Khi mang thai cơ thể của bà mẹ có nhiều thay đổi. Dưới đây là một số hiện tượng thường xảy ra trong quá trình mang thai và cách khắc phục một số bệnh lý trong thời gian này.


1. Cảm giác nóng rực ở dạ dày


Hiện tượng thường xuất hiện ở tháng thứ sáu. Đi kèm với nó là hiện tượng ợ nóng. Việc tiêu hóa bị chậm lại do các hoóc-môn ở dạ dày bị rối loạn, dịch vị tiết ra ít hoặc nhiều hơn. Hạn chế bằng cách tránh ăn những thực phẩm chứa quá nhiều chất béo và chua. Tránh nằm xuống ngay khi vừa mới ăn xong.



2. Táo bón


Đây là hiện tượng rất phổ biến xảy ra trong suốt thời kỳ mang thai. Nguyên nhân là do thay đổi hoóc-môn dẫn đến sự hoạt động kém của hệ tiêu hóa. Do vậy, cần uống nước vào buổi sáng nhiều hơn, đặc biệt ăn nhiều thức ăn có chứa chất xơ như rau, hoa quả và ngũ cốc. Bạn có thể sử dụng một phương pháp rất đơn giản: buổi tối trước khi đi ngủ ngâm 2 quả mận khô trong một cốc nước, sáng hôm sau lấy ăn sớm. Khi muốn dùng thuốc nhuận tràng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ.


3. Buồn đi tiểu


Nhiều bà mẹ cho rằng uống quá nhiều nước gây nên hiện tượng này nhưng thật ra là do sức ép của cổ tử cung lên bọng đái và sự giãn nở của các mô dưới. Chính vì thế không nên hạn chế uống nước, tối thiểu phải uống 2 lít/ngày. Ở cuối thời kỳ mang thai nên tham gia bài tập thể dục dành cho xương chậu.


4. Đau lưng


90% các bà mẹ mang thai đều kêu đau lưng. Thai nhi càng phát triển thì càng gây mỏi lưng hơn. Hơn nữa, các dây chằng bị giãn ra để trẻ ra dễ dàng cũng là một yếu tố ảnh hưởng. Vì vậy, không nên mang vật nặng từ 9 kg trở lên, khi muốn nhấc một vật nào đó không cúi người mà chùng chân xuống.


5. Chân phù


Một số phụ nữ khi có thai bị phù chân, do đó nên kê cao chân khi ngồi trên giường và tránh giậm chân. Buổi sáng khi thức dậy nếu thấy chân bị sưng phồng lên hoặc xuất hiện những vết đỏ ở bắp chân cần tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức.


6. Nôn


Cứ 1/2 phụ nữ phải chịu hiện tượng này cho hết tháng 3. Cơn buồn nôn có thể đến bất kỳ giờ nào trong ngày. Khi ngửi một số mùi lạ cũng có thể gây nôn. Các chuyên gia y tế khuyên rằng không nên ra khỏi giường với cái bụng trống rỗng, không ăn những thức ăn khó tiêu hóa.


7. Rối loạn giấc ngủ


Ở những tháng đầu mang thai, cảm giác buồn ngủ xuất hiện tưởng chừng như không sao cưỡng lại. Thời gian mang thai là quãng thời gian được nghỉ ngơi chính vì vậy khi buồn ngủ thì bạn không nên kìm hãm. Trạng thái ngủ gà ngủ gật này sẽ mất đi vào tháng thứ 4-5. Giai đoạn cuối, khi bụng càng cồng kềnh càng khó để tìm được tư thế ngủ và giấc ngủ trở nên khó khăn và hiếm hoi hơn. Cách tốt nhất là tránh ăn bữa tối quá no. Nếu trời lạnh, trước khi đi ngủ nên ngâm chân bằng nước ấm.


(Dạ Thảo - TGPN)