Đó là một trải nghiệm đáng nhớ và đau khổ của tôi khi lần đầu tiên được làm mẹ. Vào trong viện, tôi còn gặp bao cảnh đời éo le khác...



Sự kiện đó đã qua với vợ chồng tôi được gần 2 tháng. Giờ đây, tôi mới có đủ dũng cảm và không chảy nước mắt để gõ lại những dòng ký ức buồn này. Tôi biết, cảm xúc của tôi cũng giống như rất nhiều bà mẹ không thể giữ được con khác. Nhưng rồi vết thương sẽ lành, chúng ta phải hy vọng vào tương lai ở phía trước.



Lấy nhau được gần 2 năm, thời gian đầu kế hoạch, sau đó vì điều kiện công tác, phải mất hơn 1 năm tôi mới có bầu. Đó là một điều vô cùng bất ngờ với 2 vợ chồng. Tôi - không còn quá trẻ nhưng lại vô cùng non nớt, ngố tàu khi biết trong người mình có 1 sinh linh bé bỏng đang lớn.



Tôi không bị nghén, không bị thèm ăn thứ gì, sinh linh bé bỏng ấy bắt đầu quá trình tự nhiên của mình trong cái bụng béo của tôi: 7 tuần để làm ổ trong tử cung, 9 tuần để có những nhịp đập đầu tiên của trái tim. Mọi chuyện diễn ra bình thường, cho tới 12 tuần - thời điểm được coi là quan trọng đầu tiên xác định về các dị tật.



Cũng giống như nhiều bà mẹ mang bầu, tôi cũng lên mạng, nhờ người quen, hỏi han người có kinh nghiệm để lựa chọn cho mình một phòng khám để khám thai định kỳ. Khám tại phòng khám thuận tiện ở chỗ mình có thể đặt lịch (tuy vẫn phải chờ đợi), gặp được bác sĩ tốt, được tư vấn tận tình. Điểm bất lợi khác thì là vấn đề kinh phí (phòng khám thường khá đắt so với bệnh viện).



Theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, vào tuần thứ 12, tôi đi siêu âm và khám thai tại phòng khám đã lựa chọn. Hôm đó là ngày thứ 7 nên phòng khám khá đông đúc. Dù hẹn trước nhưng tôi cũng phải chờ gần 2 tiếng mới tới lượt siêu âm. Trong thời gian chờ, tôi ngồi "tám" với các bà bầu xung quanh. Đa phần các chị đều là "tập 2", kinh nghiệm lắm, tôi nghe đủ chuyện, từ chuyện có chị mong con trai như thế nào đến chuyện có chị lặn lội từ Cao Bằng xuống vì bác sĩ siêu âm nhầm...



Em bé trong bụng tôi còn quá bé, tôi chỉ cười khi mọi người hỏi han mình và luôn nói, em chỉ mong con em khỏe mạnh, bình thường, chứ trai, gái gì đều vui vẻ cả...



Tuần thứ 12, tôi siêu âm 4D để xem các chỉ số liên quan tới thai nhi, đặc biệt nhất là xem về độ mờ da gáy của em bé có vượt qua tiêu chuẩn cho phép hay không vì nó liên quan tới việc NST số 21 bị lỗi dẫn tới bệnh down như thông tin tôi có được.



Bác sĩ siêu âm cho tôi rất ân cần hỏi han về quá trình mang thai, ngày cuối của kỳ kinh để xác định tuổi thai... 5 phút trôi qua, nét mặt bác sĩ khá căng thẳng, tôi thì vẫn giữ tâm trạng thoải mái...



Bỗng nhiên, bác sĩ siêu âm hỏi: "em có bị cúm trong khi mang thai không", tôi trả lời: "dạ, không ạ, em bình thường". Bác sĩ hỏi lại: "đúng là không bị cúm chứ, thai của em không tốt"... Tôi vẫn khá bình tĩnh, nằm im và trả lời: "dạ, vâng ạ, em khỏe mạnh bình thường ạ. Chỉ là trước Tết khoảng 1 tuần, em có bị cảm cúm nhẹ, em đã cẩn thận mua que thử, 1 vạch, sau đó em có uống thuốc cảm vì sợ Tết bị ốm".



Nghe đến đó, bác sĩ lắc đầu và nói: "đó cũng là một nguyên nhân, thai của em không phân chia não trước, một bên tay trái của em bé bị khèo...". Vì không có hiểu biết, nên tôi hỏi lại bác sĩ: "có nghiêm trọng lắm không ạ". Vẻ mặt bác sĩ khá buồn và căng thẳng, ông nói với tôi: "dị tật này là nghiêm trọng!". Sau đó, ông gọi thêm bác sĩ khám vào. Trao đổi một vài phút, ông nói sẽ cho tôi vào bệnh viện phụ sản T.Ư để hội chẩn. Tim tôi đập thình thịch, tôi cảm thấy lo lắng nhưng vẫn cứ hy vọng vì biết đâu em bé của tôi chưa phát triển hết, biết đâu bác sĩ nhìn sai...



Buổi tối hôm đó, tôi lao ngay vào Internet để tìm kiếm thông tin về "thai nhi không phân chia não trước". Quá bất ngờ với kết quả tìm được, tôi đã không thể kìm được nước mắt... Có thể tôi sẽ không thể giữ được sinh linh bé bỏng vẫn đang lớn trong bụng mình. Đó là một lỗi về NST số 13, ảnh hưởng tới não và các bộ phận mắt, mũi. Lỗi này khó có thể truy tìm được nguyên nhân thực sự, có thể có yếu tố di truyền nhưng cũng có thể chỉ là lỗi trong quá trình phân chia tế bào.



Niềm an ủi lúc đó với tôi duy nhất chỉ là đây không phải là một lỗi hiếm gặp, yếu tố di truyền rất rất hiếm. Tuy nhiên, các vấn đề về cúm, xoang, hay bị nhiễm vi rus nào đó cũng có 1 tác nhân gây nên sự phân chia tế bào bị lỗi.



Đêm đó, tôi đã khóc cạn nước mắt, khóc đến nỗi chồng tôi, dù rất buồn và thương vợ cũng phải quát lên vì sốt ruột, rồi lại ôm vợ vào cho vợ... khóc tiếp. Buổi sáng ngày Chủ nhật đó, chúng tôi quyết định đi siêu âm thêm vài nơi có uy tín xem kết quả có khác không để phần nào giải tỏa tâm lý.



Nhưng tất cả, cùng 1 kết quả, và nơi các bác sĩ siêu âm và khám đều khuyên tôi là vào bệnh viện, hội chẩn bác sĩ và tìm ra giải pháp tốt nhất: đình chỉ thai nghén càng sớm càng tốt...



Theo lịch hẹn, vào sáng thứ 2 tuần kế tiếp, tôi sẽ đến bệnh viện Phụ sản T.Ư làm hội chẩn tại Trung tâm chuẩn đoán trước sinh.



-----



Tôi đã từng nghĩ mình sẽ chỉ vào bệnh viện Phụ sản khi làm thủ tục để sinh em bé. Nhưng số phận đã đưa đẩy tôi tới đây sớm hơn...



Theo lịch hẹn của bác sĩ khám cho tôi (cũng là bác sĩ làm tại bệnh viện Phụ sản T.Ư ở Hà Nội), vợ chồng tôi đến tầng 3, nhà H. Tại đây, bác sĩ khám đưa chúng tôi đến trung tâm chuẩn đoán trước sinh để làm thủ tục khám



Vì đến muộn, không đăng ký số thứ tự, bác sĩ khám có nói phải chờ tới 12 giờ trưa mới được khám vì mình "chen ngang". Cũng không còn cách nào khác, lúc đó mới hơn 9 giờ sáng, ngoài hành lang rộng chừng 1,5 m trước cửa trung tâm đã trung tâm đã đông kín bệnh nhân và người nhà. Kẻ đứng người ngồi, mỗi người một tâm trạng. Nhưng có một điều chung, đã vào tới trung tâm này thì chắc chắn thai nhi ít nhiều có những vấn đề nào đó, vì thế, vẻ mặt ai cũng lo lắng, buồn buồn.



Chờ đợi lâu, vợ chồng tôi tranh thủ tìm hiểu qua về trung tâm. Nó quá nhỏ so với lượng người tới khám, vẻn vẹn có 4 phòng: phòng xét nghiệm, phòng thủ thuật, phòng tư vấn và phòng trả kết quả các xét nghiệm như thử nước ối, tripper test, máu...



Chúng tôi làm thủ tục tại phòng tư vấn, tại đây, theo như bảng hướng dẫn dán trước cửa, nếu muốn bác sĩ tư vấn chúng tôi phải trả 20.000 đồng cho 10 phút, nếu quá thời gian thì trả thêm tiền. Rất muốn nghe bác sĩ tư vấn, nhưng xem chừng điều đó rất khó, vì sau khi làm thủ tục, lập tức chúng tôi được mời ra ngồi ngoài hành lang và chờ đợi được gọi tên. Nhân viên y tế ở đó nói vợ chồng tôi cứ đăng ký, sẽ được tư vấn trước khi khám nhưng chờ mãi, chẳng thấy ai gọi...



Hai vợ chồng ra ngoài hành lang ngồi, ở đây, cũng có nhiều bà bầu ngồi chờ đợi mà không dám đi đâu xa, chỉ sợ y tá đột ngột gọi không có mặt vừa bị mắng, lại phải chờ tới lượt sau. Ngồi tại đây quan sát một lúc, tôi mới biết, nguyên tắc để khám tại trung tâm là cả vợ, cả chồng đều phải đi, khi vào phòng, y tá thường gọi tên sản phụ và chồng. Nếu không có chồng đi kèm thì nhất thiết phải có thêm người nhà, họ hàng. Nhưng khi vào phòng khám, liên quan tới một quyết định nào đó, thì bắt buộc phải là chồng hoặc người thân trong gia đình.



Nếu như ở phòng khám, đa số gặp các bà bầu ở Hà Nội thì tới trung tâm phần nhiều là từ các tỉnh thành trong cả nước về đây. Do đó, 1 bà bầu nhưng kéo theo từ 1 tới 3,4 người thân đi kèm. Tôi ngồi chờ đối diện với phòng thủ thuật, nơi bác sĩ sẽ siêu âm, khám thai. Thông thường một ca khám thường kéo dài từ 15 tới 20 phút. Sau đó bệnh nhân tiếp tục chờ đợi bác sĩ hội chẩn và trả kết quả.



Ba tiếng đồng hồ ngồi chờ đợi, chứng kiến nhiều bà bầu và nghe các câu chuyện của họ, vợ chồng tôi như phần nào được chia sẻ về vấn đề của mình. Tôi ngồi cạnh người nhà của một chị đã ngoài 30 tuổi từ Lạng Sơn xuống.



Chị đã mang thai tới tháng thứ tuần thứ 30 thì biết đường tiêu hóa của em bé có vấn đề khá nghiêm trọng, liên quan tới một loại men nào đó mà nếu sinh ra, em bé sẽ không thể tự mình tiêu hóa được thức ăn. Sau 10 phút đi vào phòng khám, chị bước ra ngoài, mắt đỏ hoe, kết quả ban đầu bác sĩ khuyên nên giữ lại thai vì nó quá lớn. Khi sinh ra, bác sĩ sẽ tiêm cho em bé 1 liều thuốc nhưng vấn đề cơ thể em bé có tiếp nhận hay không thì chưa thể khẳng định được.



Ngồi cạnh bên trái tôi là hai vợ chồng cũng khá trẻ ở Hà Nội, hỏi ra, chồng sinh năm 1980, còn chị vợ sinh năm 1984, hơn tôi 1 tuổi đang mang thai ở tháng thứ 4. Họ vào đây vì kết quả siêu âm ở một vài nơi có sự khác nhau liên quan tới dị tật của em bé về đốt sống, chân và mũi. Chị vợ tên là H. chia sẻ: "tuần trước mình đi siêu âm thì bác sĩ nói em bé không có mũi, thiếu một đốt sống. Đến hôm qua, đi siêu âm ở nơi khác thì nói đã nhìn thấy mũi, nên mình muốn kiểm tra lại. Dù thế nào thì mình vẫn muốn sinh em bé, mẹ chồng mình nói em bé thế nào thì cũng là con của mình, phải để em bé ra đời".



Một chị ngồi đối diện hàng ghế chờ của chúng tôi cũng sinh năm 1984, tên là Hương, mang thai ở tuần thứ 34 góp chuyện: "nhưng mình nghĩ vẫn phải nghe theo lời khuyên của bác sĩ, như thế tốt cho cả hai...". Chị kể, em bé của chị là con gái, đi siêu âm tới tháng thứ 7, bác sĩ mới phát hiện bị hở môi trên, trước đó, khi siêu âm, em bé cứ để tay che miệng nên rất khó phát hiện ra. Chị cũng đã rất lo lắng, nhưng thai to quá, thêm nữa, với sự tiến bộ của y học, việc phẫu thuật tái tạo môi trên giờ rất dễ dàng. Chị muốn đi kiểm tra thêm một lần nữa cho chắc chắn.



Chúng tôi an ủi chị, dù sao, trường hợp của chị còn rất may mắn, những dị tật về hình thể như khèo chân, khèo tay hay hở hàm ếch hoặc nặng như về tim đều có chương trình quốc gia như Phẫu thuật hở hàm ếch hay Trái tim cho em. Tuy nhiên, người mẹ cũng phải chuẩn bị tâm lý cũng như các kỹ năng thật tốt để đón con ra đời vì nuôi em bé có dị tật sẽ vất vả hơn rất nhiều so với em bé bình thường.



Câu chuyện của chị Hương vẫn tiếp nối, chị kể về hoàn cảnh của mình, về người chồng đầu bị tai nạn qua đời, về cuộc sống bôn ba của chị đất Hà Thành. Khi mọi người hỏi chồng chị đâu, chị nói đi một mình. Rồi một lúc sau, một người đàn ông khá già xuất hiện... Có thể, vì câu chuyện khá cởi mở, chị mạnh dạn chia sẻ: "đây là bố của bé gái trong bụng mình, nhưng chưa phải là chồng, mong mãi mình mới có bé, vậy mà bé lại bị thế này..."



Rồi chúng tôi cũng đến lượt được gọi vào phòng khám. Siêu âm cho tôi là một bác sĩ khá nổi tiếng tại miền Bắc. Ông là người có tài thực sự, nhìn hình ảnh thai nhi rất tốt, tuy nhiên, về tính tình thì hơi hơi khác người khiến nhiều "chị em" e ngại.



Lúc tôi lên giường siêu âm đã là 12h30 phút, ông đặt đầu dò lên bụng tôi, ấn khá mạnh và... quát: "cô dậy đi vệ sinh ngay cho tôi, đã dặn là phải đi vệ sinh rồi mới vào phòng cơ mà". Tôi khá bất ngờ nhưng răm rắp làm theo. Quả thật, mải ngồi buôn với lại cũng vừa mới đi nên tôi đã không làm theo lời cảnh báo trên cửa phòng.



Quay trở lại phòng, lúc này tâm lý của tôi và chồng đã nghĩ tới điều xấu nhất, chỉ mong một điều kỳ diệu sẽ xảy ra mà thôi. Đầu dò đều đặn lướt trên bụng tôi. Bác sĩ đã biết qua về tình hình nên đi ngay vào vấn đề chính. Ông trầm ngầm, chống tay vào cằm: "vẫn có hốc mắt, mũi, nhưng đúng là không có đường phân chia thùy não". Ông cầm đầu dò đậm khá mạnh vào bụng tôi: "tay phải bình thường, bàn tay xòe ra, nhưng tay trái có vấn đề, không chỉ khèo mà ngón tay còn có màng".



Khoảng 3 phút sau, quá trình siêu âm của tôi kết thúc. Vì là người cuối cùng, bác sĩ đã hội chẩn và đưa ra kết quả với vợ chồng tôi luôn.



"Đây là dị tật Nhiễm sắc thể số 13, ảnh hưởng tới não, nó là tổn thương nghiêm trọng. Tốt nhất cháu nên đình chỉ thai kỳ sớm". "Thưa bác sĩ, việc não không phân chia có thể nào là do thai nhi quá bé không?", chồng tôi hỏi. "Không, nếu phân chia thì nó đã phân chia từ đầu, thời điểm 12 tuần là lúc có thể nhìn thấy rõ". "Thế nguyên nhân của việc này là do đâu ạ", tôi hỏi tiếp. "Khó có thể tìm ra đúng nguyên nhân, tôi sẽ cho cháu chọc ối để nuôi cấy tế bào xem nó là do quá trình phân chia hay là từ di truyền".



"Mọi quyết định là do hai cháu, nhưng nên đưa ra ý kiến sớm tốt cho cả mẹ, cả con...", bác sĩ kết luận.



Buổi trưa hôm đó, chúng tôi ăn tại một quán nhỏ gần bệnh viện để buổi chiều làm thủ tục chọc nước ối và có thể nhập viện luôn để làm thủ tục. Lại tiếp tục những giây phút chờ đợi dài dằng dẵng trong bệnh viện vì vô vàn những thủ tục loằng ngoằng. Tôi và chồng ký cam kết chấp nhận rủi ro khi chọc ối, lấy mẫu đơn để chuyển qua trung tâm kế hoạch hóa gia đình ngay đối diện trung tâm chuẩn đoán trước sinh để có thể làm thủ thuật phá thai.



Mọi chuyện không hề đơn giản như chúng tôi tưởng tượng khi phải qua rất nhiều khâu, làm đủ các xét nghiệm, rồi lại ra về chờ tới lịch hẹn. Tới đây, vì không còn đủ kiên trì và quá mệt mỏi cho quãng thời gian 1 ngày tại bệnh viện, chúng tôi "cầu cứu" lại bác sĩ khám để nhờ anh giúp.



Nhưng kết cục, tôi vẫn phải ra về, chờ chọc ối, chờ xin chữ ký lãnh đạo bệnh viên về "đơn phá thai tình nguyện". Khi chạy qua nộp đơn tại Trung tâm kế hoạch hóa gia đình, chân tôi đã run bủn rủn, rồi lại thở phào khi chưa phải nhập viện. Đưa tay xuống cái bụng hơi to to của mình, tôi chảy nước mắt, dù sao sinh linh bé bỏng vẫn còn một đêm ấm áp trọng bụng. Đêm đó, gió mùa Đông bắc tăng cường, trời mưa và rất lạnh...



---



Nhật ký mang thai dị tật (P.3): Tạm biệt sinh linh bé bỏng



Tôi đã có trọn vẹn 1 ngày chờ đợi tại Trung tâm kế hoạch hóa gia đình. Tôi nhận ra rằng: phá thai, dù vì lý do nào đi chăng nữa đều rất đáng thương và đau đớn.



Ngày thứ 3



Tôi quay lại Trung tâm chuẩn đoán trước sinh để chọc nước ối. 8h giờ sáng, hành lang trước Trung tâm đã lại kín đặc người, trong góc cuối hành lang, gần phòng thủ thuật, gần 20 "bà bầu" mặc áo và váy (giống như cái nơm... bắt cá), màu trắng toát đang ngồi chờ để chọc ối.



Thành phần "bà bầu" đủ lứa tuổi, có khoảng dăm chị tuổi trên 30 chọc ối để kiểm tra kỹ hơn về hội chứng Down theo chỉ định của bác sĩ; còn có người kiểm tra não úng thủy...



Tôi lại tiếp tục "điệp khúc" chờ đợi. Khoảng 11h, tôi là người cuối cùng vào phòng thủ thuật. Mới đầu, theo tưởng tượng, tôi nghĩ, họ sẽ lấy nước ối qua đường âm đạo, nhưng không, các bác sĩ dùng một chiếc kim nhọn, dài chừng 5-7 cm chọc vào vùng bụng dưới rốn. Vừa chọc, vừa dùng đầu dò siêu âm tìm vị trí nhiều nước ối nhất để hút.



Vì thai nhi của tôi còn bé (khoảng 13 tuần), nên rất ít nước ối. Ngồi ngoài hành lang, tôi nghe một số "bà bầu" nói ít nhất 17 tuần mới có ối để chọc, nhưng không hiểu sao bác sĩ lại chỉ định tôi chọc thời điểm này. Có lẽ, bác sĩ muốn "thử nghiệm" tôi chăng vì biết tôi không giữ lại em bé...



Kết quả, sau 2 lần chọc và ngoáy kim đau nhói, tôi không lấy được nước ối! Bác sĩ lúc này lắc đầu: "quên không tư vấn cho cháu làm sinh tiết rau..." Tôi chẳng biết nói sao và quá ngán ngẩm cảnh chờ đợi, tôi không làm nữa, đành chấp nhận và chờ đợi sau thời gian này sẽ đi làm NST đồ cả vợ và chồng.



Buổi chiều, một lần nữa, tôi trở lại Trung tâm kế hoạch hóa gia đình. Chồng tôi đi thăm dò quanh trung tâm. Khi làm thủ thuật phá thai, sẽ có 2 con đường: vào khoa sản 2 ngày tầng 2, khá đông, 2 bà bầu nằm 1 giường; thứ hai, có thể xuống khoa theo yêu cầu. Vợ chồng tôi chọn xuống khoa theo yêu cầu với hy vọng sẽ có chỗ nằm tử tế, được chăm sóc tốt hơn.



Cả buổi chiều hôm đó 2 vợ chồng chờ để xin chữ ký vào "đơn phá thai tình nguyện" của lãnh đạo bệnh viện Phụ sản, nộp đầy đủ hồ sơ vào Trung tâm kế hoạch hóa gia đình, lấy giấy hẹn cho buổi sáng ngày mai.



Ngày thứ 4



7h30 phút, tôi vào Trung tâm kế hoạch hóa gia đình, mọi người đã chen nhau trên hành lang chật chội của bệnh viện. Ở đây có những gương mặt rất trẻ, non nớt, sợ sệt; có những gương mặt buồn rầu, lo lắng và bồn chồn...



Trước khi vào làm thủ thuật, tôi được vào phòng tư vấn, có lẽ vì quá đông, nên bác sĩ tư vấn cho tôi chỉ là hỏi tên, tuổi, lý do phá thai. Ngoài ra, về cách thức hay về việc chăm sóc sau khi phá thai thì quá hời hợt, tôi cũng chẳng có cơ hội để hỏi thêm vì có khoảng 5 người đang đứng chờ ngay sau tôi.



Tôi lại được phát cái váy "nơm úp cá" và ngồi chờ ở hành lang đợi gọi. Trên bức tường vàng trước mặt tôi, có dán 3 mẫu đơn "xin phá thai": mẫu thứ nhất dành cho người đã có chồng vì lý do vỡ kế hoạch: xin phá; mẫu thứ 2 dành cho người chưa đủ tuổi thành niên, phải có người bảo hộ đi cùng và ký đơn: xin phá; mẫu thứ 3 dành cho người đủ tuổi thành niên nhưng chưa có chồng: xin phá.



Trường hợp như tôi lại có mẫu riêng, được in sẵn và chuyển từ Trung tâm chuẩn đoán trước sinh sang.



10h, tôi được đưa vào phòng chờ bên cạnh phòng thủ thuật ngay đó. Nếu thai dưới 7 tuần, việc làm thủ thuật diễn ra ngay tại Trung tâm, thai lớn hơn sẽ chuyển xuống phòng sản 2 và sang khoa yêu cầu. Chỉ đơn giản như thế nhưng tôi và vài người khác tiếp tục chờ thêm 1 tiếng nữa.



Ngày hôm đó, có khoảng 10 "bà bầu" phải làm thủ thuật: 4 ca bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu, 1 ca xin phá vì nguy cơ hội chứng Down cao, 1 ca của tôi, còn lại nằm trong số 3 đơn xin phá thai kia.



11h, cô y tá (nét mắt đăm đăm và không ngừng kêu ca về sự mệt mỏi khi phải chạy lên chạy xuống đưa hết người này tới người khác đi) dẫn chúng tôi xuống tầng 2 của khoa theo yêu cầu. Tại đây, chúng tôi được trưởng khoa hỏi han để vào hồ sơ, y tá phát thuốc ngậm và đưa vào phòng 215 để chờ đợi.



Giọng y tá tại khoa lạnh lùng: các sản phụ rất đông, phải chấp nhận nằm 3 người 1 giường đấy. Không thể diễn tả cảm giác lúc đó: 3 người 1 giường, khoa theo yêu cầu... chúng tôi không thể hiểu nổi!!! Nhưng cái sự "ngạc nhiên" của chúng tôi còn kinh khủng hơn khi bước chân vào phòng 215 đó. La liệt các "bà bầu" đã được ngậm thuốc, 1 giường đã chứa "quá tải" 3 bà, thêm 4 người chúng tôi không biết... nhét vào đâu.




Chồng tôi và người nhà của một vài sản phụ khác bắt đầu đi thắc mắc, đáp lại vẫn chỉ một giọng lạnh lùng, vô cảm: chỉ có phòng đó thôi, các phòng khác là dành cho bệnh nhân mổ, sản phụ sinh đã đặt chọn gói rồi.



Quá sốc, nhưng đành chấp nhận vì giờ quả thật chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Việc ngậm thuốc là hình thức cho sảy thai tự nhiên, khi âm đạo chảy máu và mở bác sĩ sẽ lấy cả búi thai ra. Cách làm thủ thuật này được coi là tiên tiến nhất và không gây sự "kinh sợ" cho sản phụ...



Điểm hạn chế của phương pháp này chính là thời gian sảy thai phụ thuộc vào cơ địa từng thai phụ. Có những người chỉ ngậm thuốc khoảng 2-4 tiếng đã có thể làm thủ thuật. Nhưng cũng có người phải mất 8-10 tiếng hoặc thậm chỉ là cả tuần. Trong phòng 215 dành cho các sản phụ phá thai hôm đó, có vài trường hợp như vậy. Một chị đã ngậm thuốc được 5 ngày, thai bị cạn nước ối, không giữ được, chị phải truyền nước để tăng lượng ối. Một em ở nước ngoài, vì điều kiện tại đó không cho phá thai nên về Việt Nam, em đã ngậm thuốc 3 ngày nhưng chưa thấy hiện tượng gì...



Chúng tôi nhường nhau chỗ ngồi và nằm trong lúc chờ đợi. Lúc này, mong muốn duy nhất là được tiến hành làm thủ thuật nhanh, an toàn. Đối diện phòng 215 là phòng của một sản phụ vừa sinh mổ, gia đình bên cạnh, tiếng khóc trẻ thơ, niềm vui của người được làm mẹ khiến một vài giây phút chúng tôi chạnh lòng...



5h chiều hôm đó, tôi cũng lên bàn thủ thuật, tôi vẫn tỉnh táo, chỉ được y tá tiêm cho một liều thuốc giảm đau, mọi thứ đều nghe rõ, bác sĩ làm thủ thuật bình thản. Với họ, đây là công việc, cả sự lạnh lùng hay cáu bẳn kia cũng là vì áp lực trong bệnh viện quá lớn. Vì có sự nhờ vả và quen biết, bác sĩ đã cố gắng làm nhanh, không quá đau cho tôi. Nhưng cái cảm giác đụng các dụng cụ vào người cũng làm tôi sợ khủng khiếp, tim đập thình thịnh, chỉ biết nhắm mắt cho mọi chuyện mau qua.



Khoảng 30 phút, tôi rời bàn thủ thuật sau khi được y tá "đóng bỉm", tôi tự đi xuống, chồng vào dìu sang lại phòng 215. Ở đó, một vài "bà bầu" chưa làm đã nhường chỗ cho chúng tôi. Mặc dù thế tôi cũng phải nằm tráo đầu đuôi với 1 chị cũng vừa làm thủ thuật trước đó.



Tôi tiếp tục được bác sĩ cho ngậm thuốc, sau đó là uống thuốc kháng sinh và kháng viêm. Nằm im trong khoảng 2 tiếng để theo dõi xem có bị lạnh trong (chảy máu trong), sốt (bị viêm) hay biểu hiện bất thường nào khác không. Nếu ổn định, bác sĩ kiểm tra là có thể ra về được.



Tình trạng của tôi khá ổn, nhưng chồng tôi nói cứ ở trong viện 1 đêm vì nhà chúng tôi cách viện khá xa. Thế nhưng, nếu cứ nằm ở đây đồng nghĩa với việc các sản phụ khác không có chỗ để ngủ trong đêm nay... Chúng tôi cảm thấy khá áy náy. Chồng tôi, cố gắng đi "thăm dò" các phòng, tìm hiểu và nhờ vả. Cũng may sau đó, một chị mổ u nang đã đồng ý cho nằm nhờ vì giường của chị khá rộng.



Đêm đó tôi ở lại trong bệnh viện với cái bụng đã rỗng, bụng khá đau vì dạ con đang co lại. Cảm giác lúc đó của cả tôi và chồng là khá nhẹ nhàng, chúng tôi nguyện cầu cho sinh linh bé bỏng đó không oán trách và sớm siêu thoát...



Ngày thứ 5



Buổi sáng hôm đó, bác sĩ nói chúng tôi đi siêu âm rồi mang kết quả lại kiểm tra. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, bác sĩ kê thêm cho tôi thuốc ngậm (để ra hết dịch trong tử cung), kháng sinh mạnh và kháng viêm uống khoảng 1 tuần.



Vì chúng tôi đăng ký phá thai theo yêu cầu nên số tiền nộp theo kiểu tạm thu trước đó sẽ là thu thật, không được trả lại. Lúc này, hai vợ chồng tôi mới lơ mơ đoán ra. Có lẽ vì lý do chọn gói đó mà họ "nhét" chúng tôi vào 1 phòng duy nhất đó. Nếu bạn có nằm 1 ngày hay 10 ngày thì chi phí cho việc phá thai đã nộp cố định, họ không thu thêm tiền phòng nằm mỗi ngày của bạn. Phòng đó người ra, người vào liên tục, ai chưa thể làm thủ thuật thì vẫn cứ nằm chờ ở đó.



Một kinh nghiệm nhớ đời...



Chúng tôi nhờ bác sĩ tư vấn thêm về việc chăm sóc sau sinh. Các cụ nói "một lần sa bằng 3 lần đẻ", bác sĩ thì chỉ khuyên giữ gìn, không ăn chua, không ăn rau cải... Còn kinh nghiệm của người lớn và các mẹ thì vô vàn. Tất nhiên, chúng tôi răm rắp làm theo. Theo lịch hẹn, 2 tuần sau chúng tôi sẽ quay lại bệnh viện để kiểm tra lại.



Hình minh hoạ




Theo PLXH


http://tintuconline.com.vn/vn/tamsu/488731/index.html