Các mẹ đang mang thai có tò mò về sự phát triển thai nhi bên trong tử cung không ạ?


Em mang bầu ở tháng thứ 5 rồi, đã bắt đầu cảm nhận được các cử động của bé con. Vì là con đầu lòng nên còn bỡ ngỡ nhiều thứ lắm các mẹ ạ! Lúc nào cũng tự hỏi ăn gì thì tốt cho con, hiện tại con đã lớn được bao nhiêu, con có thay đổi nhiều không. Mỗi lần đi siêu âm về, nhìn cân nặng của con em lại lo lắng không biết bé phát triển có bình thường hay không, có bị còi hay không…


Em thấy không chỉ riêng em đâu mà hầu như tất cả các bà mẹ lần đầu mang thai đều có cùng thắc mắc và lo lắng như thế. Theo như thông tin em tìm hiểu thì vào từng tháng tuổi thai nhi sẽ có sự phát triển cơ thể nhất định.


Để nắm rõ những mốc phát triển thai nhi và có cách dưỡng thai chuẩn nhất các mẹ nhất định phải thuộc nằm lòng những thông tin cơ bản này nhé!




Sự phát triển của thai nhi qua từng tháng tuổi


Thai nhi 1 tháng tuổi (4 tuần)



Thai nhi 4 tuần tuổi bắt đầu phát triển cấu trúc “tạo khuôn” cho mặt, cổ. Tim và các mạch máu đang trên đà phát triển. Phổi, dạ dày, gan mới bắt đầu hình thành.


Vào giai đoạn này mẹ cần lưu ý:


-Bổ sung vitamin


-Ghi lại mốc một hoặc hai kỳ hành kinh cuối của mẹ.


-Lập một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng dưỡng chất.


-Tập thể dục nhưng mẹ nhớ đừng tập quá sức.


-Tìm hiểu những loại thực phẩm mẹ cần tránh khi mang thai.


Thai nhi 2 tháng tuổi (8 tuần)



Thai nhi theo từng tháng tuổi lớn cỡ nào là câu hỏi nhiều mẹ bầu luôn thắc mắc. Mang bầu 2 tháng, lúc này con dài khoảng 2,5 cm, nặng khoảng vài gram (tương đương 1 trái nho Mỹ). Cơ thể bé cưng đã phát triển đầy đủ hơn. Mí mắt, tai đang thành hình. Tay và chân của bé đang dần dài ra, các ngón tay và ngón chân phát triển rõ ràng. Mẹ có thể nhìn thấy đầu mũi con trong ảnh siêu âm.


Những điều mẹ cần lưu ý:


-Đọc sách dành cho phụ nữ có thai.


-Uống nhiều nước.


-Tránh xa chó mèo, nơi ô nhiễm, áp dụng các biện pháp cải thiện chứng ốm nghén.


-Sắp xếp lịch và chuẩn bị cho lần khám thai đầu tiên (khoảng tuần 8- 12 của thai kỳ).


-Ngưng sử dụng mỹ phẩm chứa nhiều hóa chất độc hại.


-Mua áo ngực mới (loại áo dành cho bà bầu hoặc áo size lớn, mềm nhẹ).


-Khám nha sĩ.


Thai nhi 3 tháng tuổi (12 tuần)



Thai nhi 12 tuần có vóc dáng hoàn chỉnh và đang dần cứng cáp. Mẹ bắt đầu có những cảm nhận đầu tiên về sự hiện diện của con ở đầu tử cung (ngay phía trên xương mu). Ở lần khám thai định kỳ ở tuần 12, bác sĩ sẽ nghe tim thai và đo độ mờ da gáy cho con. Cơ quan giới tính của thai bắt đầu trở nên rõ ràng hơn.


Những điều mẹ cần lưu ý trong tháng này:


-Hạn chế làm việc nhà.


-Ăn nhiều trái cây và rau xanh.


-Đi dạo bộ, tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày.


-Rửa tay thường xuyên.


-Mua sắm quần áo cho bà bầu.


-Dưỡng ẩm bụng, hông và đùi để ngừa tình trạng ngứa, khô và rạn da.


-Tránh tắm nước quá nóng, tắm hơi, tập luyện quá nhiều.


-Siêu âm thai trong 3 tháng đầu đầy đủ.


Thai nhi 4 tháng tuổi (16 tuần)



Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng tuổi có sự khác nhau. Ở thời điểm 4 tháng, con to bằng một quả bơ, khá nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và hay bị nấc cụt. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng hít thở của bé đang dần hoàn thiện. Mắt bé có thể chớp. Tim cùng với các mạch máu đã được định hình. Các ngón tay và ngón chân của bé cũng đã có vân.Đầu tử cung bên dưới rốn tầm 4,5cm đã trở nên khá rõ ràng.


Những điều mẹ cần lưu ý:


-Tìm kiếm cho con một cái tên hay.


-Ngủ với tư thế nằm nghiêng, không được nằm ngửa.


-Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ trong ngày.


-Bổ sung canxi từ các loại thực phẩm hoặc sữa, viên uống…


Thai nhi 5 tháng tuổi (20 tuần)


Con nặng gần 300 gram, dài hơn 15cm. Tử cung của mẹ đã nằm ở ngang vị trí với rốn. Thai nhi hay mút ngón tay, ngáp, duỗi và cử động khuôn mặt. Mẹ cảm nhận được chuyển động nhẹ nhàng của con trong bụng.


Những điều mẹ cần lưu ý:


-Nhờ bố massage cơ thể thường xuyên.


-Tìm hiểu cách lấy hơi rặn đẻ…


-Trang bị kiến thức về triệu chứng và nguy cơ của tiền sản giật.


Thai nhi 6 tháng tuổi (24 tuần)


Cơ thể thai nhi đã phát triển đầy đủ các chức năng. Khuôn mặt phân hóa gần giống với lúc chào đời, đã đầy đủ lông mi, lông mày, tóc. Khi nghe mẹ nói chuyện hoặc các âm thanh từ bên ngoài, thai nhi có thể hiểu phần nào và phản hồi lại bằng cách chuyển động, quẫy đạp, tăng nhịp tim… Nói chung, bầu bì tháng thứ 4, 5, 6, mẹ có thể tham khảo kĩ mẹo dưỡng thai 3 tháng giữa để con phát triển an toàn, kịp đà tăng trưởng.


Những điều mẹ cần lưu ý:


-Kiểm tra thị lực của mẹ.


-Cẩn thận với chứng giãn tĩnh mạch.


-Chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc bị đau lưng thường xuyên.


Thai nhi 7 tháng tuổi (28 tuần)


Ở thời điểm 7 tháng, thai nhi nặng khoảng 1kg và thường xuyên thay đổi vị trí. Khi bước vào tuần thai thứ 28, mẹ cần hết sức cẩn thận vì thời điểm này nguy cơ sinh non là rất cao. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào bất thường phải đi khám ngay. Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng tuổi sẽ có những lưu ý quan trọng riêng nên mẹ cần trang bị kiến thức phù hợp giai đoạn.


Những điều mẹ cần lưu ý khi thai được 7 tháng:


-Lên kế hoạch sinh nở.


-Biết rõ các dấu hiệu sinh non.


-Làm xét nghiệm bệnh tiểu đường trong thời kỳ thai nghén.


-Chuẩn bị đồ đạc cho bé sơ sinh.


Thai nhi 8 tháng tuổi (32 tuần)


Con nặng gần 2 kg, thường xuyên di chuyển xung quanh trong bụng mẹ. Lớp mỡ mỏng hình thành dưới da giúp bé bớt bị nhăn da hơn. Từ thời điểm này cho đến khi sinh, thai sẽ đạt thêm nửa trọng lượng tương tự lúc chào đời. Ở tuần 32, mẹ có thể thấy chất lỏng màu vàng rỉ ra từ ngực, đó chính là sữa non.


Những điều mẹ cần lưu ý:


-Nằm ngủ gác chân lên gối để đỡ bị phù chân, đau nhức.


-Tham gia lớp hướng dẫn sinh nở.


-Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.


Thai nhi 9 tháng tuổi (36 tuần)


Con dài khoảng 47 cm, nặng khoảng 2,7 ký. Não phát triển rất nhanh. Phổi gần như hoàn thiện. Con đã quay đầu vào xương chậu. Ngày dự sinh của mẹ được ghi dấu vào ngày kết thúc tuần thứ 40. Ngày sinh được tính bằng cách sử dụng ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng của người mẹ. Do vậy, thai kỳ có thể kéo dài từ 38-42 tuần. Một số trường hợp hơn 42 tuần chưa sinh có thể do tính ngày dự sinh không chính xác.


Những điều mẹ cần lưu ý:


-Tìm hiểu kĩ những gì sẽ xảy ra với cơ thể mẹ trong những tuần cuối của thai kỳ.


-Giặt và để sẵn quần áo mới cho con.


-Thư giãn cơ thể để chuẩn bị cho trận “vỡ chum” sắp tới.


Trên đây là chi tiết về sự phát triển của thai nhi theo từng tháng tuổi và cách dưỡng thai chính xác tương ứng mà em đã tìm hiểu được chia sẻ cho các mẹ bầu nhà mình. Chúc các mẹ có 1 thai kỳ khỏe mạnh và sẽ vượt cạn thành công tốt đẹp nhé!