Lần đầu tiên bạn cảm thấy cử động thai chính là thời điểm thú vị và tràn đầy cảm xúc. Từ nay, trong suốt 40 tuần thai, bạn có thể cảm nhận rõ mình có bạn đồng hành đáng yêu rồi.



Thật thú vị khi nghĩ về chuyện em bé loay hoay trong bụng, và bạn tự hỏi không biết em bé đang bận rộn làm gì ở trong đó?



Có thể bạn sẽ bắt đầu nhận thấy "ai đó" đang làm “điều gì đó” trong bụng mình ở khoảng 18 tuần đến 20 tuần của thai kỳ.


Nếu đây là lần đầu tiên bạn mang thai, bạn có thể mất một chút thời gian để nhận ra những rung động nhẹ nhàng trong bụng mình. Đó chính là những chuyển động đầu tiên của bé (thường được gọi là Quickening).


Nếu bạn đã từng mang thai rồi, chắc chắn bạn sẽ tinh nhạy hơn trong việc nhận biết cử động thai: những dấu hiệu chuyển động của thai nhi và bạn có thể cảm nhận sự di chuyển của bé xung quanh bụng mình rất sớm - khoảng 16 tuần.


Dù thế nào đi nữa thì trong trường hợp bạn không cảm thấy bất kỳ cử động thai nào khi bé đã 24 tuần thai thì bạn nên đi khám. Bác sĩ sẽ lắng nghe nhịp tim và nhịp sống của em bé bằng sóng siêu âm hay các xét nghiệm khác nếu cần thiết.


Con đang làm gì trong đó?


Phương pháp siêu âm thai cho phép chúng ta phát hiện và không thể tin được vào những kiểu cử động thai mà em bé có thể thực hiện ở trong bụng mẹ vào từng thời điểm. Ví dụ, bạn có biết là em bé bắt đầu di chuyển từ rất lâu trước khi bạn thực sự có thể cảm thấy những chuyển động ấy. Những chuyển động của bé ngày một thay đổi khi bé phát triển. Nếu may mắn, bạn đi siêu âm vào thời điểm em bé thức giấc và bạn có thể nhìn thấy mọi động thái luồn lách, vặn vẹo của con mình qua màn hình siêu âm. Ví dụ như thế này:


Vào lúc bảy tuần tới tám tuần tuổi, bé đã bắt đầu ngọ nguậy bằng cách uốn cong sang một bên và tạo ra những chuyển động nhỏ nhưng đột ngột (thật đáng ngạc nhiên ha).


Vào khoảng chín tuần, bé có thể nấc cục và di chuyển cánh tay và bàn chân nhỏ bé của mình. Bé cũng bắt đầu hút và nuốt nước ối.


Vào lúc 10 tuần, bé có thể di chuyển đầu, đưa tay lên để chạm vào khuôn mặt của mình, thậm chí là mở hàm rất lớn.


Vào lúc 12 tuần, bé có thể có những cú ngáp căng cả miệng trong bụng mẹ (suốt ngày chỉ ngáp với ngủ thôi).


Ở 14 tuần tuổi, bé có thể di chuyển đôi mắt của mình khá linh hoạt.


Lúc 15 tuần, bé đã có thể mút ngón tay cái của bàn tay nào bé ưa thích. Nếu bạn phát hiện điều này trong quá trình siêu âm, bạn có thể dự đoán tương lai bé thuận tay phải hay tay trái.


Dần dần, cử động của bé sẽ trở nên mạnh mẽ để bạn có thể cảm thấy rõ. Lúc đầu, bạn sẽ cảm thấy được những rung động nhẹ nhàng như kiểu bong bóng trôi nổi hoặc một cảm giác gợn sóng. Đôi khi bạn cảm thấy như thể sự chuyển động nhẹ như không khí trong bụng mình - nói chung là rất mơ hồ.


Không lâu sau, bạn sẽ thấy bé xoay mình, ngọ nguậy, và thậm chí còn đập mạnh tay hay đá chân vào thành bụng. Lúc này bé đang di chuyển bàn chân và bàn tay nhỏ của mình rất hiếu động.


Em bé sẽ không ngừng di chuyển, trừ phi bé cần nghỉ ngơi và ngủ. Đừng lo lắng nếu bạn không cảm thấy bé cử động nhiều trong quá trình siêu âm, bởi vì đó có thể là lúc bé đang say ngủ.


Đến cuối của thai kỳ, em bé sẽ nghỉ ngơi lâu hơn, thường sẽ kéo dài khoảng 20 phút hoặc hơn - có khi tới 50 đến 75 phút. Những lúc như thế này có thể bạn sẽ lo lắng vì bé chẳng cử động gì hết; nhưng thực chất bé đang ngủ rất ngon. Ngay cả khi chào đời bé cũng ngủ miết như thế đấy!


Những lúc như thế này, bạn có thể tự kiểm tra chuyển động thai bằng cách uống chút nước lạnh, ăn đồ ngọt hay nằm nghiêng (tùy hoàn cảnh) rồi chờ đợi dăm ba phút. Bạn sẽ thấy ngay bé lục đục dậy ăn hoặc phản đối vì mẹ để bé lạnh toát hay mẹ nằm nghiêng khiến bé khó chịu.