Mẹ Pi mới sinh Pi được hơn 2 tuần, lanh chanh vào đây mở tầng 2 cho nhà mình (tầng 1 mình lang thang mãi mòn cả mông rồi hihi). Không biết thủ tục hành chính ra sao nên mình xin lỗi Mod trước nhé.


Link tầng 1 đây ạ: http://webtretho.com/forum/f92/nhat-ky-ngay-vuot-can-80428/


Chúc các mẹ chuẩn bị sinh mẹ tròn con vuông và cùng chia sẻ thật nhiều kinh nghiệm, hỷ, nộ, ái, ố trong những ngày trọng đại này :LoveStruc:


Còn đây là nhật ký vượt cạn của mình, chia sẻ cùng các mẹ...


Ai đã cho tôi bầu trời?


Đàn ông đi biển có đôi


Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình?!


36 tuần vài ngày…


Bố: em yêu cố gắng chờ anh đi làm đúng một tuần về rồi hãy sinh nhé, không thì anh sẽ ân hận cả đời mất…


Mẹ: em không biết đâu, linh cảm là tuần sau đi đẻ rồi, chắc phải gọi bà ngoại bay vào sớm thôi…


Bố - gọi điện cho đồng bọn ở bên Thái: mày sang thay tao đi làm đi, vợ tao sắp đẻ rồi lo lắm – Yên tâm đi, có khi vợ mày hơn 40 tuần vẫn còn chưa đẻ ấy, con tao đang ốm nên muốn ở nhà thêm một tí – ok, take care nhé.


Vậy là bố đã đi làm vào những ngày cận kề Pi của mẹ ra đời. Mẹ lo lắm nhưng vẫn nhơn nhơn ra không thèm chuẩn bị gì cả. Vì gì thì gì cũng phải chờ papa về rồi mới sinh…


Bà ngoại được điều động vào sớm 3 ngày so với dự định. Mẹ kịp đưa bà đi siêu thị mua sắm nốt những gì còn thiếu để chuẩn bị đón Pi ra đời.


37 tuần 3 ngày….


Bà ngoại ơi, hình như rỉ ối rồi. Thôi kệ để đó theo dõi thêm cái đã, gì thì gì cũng phải chờ papa về đã Pi ơi…


37 tuần 4 ngày, 19 tháng 11 năm 2009….


Bà ngoại ơi, lại tiếp tục ra nhiều hơn ối hơn rồi, không liều mạng được nữa vào viện thôi. Mẹ kịp nhắn cho papa vài dòng offline rằng thì là có khi mẹ đi viện rồi nhập viện luôn đó. Y như rằng vừa đến viện thì nữ hộ sinh đã điều mẹ thẳng lên nằm phòng chờ sinh đặt monitor theo dõi cơn gò và nhịp tim rồi, khỏi cần làm thủ tục nhập viện. Ai cũng bảo mẹ sao liều, lì thế không chịu đến viện sớm…


Mẹ vẫn còn nhởn nhơ cho đến khi nữ hộ sinh thử quỳ và kết luận đúng là bị rỉ ối rồi. Kệ, rỉ thì rỉ chứ đã đau bụng đâu mà lo. Bác sĩ đỡ đẻ cho mẹ chiều mới vào văn phòng nên bác sĩ trực khám cho mẹ. Rỉ ối hả? Cổ tử cung vẫn cứng quá. Đặt thuốc nhé, truyền kháng sinh nữa nhé. Chuẩn bị đẻ đi thôi. Mẹ mếu máo – bác sĩ ơi nếu giục sinh thì bao giờ em đẻ ạ? - “Vài tiếng nữa hoặc cùng lắm là chiều tối nay thôi”. Vậy thì 2 ngày nữa hãy cho em giục sinh được không ạ? – Sao thế? – Dạ, tại em muốn chờ chồng em 2 ngày nữa mới đi làm về. Thế là bác sĩ cáu, bác sỹ bảo nữ hộ sinh đặt thuốc cho mẹ không lằng nhằng gì hết…


Rốt cuộc, mẹ vẫn rất bình tĩnh vì dường như thuốc của bác sĩ chưa có hiệu lực ngay, và mẹ vẫn còn hy vọng là có thể đêm nay mẹ vẫn chưa đẻ, có khi kéo dài đến mai, ngày kia – ngày bố có thể về để cùng vượt cạn cùng 2 mẹ con mình. Mẹ bảo bà ngoại về nhà nghỉ ngơi sau khi làm thủ tục nhập viện. Khi nào mẹ đau, mẹ sẽ gọi bà rồi bà mang đồ cho 2 mẹ con mình vào luôn. Mẹ ở phòng chờ sinh xoay sở một mình với cái bụng kềnh càng kèm theo đống dây nhợ lằng nhằng phiền phức mỗi khi muốn đi toilet.


Việc cần làm trước tiên bây giờ là thực hiện một cú điên thoại. Mẹ gọi cho FSM – Field Services Manager của bố. “Vũ hả, Hải, bà xã anh Hải nè. Nhờ Vũ nhắn giúp anh Hải là Hải đang nằm chờ sinh rồi, bị rỉ ối” – “Ok, thế có muốn anh ấy về luôn hay như nào không….” – “…Không, chỉ cần nhắn vậy thôi để anh ấy tự thu xếp”...Mẹ biết rõ là papa không thể về được vì 1 tuần chỉ có 2 chuyến trực thăng vào thứ Tư và thứ Bảy. Hơn nữa lại không có người ra thay nên mẹ không muốn bố phải quyết định gì vào lúc này. Có lẽ vì thế mà những giọt nước mắt đầu tiên của mẹ trong ngày trọng đại này bắt đầu rơi. Mẹ như nghẹn lại vì lúc này mẹ mới ý thức được rằng có thể mẹ sẽ phải “vượt cạn mồ côi một mình”…


Cuộc trở về ngoạn mục


Cuối cùng bố cũng gọi cho mẹ. Cuộc gọi đầu tiên thật là u ám vì cả 2 bố mẹ đều chẳng biết nói gì ngoài việc trao đổi thông tin về tình hình 2 mẹ con. Bố cố gắng nói vài câu động viên mẹ nhưng mẹ không thể nghe ra đó là những lời lẽ động viên tinh thần. Có ai đủ bình tĩnh để nói lời động viên vợ ở nhà ráng đẻ một mình ngoan nhé không?....


Rồi cuộc gọi thứ 2, thứ 3, 4… của bố lần lượt mang lại niềm vui và hy vọng cho mẹ khi bố nói rằng đang chờ sếp approve việc điều trực thăng ra đón bố về. Mẹ nghĩ đến ông sếp một vợ 4 đứa con nheo nhóc của bố và thầm hy vọng rằng ông ta sẽ hiểu thật sâu sắc tình cảnh này. Cuối cùng, bố đã confirm với mẹ là 6h pm cùng ngày bố sẽ có mặt tại Sài Gòn. Mẹ chỉ còn một việc là cố gắng trì hoãn cái việc sinh nở này lại đợi đến khi bố về thôi. Đây quả là một phép màu, một chuyến bay ngoạn mục nhất mà có lẽ cả mẹ, bố và các đồng nghiệp của bố mới thấy từ trước đến giờ. Cám ơn các đồng nghiệp của bố đã nhiệt tình giúp đỡ và động viên 2 mẹ con trong thời khắc khó khăn này….


Cầu được ước thấy…


Y như mong muốn của mẹ, mặc dù đặt thuốc giục sinh, cơn gò đều đặn 4 cơn/10 phút đẹp vô cùng mà mẹ vẫn chưa thấy đau và cổ tử cung vẫn khép kín không suy chuyển gì cả. Mẹ mừng lắm, enjoy cái giường trong phòng chờ sinh và cái máy monitor lắm lắm. Cứ từ từ con nhé, chờ papa về rồi hãy ra con yêu của mẹ nhé. Mẹ nằm từ sáng đến trưa, đói lăn lóc và được chỉ định cho ăn sau lần khám cuối cùng của nữ hộ sinh. Mừng quá, mẹ cứ nằm mơ đến đủ thứ món ăn từ sáng đến giờ. Có ai đi đẻ mà vẫn háu ăn như mẹ không? Sao tự nhiên cứ đói lả ra thế này??? Miếng ăn đến miệng thì mẹ nhận được tin sét đánh. Bác sĩ Đức – bác sĩ mẹ book đỡ đẻ cho 2 mẹ con chỉ đạo từ xa rằng không ăn uống gì hết, đến chiều mà không biến chuyển gì thì sẽ chỉ định mổ. Lúc này, mẹ chỉ thấy ấm ức rằng thế là không được ăn uống gì mà lại phải nhịn đến chiều mà chưa ý thức được rằng một cuộc …bể dâu đang chờ đợi mẹ ở phía trước…


Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc…


Mẹ chuẩn bị kỹ lắm. Đi học lớp tiền sản ở tận bệnh viện Hùng Vương (mỗi lần đi – về taxi cũng đã mất toi 200k của bố  ), rồi cùng papa đi học ở Pháp Việt nữa. Mục đích duy nhất là để phục vụ cho việc sinh thường. Mẹ cứ đinh ninh là mẹ sẽ sinh thường khi Pi quay đầu từ tuần thứ 28, 2 mẹ con khỏe mạnh phát triển bình thường cho đến cận ngày sinh. Bác sĩ cũng nói mẹ sẽ sinh thường nên mẹ chẳng hề tìm hiểu sinh mổ nó ra ngô khoai làm sao cả. Từ bé đến giờ mẹ chưa bao giờ phải nằm bệnh viện huống hồ gì đến việc truyền dịch hay đụng dao kéo vào người. Thế mà giờ mẹ phải đối mặt với việc sẽ phải sinh mổ. Thật ra lúc đầu nghe tin, mẹ chẳng bận lòng nhiều vì mẹ chỉ đơn giản nghĩ là việc gì nếu có bố bên cạnh mẹ thì sẽ ổn thỏa hết. Đã vậy bác sĩ cũng chưa khám trực tiếp cho mẹ nên mẹ vẫn yên chí lắm. Có khi đến mai mới đẻ ấy chứ. Ừ, chẳng có ai “ngây thơ vớ vẩn” như mẹ đâu, đến đít rồi mà vẫn còn mù mờ như thế đấy. Mẹ cứ chờ mòn mỏi bác sĩ xuống khám cho mẹ trong suốt buổi chiều mà chẳng thấy bóng dáng bác đâu cả. Rồi tự nhiên đến 5h pm, một nữ hộ sinh nói bác sĩ kêu chị ấy làm vệ sinh và đặt ống thông tiểu cho mẹ để chuẩn bị vào phòng mổ. Lúc này đây mẹ mới biết là có bão rồi. Mẹ nhất định không chịu, đòi gặp bác sĩ trực tiếp, khóc lóc các kiểu. Chẳng hiểu sao nữa. Có lẽ mẹ chưa biết sợ mổ bằng việc sợ là sẽ không được gặp bố trước lúc này. Giờ này tàu cánh ngầm còn chưa cập bến, làm sao mẹ đi mổ được. Chẳng giống như những bà mẹ đi sinh khác – luôn mong sớm được gặp con – mẹ lại chẳng nghĩ gì đến chuyện đó ngoài việc muốn gặp bố hơn lúc nào hết, hơn thứ gì ở trên đời vào lúc này. Mẹ khóc giàn dụa nước mắt đến độ bác sĩ phải gọi điện trong phòng phẫu thuật ra nói chuyện với bà ngoại. Đại thể là bác ấy đang online sẵn chiếm phòng mổ rồi, vào mau thôi để còn kịp bắt con ra vào giờ đẹp nếu không phòng mổ bị chiếm và phải chờ mòn mỏi không biết đến lúc nào…Bác sĩ hứa là sẽ khám lại cho mẹ theo như mẹ yêu cầu. Đến nước này thì mẹ đành nhắm mắt đưa chân phó mặc cho số phận. Mẹ bị chuyển từ giường chờ sinh sang giường khu phẫu thuật. Mẹ bị đẩy đi thật nhanh mà chẳng kịp nhìn hay nói với bà ngoại tiếng nào. Chẳng có người nhà nào bu quanh giường bệnh đưa mẹ vào phòng mổ như trong phim mẹ vẫn hay thấy. Mọi thao tác của các nữ hộ sinh/y tá đều thật nhanh gọn, chính xác và lạnh lùng. Mẹ bị đẩy đi với 2 dòng nước mắt vẫn còn lăn dài trên 2 khóe mắt….


Trùng phùng…


Vừa vào đến phòng sinh, e kíp mổ đã vật mẹ ra như một con heo để làm vệ sinh, làm công tác gây mê và bác sĩ thì quên luôn lời hứa là sẽ khám lại cho mẹ. Mẹ thật là ngu vì đã tin vào điều đó. Có ai vào phòng phẫu thuật để khám bao giờ đâu. Mẹ có cảm giác mẹ như một con thú bị vật ra giết mổ. Mẹ nghẹn đặc cả cổ họng không thốt được lời nào với ông bác sĩ vui tính cùng e kíp mổ rộn ràng xung quanh. Mẹ muốn thét lên một tiếng kêu cứu mà nồng ngực như bị bóp nghẹt, cổ họng căng cứng. Họ giữ mẹ ngồi thẳng lưng để gây tê, rồi đặt mẹ nằm với một tấm vải ngăn giữa phần bụng và ngực. Toàn thân từ phía lưng hông trở xuống bỗng trở nên nhẹ bỗng và ấm áp vô cùng, mẹ không nhấc được chân lên nữa nhưng vẫn có cảm giác người ta đang làm vệ sinh phần bụng, cái bụng mẹ vẫn nhún nhảy trước sự tác động lực từ bên ngoài. Chết rồi, nhỡ đâu mình vẫn đau thì sao? Lúc này bản năng….sinh tồn đã khiến mẹ thốt lên một câu “bác sĩ ơi em vẫn cảm giác ở bụng”. Ngay sau đó là một loạt nhưng lời giải thích và động viên làm mẹ yên tâm phần nào. Cuộc mổ bắt đầu bằng những câu chuyện tán phét trên trời dưới biển của e kíp mổ. Toàn bộ nửa thân trên của mẹ rét run và 2 tay mẹ rung như cái máy rung, hai hàm răng nghiến chặt lại – có lẽ một phản ứng của cơ thể khi các cơ quan bị lạnh và 2 hàng nước mắt vẫn tuôn xối xả. Không hiểu sao nước mắt ở đâu mà nhiều thế và mẹ cũng không rõ lý do gì mà mẹ lại khóc nữa. Sắp được gặp con đến nơi rồi mà. Rồi mẹ cảm nhận được người ta đang bóc con ra khỏi bụng mẹ trong tiếng máy hút dịch xẹt xẹt. Có người ấn lên bụng mẹ để cho con mau ra. Sau cùng, mẹ nghe tiếng con khóc oe oe lẫn với lời conment của bác sĩ: giời ơi, chân bị cuốn dây mấy vòng nhé, đẹp trai quá, mũi cao quá…6 giờ 04 phút nhé. Y tá đưa con cho mẹ nhìn được 2s rồi lại đưa đi ngay. Mẹ chỉ kịp thấy con đỏ hỏn với một lớp ngây trắng bọc lấy toàn thân rồi họ đưa con đi mất dạng. Nhanh thế thôi sao? Vèo một cái mẹ đã được thấy con rồi sao? Mẹ vẫn ngơ ngác với cảm giác rét run và hai cánh tay đang co giật liên hồi. Sau cùng, mẹ cũng biết rằng mẹ đang muốn gì. “BAO GIỜ MẸ MỚI ĐƯỢC GẶP CON” và “CON TRAI TÔI NẶNG BAO NHIÊU KG” là 2 câu hỏi mẹ muốn hỏi y tá ngay lập tức mà cổ họng vẫn như đóng đinh, mẹ không thể nào thốt lên lời, như là miệng bị khâu kín và mẹ thì cứ nỗ lực mãi để thoát ra khỏi sự câm nín ấy. Biểu hiện duy nhất mà nữ hộ sinh/y tá chăm sóc mẹ có thể thấy lúc này vẫn là 2 hàng nước mắt. Họ có thể chăm sóc cơn đau hay cơn rét của mẹ chứ nào có thể làm gì để ngăn những dòng nước mắt của bệnh nhân?


Suốt 2 tiếng nằm trong phòng hồi sức, y tá phải liên tục lau nước mắt cho mẹ và nói với mẹ rằng “mẹ tròn con vuông rồi còn khóc gì nữa nào”….Có chị nằm hồi sức bên cạnh mẹ thấy vậy hỏi mẹ rằng “chị đau lắm hả” mà mẹ vẫn cứ như người câm không thốt lên tiếng nào. Mẹ sợ chỉ cấn hé họng ra thì mẹ sẽ khóc nức nở thành tiếng mất. Trong đầu mẹ cứ nhắc đi nhắc lại câu hỏi “con tôi đâu, con tôi nặng bao nhiêu kg”. Mẹ uất lắm vì sao mẹ lại là người sau cùng được gặp con? Bà ngoại và ba con ngoài kia có biết mẹ đang nằm đây và mong con như thế nào không…..Mẹ còn phải nằm đây bao lâu nữa trong khi các cơn co giật vẫn hầu như không giảm cho đến khi y tá tăng cường thiết bị sưởi cho mẹ. Rồi, có lẽ như đọc được suy nghĩ trong ánh mắt mẹ, chị y tá nhẹ nhàng đến thủ thỉ với mẹ rằng “con chị nặng 3,3kg nhé, con trai nhé, mọi thứ đều tốt nhé…” Mẹ khẽ mỉm cười trong làn nước nhòe nhoẹt. Giờ mẹ mới hiểu là có lẽ sau khi trải qua một cuộc…”bể dâu” thì khóc là điều người ta có thể dễ hiểu nhất.


Ai đã cho tôi bầu trời?


Ngay từ khi gặp con, mẹ đã yêu con vô điều kiện. Không hẳn là yêu mà còn là thương, là đau nữa. Bao nhiêu cảm xúc pha trộn làm cho 5 đêm liền trong bệnh viện mẹ hầu như không ngủ, chỉ nằm ngắm con rồi lại thiếp đi cho đến khi nghe tiếng con hơi ọ ẹ là mẹ lại tỉnh. Pi của mẹ đẹp như một thiên thần, Pi của mẹ làm mẹ đau quá, thương quá….Pi ơi. Ngắm con suốt ngày như thế nên mẹ có thể kết luận như đinh đóng cột rằng con giống papa như tạc. Mẹ tự hào lắm vì đã sinh Pi cho papa, để papa thành BIG DADDY từ giờ phút này.


Ngay sáng hôm sau mẹ đã cố gằng ngồi dậy cho con tập ti mẹ, rồi đến hết ngày thứ 2 là mẹ đã đứng dậy đi lại thay tã cho con, cho con ti bình/ti mẹ rồi. Nhà neo người, có mỗi bà ngoại và bố thay nhau chăm sóc mẹ và con cả ngày lẫn đêm nên có những lúc 2 mẹ con vẫn tự chăm nhau ở bệnh viện vì bố phải chạy đi chạy lại chuẩn bị dọn dẹp cho con ở nhà, chờ ngày đón con về còn bà ngoại tự nhiên bị đau mắt nên không muốn ở viện lâu với mẹ con mình.


Ngày mai, con trai mẹ đã được tròn 2 tuần. 2 tuần con cho mẹ biết thế nào là hạnh phúc, thế nào là niềm đau, thế nào là nỗi lo lắng cho một sinh linh bé nhỏ - một kết cục thăng hoa của tình yêu giữa bố và mẹ, một thiên thần non nớt thơm phức một mùi thơm đặc biệt mà chỉ biết mỗi khóc đi đói, đi tè hay đi ị và ngủ thôi. Hai tuần nhưng cả một bầu trời mở ra trước mắt bố mẹ, cả một tương lai đầy thử thách, sự tin tưởng lẫn hoài nghi. Nhưng, sau cùng mẹ tin rằng trong bầu trời ấy, bố, mẹ và con sẽ luôn luôn bên nhau như những ngôi sao trong một chòm sao. Hôm nào trời trong thì chòm sao sẽ tỏa sáng, còn trời nhiều mây thì đơn giản chỉ là một ngày u ám thôi, còn chòm sao đó vẫn luôn ở đó, VĨNH CỬU và THỦY CHUNG…


Mẹ yêu con, con trai của mẹ.