Tôi mất con ở tuần thứ 10, hoàn toàn bất ngờ và đau đớn. Sau cú sốc đó, tôi bàng hoàng nhận ra mình phải tiếp tục cố gắng để mang thai một lần nữa. Đó là những ngày dài, rất dài…




1.


Đau lòng. Dù đã từng có thai, nhưng không có gì chắc chắn rằng mình sẽ mang thai một lần nữa. Sự mong chờ lần này không còn háo hức hay vui vẻ, mà có một cái gì đó cứ đè nặng trong lòng. Cố gắng để có con, chuyện vợ chồng giống như nghĩa vụ. Làm sao có thể vui vẻ hay tận hưởng khi trong đầu cứ ong ong câu hỏi: “Liệu lần này có dính?”. Rồi phải chờ đến hai tuần để biết mình đã thành công hay không… Sự lặp đi lặp lại của chu kỳ đợi chờ đã hành hạ trái tim mình mỗi ngày…



2.


Thử thai, ồ, hai vạch. Sự phấn khích đột ngột chuyển thành thờ ơ không báo trước, không có sự chuẩn bị. Lạ thật chứ: hai vạch hiện lên, tôi không nhảy nhót điên cuồng để vui mừng; tôi chỉ đứng đó, nhìn trân trối, nghi ngờ. Tôi không thực sự tin rằng mình đã thành công một lần nữa. Thế nhưng, ngay sau khi nhận ra mình thật sự đã mang thai, nỗi sợ hãi bỗng xâm chiếm tâm can. Mình phải vượt qua một lần nữa, và không được dừng ở nửa đường! Mình phải làm được, cố lên, mình sẽ làm được…






3.


Trái tim tội nghiệp của tôi cứ phập phồng lo sợ chuyện kinh khủng kia sẽ đột ngột ập đến mà không báo trước; mặt khác nó cứ bắt tôi kiểm tra xem có máu trong quần lót hay không. Mỗi lần đi vệ sinh là một trải nghiệm đáng sợ, cứ như vết máu ám ảnh kia sẽ chình ình ở đó, tiếp tục hủy hoại mình thêm một lần nữa... Mỗi khi nhìn xuống, tôi luôn chuẩn bị tinh thần để đón nhận vết máu kia mà không thể bắt mình dừng lại được. Tôi cứ phải để mình sống với ám ảnh như thế...



4.


Ốm nghén khó chịu vô cùng, nhưng bây giờ đó là điều rất đáng mong chờ. Những trận nôn khan với dạ dày cuộn lên từng đợt khiến tôi yên tâm là mình vẫn đang mang thai. Có những lúc bình yên, tim tôi lại quặn thắt: trời ơi sao tôi không nghén nữa? Có phải con tôi đã mất rồi không?


Khi những cơn buồn nôn kéo nhau quay lại, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng và thầm cảm ơn trời đất...



5.


Những người khác ái ngại nhìn tôi, như thể thắc mắc: tại sao tôi lại mang thai một lần nữa? Có gì đáng ngạc nhiên đâu chứ? Tôi hoàn toàn không quên hay bỏ qua nỗi đau và sự mất mát khi mất đứa con đầu. Tôi vẫn nhớ, thậm chí nhớ đến ám ảnh bản thân.


Nhưng họ sẽ không làm tôi từ bỏ khao khát có một đứa con; tôi sẽ làm được. Tôi tin vào chính mình, tôi tin vào con.



6.


Tôi thèm, thèm đến phát điên cảm giác cảm nhận được sự di chuyển của con trong bụng. Đúng rồi, chưa đến giai đoạn ấy đâu, bác sĩ đã bảo như thế, nhưng tôi vẫn thèm quá. Mọi chuyện vẫn ổn, bác sĩ bảo như thế, nhưng giá như cảm nhận được sự sống trong người thì tôi sẽ chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ ổn hơn...



7.


Rồi cũng đến lúc con “quậy” trong bụng. "Mẹ đã chờ rất lâu mới đến được lúc này đó con à!". Nhưng không hiểu sao, ngay sau cảm giác “mọi chuyện đang ổn”, tôi lại thấy sợ hãi như thế chứ? Có lẽ tôi lại tự hành hạ mình rồi; tôi tự bảo mình rằng nếu một ngày nào đó, những chuyển động, đấm, đá của con ngừng lại… tôi làm sao sống nổi.



8.


Tôi bị ám ảnh về sự chuyển động trong bụng mất rồi; cứ vừa mong nó diễn ra, vừa sợ hãi rằng nó sẽ dừng lại...



9.


Lại sắp đi khám định kỳ, tôi cảm thấy lo lắng. Đi khám có thể khiến tôi yên tâm nhưng một lần đi khám nào đó sẽ trở nên đáng sợ nếu bác sĩ thông báo tin xấu. Tôi có đủ sức chịu đựng một “tin xấu” nữa không nhỉ?




10.


Nhớ lúc trước mỗi lần nhìn thấy một người mang thai, tôi chỉ hơi ngạc nhiên và rồi lại cười chào thân thiện, một dạng sẻ chia với nhau giữa những bà mẹ. Bây giờ thì khác: tôi cảm thấy khó chịu, bực bội, hơi muốn giận, lại có chút ghen tị. Trong lòng tôi vẫn còn một nỗi đau mất mát khi mang thai; còn người phụ nữ kia, hẳn họ đang hạnh phúc, đang vui một niềm vui trọn vẹn. "Thật không công bằng với mình!!!".



11.


Mỗi ngày, một cảm giác mới lại đến và đi. Tâm tính tôi thay đổi thất thường, thất thường hơn cả lần trước. Có lúc tôi mềm oặt trước áp lực và thử thách lớn lao của ông trời, có lúc tôi muốn xù lông lên để bảo vệ con. Có khi tôi sung sướng đến phát khóc, có khi lại sợ hãi đến nỗi chực ngã quỵ. Tôi cứ lạc quan, thận trọng, thoải mái, rồi lại nghĩ vẩn vơ, sợ hãi... Chắc tôi bị rối loạn cảm xúc rồi. Lúc này tôi có thể chịu được một mình, nhưng những ngày dài sau này thì sao?



12.


Đâu phải ông chồng nào cũng vô tâm đúng không nhỉ? Tôi tự nhủ với mình một ngàn lần rằng, hãy nói ra đi, hãy chia sẻ cảm xúc của mình với chồng để được chia sẻ. Nhưng cứ ngập ngừng mãi, liệu chồng có hiểu những rối rắm phức tạp trong lòng tôi bây giờ? Có phải anh ấy đã quá mệt mỏi với công việc bên ngoài và sẽ không đủ sức lắng nghe tôi nữa?



13.


Nghĩ lại, tần suất đến bệnh viện của tôi thật là kỷ lục: hơn 10 lần đến phòng khám và hơn 20 lần đến phòng cấp cứu trong suốt 37 tuần mang thai. Nhưng chẳng thà thế còn hơn là ngồi nhà ôm nỗi bất an. Bác sĩ sẽ giải quyết các vấn đề (nếu có) cả về cơ thể lẫn tâm lý.




14.


Thật khó để tập trung, tôi luôn bị phân tâm. Có lẽ những bà bầu khác cũng vậy, tôi cũng từng như thế này, nhưng lần này mức độ lơ đãng nghiêm trọng quá rồi. Thật khó để tập trung nghĩ gì đó, làm gì đó, nói gì đó mà không chợt nghĩ đến “khoảng trống mất mát” trong lòng.



15.


Mối liên kết với con đã ngày một rõ ràng. Mình vừa hạnh phúc vừa lo sợ. Nhưng chẳng lẽ bất hạnh đến những hai lần? Tôi là mẹ, không thể chối bỏ sự thật là tôi đã cảm nhận được con từ rất lâu rồi. Tôi ước gì nỗi sợ hãi đang treo lơ lửng trên đầu không khiến mình mất mát một lần nữa.



16.


Nỗi sợ hãi cũng ngày càng lớn: mỗi ngày nỗi sợ có một hình dáng khác nhau; càng gần đến ngày sinh, nỗi sợ hãi càng lớn. Mọi chuyện có còn trong tầm kiểm soát của tôi?



17.


Chấn thương về quá khứ mất mát đã làm nỗi sợ hãi trở nên quá lớn khiến mẹ mất kiểm soát. Mẹ xin lỗi con, ngàn lần xin lỗi con. Bác sĩ đã kéo mẹ về thực tại. Mẹ sẽ dũng cảm, thật dũng cảm để bảo vệ con.



18.


Thời gian sao mà trôi qua c h ậ m thế này chớ? Có lúc thời gian dường như đứng im một chỗ. Giống như mình vô tình ấn nút “PAUSE - TẠM DỪNG” trên mọi thứ và nặng nề chờ ngày sinh tới.




19.


Nghĩ tới chuyện sinh nở đầu óc lại quay cuồng, có lẽ là tôi đang lo sợ. Hi vọng mọi chuyện đều suôn sẻ.


20.


Ôm con trong tay là trải nghiệm tuyệt vời nhất mà mẹ từng trải qua. Vậy là đã kết thúc chuỗi ngày lo sợ, tự hù dọa mình. Nghe tiếng khóc của con hòa với nhịp đập tim mình, mẹ nhận ra, mất một đứa trẻ là nỗi đau quá lớn, quá kinh khủng cho bất kỳ ai. Thật may là mẹ đã giữ được con bên mình, sau nỗi đau trước.


<<< Mang thai, chuẩn bị sinh