34 tuần, cái tin con mình đang ngôi thuận chuyển sang ngôi mông đối với tôi như tiếng sét ngang tai. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong vòng 6 tuần ít ỏi còn lại, nếu thằng bé không tự xoay người lại cho đúng vị trí, thì mẹ con tôi bắt buộc sẽ gặp nhau bằng phương pháp sinh mổ.





Đúng như tôi dự đoán, thằng con lì lợm nhất quyết không chịu xoay người trở lại. Có thể, tư thế chúi đầu xuống đất làm con khó chịu chăng, mà mới xoay đầu được 2 tuần thì nó hì hục quay trở lên? Vì tôi cũng không được cao to lắm, nên không gian trong bụng mẹ chật chội, khiến thằng lì trong bụng cảm thấy khó chịu, mỗi lần đạp là cái đầu bư của con thúc lên sườn, nhức nhối. Mẹ nằm thẳng, nằm nghiêng bên này, nghiêng bên kia, bạn ấy cũng khó chịu thấy rõ, cứ quơ quào tay, xoay tới xoay lui, nhiều khi thấy rõ cái mông bạn ấy chu ra đằng trước, tròn vo, cứng cáp, mẹ thọc lét cho lại lụi cụi xoay xoay giấu mông đi (sau này ra đời, thằng bé rõ là rất có máu buồn, mẹ cứ đưa ngón tay ra chưa kịp chạm vào con mà con đã cười nắc nẻ).



Niềm hi vọng con sẽ xoay đầu theo tôi đến hết hành trình thai kỳ. Các bác sĩ chắc cũng hi vọng nhiều hơn tôi thì phải, nên dù tôi đã rỉ ối, đau cơn co quằn quại, tử cung mở 7 phân rồi mà các bác sĩ vẫn không cho lên bàn mổ. Cho đến khi máy đo nhịp tim không báo âm vang tim thai nữa, các bác mới cuống cuồng sắp phòng,sắp giường chuẩn bị ca mổ bắt cái thằng con lì lợm của tôi ra ngoài. (May quá, chỉ là máy dò không đúng vị trí tim thai mà thôi).



Trên bàn mổ, cô nữ hộ sinh làm thủ thuật khám trong, rồi báo với bác sĩ: “Ngôi mông ạ, sờ thấy bàn chân em bé”. Lúc đấy, tôi chỉ mong con sẽ ra thật nhanh, bởi vì chắc có lẽ con khó chịu lắm rồi, muốn thò chân bước ra ngoài thế giới rộng lớn lắm rồi.



Nằm xụi lơ trên bàn đẻ, cảm nhận rõ thuốc tê lan xuống hai chân, khẽ chạm vào chân, cảm giác như chạm vào một người khác chứ không phải mình: chính xác là tôi cảm giác như mình chạm vào… một con heo đang bị xẻ thịt. Bên cạnh, cô bé nữ hộ sinh vẫn đều đều: “Bụng mỡ quá ạ, thành bụng dầy…”. Vâng, thì chả mỡ, hai con rồi, lên đến hơn chục ký rồi làm sao mà không mỡ được! (Thế quái nào lúc đấy không nhờ bác sĩ cắt bớt rẻo mỡ trước bụng đi, để đỡ phải hì hục tập thể dục giảm cân sau sinh).



Sinh nở là một chuyện kỳ diệu mà chỉ phụ nữ mới có thể "nếm trải" (Ảnh: Internet)




Trộm vía tỉ lần, thằng lì cất tiếng khóc đầu tiên chỉ sau khi mẹ bị chích thuốc tê khoảng 15 -20 phút. Nghe tiếng con khóc, tôi cứ nhẹ cả người, cảm thấy lâng lâng như ở thiên đường. (Sau này tôi mới biết, do hôm đó nhiều ca sinh mổ, phòng mổ bận suốt nên tôi cứ bị nằm chờ ngoài hành lang cho đến khi tử cung mở 7 phân không chịu được nữa, sắp sửa lên cơn rặn đẻ rồi thì các bác sĩ mới lôi vào phòng cho mổ).



Tôi nằm nghe tiếng lục bục bác sĩ khâu vết mổ, bụng bảo dạ: “Ôi, đẻ mổ sung sướng đến thế này chăng? Biết thế ngay từ đầu nhất quyết xin mổ cho xong. Kiểu này đẻ chục đứa cũng được, cứ lên bàn mổ nằm một lúc là xong chuyến vượt cạn”. Bốn tiếng đồng hồ nằm trong phòng hậu phẫu để phục hồi sinh lực, tuyệt nhiên tôi chẳng thấy đau đớn gì cả. Cơn buồn ngủ cứ thế kéo đến, tôi làm một giấc mấy tiếng đồng hồ trong phòng hậu phẫu, mặc xung quanh các bà mẹ khác sinh thường ở phòng kế bên đang rên, la hét thất thanh vì đau. Tôi nghĩ thầm: Thế mà mấy bà chị đồng nghiệp cứ dọa dẫm: sinh lần thứ hai đau gấp tỉ lần sinh lần đầu”.



Ra đến phòng trung chuyển (dành cho các mẹ mới sinh, nhưng chưa nhận được phòng), trong khi các mẹ sinh thường rên rỉ vì đau, thì tôi vẫn trợn mắt lên nhìn hết người này đến người khác, lòng hân hoan: sinh mổ thật ảo diệu, chả đau tẹo nào. Lúc này nhớ con quá, nhưng cả nhà giấu việc con tôi bị nằm phòng dưỡng nhi (do bị ngạt). Trong khi các mẹ vừa đau cơn co dạ con, vừa đau vết rạch, mà vẫn phải tập cho con bú để sữa mau về, tôi vẫn nằm ngủ ngon lành (do ảnh hưởng của thuốc tê chưa hết). Ôi thiên đường!



Giật mình tỉnh dậy, ôi thiên đường đâu mất rồi? Chỉ thấy đau là đau là đau. Cơn đau kéo đến dồn dập. rộn rã, cao trào, hình như là đang đau cái cơn đau dồn lại của mấy tiếng đồng hồ qua, của cả hành trình vượt cạn. Cầm tinh con trâu mà tôi cũng phải bật tiếng rên rỉ, đau đến chảy nước mắt (chứ không phải khóc vì đau đâu nhé). Ròng rã 3 ngày như thế, cứ truyền thuốc giảm đau rồi hết thuốc là lại đau. May quá, con vẫn nằm phòng dưỡng nhi, nếu không tôi không biết xoay sở ra sao.
Nếu bạn đang nghĩ rằng sinh mổ là một lựa chọn tốt nhất, đỡ đau nhất, vùng kín đẹp nhất, giờ sinh hoàn hảo nhất… thì bạn đã nhầm rồi. Người tính không bằng trời tính, và có lẽ bạn cần phải biết một số điều quan trọng trước khi lựa chọn sinh mổ.