Giữa tâm điểm dịch bệnh thế này mà sao nhiều người vẫn còn thái độ bàng quang, thờ ơ, coi thường mạng sống của người khác thế không biết.

Coi vụ này vừa thấy bực tức vừa thấy lo ghê các mẹ, vì công tác phòng chống dịch COVID-19 sẽ càng khó khăn hơn cho xem.

Nguồn tin từ báo Thanh Niên trưa nay cho hay, Bệnh viện Đà Nẵng vừa có Công văn khẩn gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng yêu cầu cơ quan chức năng hỗ trợ, giám sát và truy tìm 30 người tự ý trốn khỏi bệnh viện khi đang thực hiện cách ly.

hình ảnhẢnh chụp báo Thanh Niên

Được biết, trưa nay, ngày 27/7/2020, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng đã có xác nhận 30 người, bao gồm bệnh nhân và người nhà, đang cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng đã tự ý bỏ trốn. Số người này được yêu cầu cách ly từ 13 giờ ngày hôm qua 26/7/2020 ngay sau khi có Công văn khẩn liên quan đến ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng.

Trong lúc người dân đang hoang mang, hoảng hốt về ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, cơ quan chức năng và những người liên quan đang cố gắng bằng mọi cách để phòng chống dịch bệnh, ngăn dịch có thể lây lan rộng rãi trên các địa bàn khác thì 30 người này đang được cách ly lại tự ý trốn viện bỏ về. Thế có phải công sức của người dân cả nước, những người trong công tác y tế, quân dân… phòng chống, ngăn dịch bệnh lây lan bỏ sông bỏ bể hả các mẹ?

Đọc tin này mà em chán ngán ghê gớm, dịch bên ngoài vẫn chưa hạ nhiệt, con số nhiễm bệnh toàn cầu cứ tăng lên hàng ngày, Bộ Y tế nước ta rồi những tổ chức làm công tác chống dịch đã phải gồng gánh, mất bao công sức để kiểm soát dịch với thành tích 99 ngày không có ca nào lây nhiễm ngoài cộng đồng, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói, "bên ngoài sóng to gió lớn, nước chúng ta phải bao đê cho chặt". Bao nhiêu con người ngày đêm "bao đê" thì lại có những thành phần đan tâm phá nát công sức của mọi người như thế? 

Du lịch trong nước vừa được kích cầu trở lại để phần nào phục hồi kinh tế, thì một lần nữa có khả năng chựng lại, chỉ vì có những thành phần thiếu ý thức như thế? Một Đà Nẵng đông vui, nhộn nhịp lại rơi vào sự im lặng, vắng vẻ như thế.

Lãnh đạo Đà Nẵng cho biết trong thời điểm cơ quan chức năng đang nỗ lực phòng chống dịch COVID-19, người dân và những người đang bị áp dụng biện pháp cách ly phải có ý thức hợp tác để đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng việc 30 người này trốn khỏi khu vực cách ly khiến cho công tác phòng chống dịch bệnh này ngày càng gặp nhiều khó khăn.

hình ảnh


Ảnh trái: Lên danh sách truy tìm 30 người trốn cách ly khỏi Bệnh viện Đà Nẵng. Nguồn: Báo Thanh Niên. Ảnh phải: Hình ảnh khu vực cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng. Nguồn: Báo Công an Nhân dân. 

Không biết mấy người này nghĩ gì khi họ trốn khỏi khu cách ly các mẹ nhỉ? Hiện Công an đã vào cuộc, khoanh vùng và truy tìm 30 người này, danh sách được gửi cho cơ quan chức năng cũng có đầy đủ họ tên và thông tin nhân thân khác từ 30 người này.

Hành vi trốn cách ly, tùy mức độ nguy hiểm của hành vi này gây ra, theo quy định tại Điều 240, Điều 295 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và hướng dẫn tại Công văn 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Tòa án nhân dân tối cao thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

* Đối với người đã được thông báo mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19:

Đã được thông báo cách ly mà trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly hoặc không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người và sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp dẫn đến hậu quả phải công bố dịch của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hay Bộ trưởng Bộ Y tế, hoặc của Thủ tướng Chính phủ; làm chết người, có thể phải áp dụng khung hình phạt cao hơn từ 05 năm đến 12 năm tù. Ngoài ra, còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

* Đối với người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa: 

Có hành vi trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh thì bị xử về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người với mức phạt từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 12 năm. Ngoài ra, còn phải nộp thêm tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Việc xử lý 30 người trốn khỏi nơi cách ly này còn phải xem hậu quả thế nào, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng như làm lây lan dịch bệnh cho từ 02 người trở lên, làm chết người thì phải được xử lý nghiêm, còn trường hợp chưa làm lây lan dịch bệnh hay chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc gây ra hậu quả ít nghiêm trọng sẽ áp dụng biện pháp nhẹ hơn như phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Em thấy đây là chính sách nhân đạo của Nhà nước, song với tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng như thế này, thì cần phải xử lý nghiêm vụ này các mẹ à.

Tổng hợp