thể là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn phải nộp thêm tiền phạt từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng,cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Riêng với pháp nhân thương mại phạm tội, bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn, cấm kinh doanh hay hoạt động hoặc là huy động vốn từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì áp dụng biện pháp xử phạt hành chính theo Nghị định 185. Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì bị phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 60 triệu đồng và bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

Còn với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 90 triệu đồng và bị tịch thu tang vật, công cụ, máy móc để sản xuất hàng giả, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất có thời hạn và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

Do khẩu trang được xếp vào nhóm trang thiết bị y tế nên mức phạt là gấp đôi so với mức các mặt hàng khác.

hình ảnh


Ảnh: Một số người mua muốn giảm giá khẩu trang nhưng chủ cửa hàng không đồng ý. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Thông qua vụ này, Cục Quản lý thị trường đã khuyến cáo các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán hàng cần thực hiện đầy đủ quy định về niêm yết giá, bán hàng đúng giá niêm yết, kinh doanh hàng có đầy đủ chứng từ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng, không găm hàng và đầu cơ tích trữ.

Tính trong vòng 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 9.000 cơ sở với tổng tiền phạt vi phạm hành chính thu về là hơn 4,5 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất đã chuyển cơ quan điều tra 60 vụ và đã khởi tố hình sự đối với 4 vụ.

“Có cầu, ắt có cung”, nên để góp phần đẩy lùi nạn tạo ra sự khan hiếm khẩu trang, khuyến khích các mẹ nên dùng khẩu trang vải hay tự làm khẩu trang vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn. Vì nắm được tâm lý nhiều người đổ xô mua khẩu trang sau tin có ca lây nhiễm mới, nên bọn gian thương bất lương đã găm hàng, có kẻ còn dùng khẩu trang tái chế, kém chất lượng, bán cho người khác với giá trên trời. Vì thế, các mẹ hãy bình tĩnh nha, đưng để kẻ xấu, gian thương lợi dụng đẩy giá, gây bất ổn cho xã hội nè.

Rất mong cơ quan chức năng sớm rà soát nhanh, xử lý kịp thời các vụ này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân trong mùa này.

Tổng hợp