Út Em chào các mẹ, hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề rất nhiều mẹ quan tâm đó là nguyên nhân nào khiến phụ nữ mang bầu thay đổi tính tình, không những vậy cảm xúc của mẹ cũng thường xuyên thay đổi.




Tại sao gần đây tôi lại hay có tâm trạng thất thường?


Hiện tượng tính khí hay thay đổi trong khi mang thai là điều thường thấy, nó do những thay đổi của nội tiết tố gây ra, làm ảnh hưởng đến mức độ truyền dẫn xung thần kinh (tín hiệu hóa học trong não bộ) và hàng loạt các trạng thái cảm xúc khi sắp làm mẹ. Mỗi người lại có các phản ứng khác nhau đối với những thay đổi này. Một số bà mẹ tương lai có cảm xúc cao trào cả mặt tốt lẫn mặt xấu; trong khi những bà bầu khác lại cảm thấy trầm cảm cũng như lo lắng nhiều hơn.


Hầu hết mọi người đều thấy rằng sự ủ rũ hường xuất hiện vào khoảng từ 6 đến 10 tuần đầu của thai kì, và giảm bớt trong ba tháng mang thai tiếp theo, rồi sau đó xuất hiện trở lại sau khi sinh.


Mang thai có thể là một khoảng thời gian căng thẳng và mệt mỏi vô cùng. Bạn sẽ vui mừng khôn xiết khi nghĩ đến khoảnh khắc bé yêu chào đời và mỗi ngày có con bên cạnh. Thế rồi sau đó bạn lại bắt đầu nhanh chóng tự hỏi bản thân mình đã có được những gì?


Bạn có lẽ sẽ lo lắng về việc: Liệu mình sẽ là một người mẹ tốt chứ? Không biết con mình có khỏe mạnh không? Hay việc nuôi thêm một đứa trẻ sẽ ảnh hưởng đến tài chính của gia đình bạn như thế nào?… Ngoài ra, bạn còn lo lắng về sự ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bạn với chồng cũng như các đứa con khác của mình – mặc dù bạn vẫn quan tâm đến họ.


Ngay cả khi bạn rất trông mong bé chào đời, đôi khi bạn vẫn có cảm xúc lẫn lộn về việc mang thai và những gì sẽ diễn ra sau đó. Điều này không hề đáng ngạc nhiên, có lẽ ngày nay chúng ta đã đặt kỳ vọng quá cao cho các ông bố bà mẹ, và áp lực bắt đầu ngay cả trước khi em bé được sinh ra. Bạn có thể liên tục tự hỏi bản thân: Tôi có đang đọc những cuốn sách bổ ích không? Tôi đã mua các sản phẩm phù hợp với mình chứ? Tôi nên làm thế nào để kích thích sự phát triển đúng cách cho con tôi?


Trong lúc đó, cơ thể đang có sự thay đổi và bạn có thể sẽ cảm thấy kém hấp dẫn hơn trong mắt mình cũng như trong mắt người chồng của bạn. Bạn lo lắng về việc trông béo hơn khi mà cơ thể phải phát triển để bao bọc lấy thai nhi, và có cảm xúc tương tự như thấy mình không thể luyện tập thể thao được như ngày xưa nữa.


Cuối cùng, các triệu chứng sinh lý trong suốt thai kỳ, chẳng hạn như chứng ợ nóng (ợ chua), mệt mỏi, và đi tiểu thường xuyên, cũng là một gánh nặng. Không phải là hiếm khi cơ thể bạn cảm thấy bị mất kiểm soát trong suốt khoảng thời gian này. Tất cả những mối lo đã khiến cảm xúc của bạn trở nên bất ổn.



Làm thế nào để tôi quản lý được việc thay đổi tâm trạng của mình?


Hãy cố gắng nhắc nhở bản thân rằng những xáo trộn cảm xúc lúc này là hết sức bình thường. Điều đó có nghĩa rằng, nên có ý thức nỗ lực chăm sóc bản thân để giữ tâm thái ổn định trong giai đoạn “hỗn loạn” này.



Hãy để mọi thứ trở nên đơn giản: Tránh thôi thúc bản thân phải hoàn thành mọi việc trước khi đứa trẻ ra đời. Bạn có thể nghĩ rằng mình cần phải dán những hình con thỏ trang trí trên các bức tường ở căn phòng của đứa con bé bỏng, sắp xếp lại tủ quần áo hoặc tăng cường làm thêm giờ trước khi nghỉ thai sản, nhưng bạn không cần phải như vậy. Hãy đặt bản thân mình lên đầu danh sách những việc phải làm. Nuông chiều bản thân mình là một phần quan trọng trong việc chăm sóc em bé.


Thỏa thuận với chồng của bạn: Bày tỏ với chồng về những cảm xúc bạn đang gặp phải và trấn an anh ấy rằng bạn vẫn yêu anh ấy sẽ giúp bạn tránh khỏi những cơn nóng giận bột phát. Hãy dành nhiều thời gian ở bên nhau và nuôi dưỡng mối quan hệ tình cảm giữa hai người. Nên tận hưởng một kỳ nghỉ khi bạn có thể. Tăng cường sợi dây kết nối tình cảm để hai người thực sự là của nhau sau khi đứa trẻ ra đời. Nếu bạn còn độc thân, hãy làm điều gì đó để nuôi dưỡng mối quan hệ với bạn bè và gia đình. Điều đó sẽ hỗ trợ cho bạn rất nhiều ở hiện tại cũng như sau khi sinh em bé.


Làm điều gì đó tốt cho bản thân: Điều này có nghĩa là dành ra một khoảng thời gian đặc biệt cho bạn và chồng của bạn. Cũng có thể dành thời gian cho riêng mình để làm một cái gì đó cho bản thân: cuộn mình đi ngủ, đi bộ, mát-xa trước khi sinh, hoặc đi xem phim với bạn bè.


Hãy nói ra: Nên thổ lộ những nỗi niềm lo lắng về tương lai với người bạn hiểu mình. Chỉ cần nói ra các mối lo ngại của mình thì bạn sẽ có thể làm cho chúng tiêu tan và từ đó đưa ra được giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó cũng nên thường xuyên tâm sự với chồng của bạn một cách thoải mái. Tạo sự hiểu biết đôi bên. Ngoài việc bày tỏ cảm xúc của bạn thì hãy nên lắng nghe những cảm nhận của anh ấy.


Kiểm soát được sức áp lực: Thay vì để cho sự thất vọng cứ tích tụ dần trong cuộc sống của bạn, hãy tìm cách để được giải tỏa. Hãy ngủ đủ giấc, ăn uống hợp lý, luyện tập thể thao, và giải trí. Xác định các nguyên nhân gây ra căng thẳng trong cuộc sống và thay đổi những gì bạn có thể, chẳng hạn như cắt giảm danh sách “những việc cần làm”. Nếu bạn vẫn luôn cảm thấy lo lắng, hãy thử tham gia một lớp học yoga cho bà bầu, ngồi thiền hay các phương pháp thư giãn khác, có thể tham khảo ý kiến ​​của chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp.


Vậy nếu tôi không thể điều khiển tâm trạng của mình?


Nếu tâm trạng của bạn thay đổi kéo dài hơn hai tuần và dường như không thể cải thiện được, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn và xin giấy giới thiệu đến chuyên viên tư vấn. Bạn có thể là một trong số 10 phần trăm phụ nữ đang mang thai đang phải chiến đấu với chứng trầm cảm nhẹ đến trung bình trong suốt thai kỳ. Nếu bạn nhận thấy rằng bạn thường xuyên lo lắng và cảm thấy bất ổn, bạn có thể bị mắc một trong số loại rối loạn lo âu. Cuối cùng, nếu sự thay đổi tâm trạng của bạn diễn ra thường xuyên và với cường độ cao hơn, bạn có thể gặp phải tình trạng rối loạn lưỡng cực, khiến bạn có thể thay đổi đến chóng mặt từ giai đoạn trầm cảm tới hưng cảm.


Nếu bạn nghi ngờ rằng bạn có bất cứ dấu hiệu nào như trên, điều tối quan trọng là phải có sự trợ giúp từ các chuyên gia sản khoa trong việc điều trị trong khi bạn đang mang thai. Nghiên cứu cho thấy rằng các vấn đề về sức khỏe tâm lý nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng đến thể chất khỏe mạnh của bé, làm tăng nguy cơ sinh non và trầm cảm sau sinh. Cả hai phương thức là liệu pháp tâm lý và thuốc (lưu ý là khi dùng bất cứ loại thuốc nào trong thời kỳ mang thai đều phải hết sức thận trọng với sự tư vấn cặn kẽ của bác sĩ chuyên môn) có thể sẽ rất hiệu quả trong việc trị liệu các triệu chứng trên, để bạn và em bé của bạn luôn được khỏe mạnh trong thời gian mang thai và cả sau này.