Các mẹ thân mến,



Dù chẳng mẹ nào muốn mình trải qua, nhưng mẹ nào từng mang thai đều từng ít nhiều lo sợ động thai, và khủng khiếp hơn là sảy thai. Pippa tạo topic này để tổng hợp các thông tin chính thống và cũng như kiến thức khoa học để các mẹ có thể tìm hiểu về hiện tượng đáng tiếc và đau lòng này. Hy vọng khi đã hiểu hơn về nó, chị em chúng mình có thể biết được nguy cơ của mình, biết cách xử trí khi nghi ngờ động thai và sảy thai, hiểu những gì xảy ra ở bệnh viện và quan trọng hơn là có thể giảm thiểu được nguy cơ và phòng ngửa sảy thai cho chính mình.



Với các mẹ đã từng không may bị động thai hay sảy thai, hãy kể lại cảm giác cũng như cảm xúc khó quên đó để các mẹ khác cũng sẻ chia và rút kinh nghiệm cho mình. Và mong cho tất cả các bà mẹ mang thai đều sẽ trải qua một thai kỳ khoẻ mạnh, dễ chịu và an lành @};-!!!



---



Mọi điều mẹ cần biết về hiện tượng sảy thai



(Webtretho)
Sảy thai là cơn ác mộng của mọi bà mẹ mang thai, khi thai kỳ kết thúc sớm và người mẹ sẽ không còn cơ hội đón con yêu chào đời trong lần mang thai này. Dù chẳng ai muốn trải qua điều này, nhưng hiểu về hiện tượng sảy thai sẽ giúp các mẹ yên tâm chăm sóc thai kỳ tốt hơn, và nếu may mắn có thể phòng ngừa được nguy cơ sảy thai cho chính mình.



Phần 1: Nguyên nhân gây sảy thai



Sảy thai là gì?



Sảy thai là hiện tượng thai kỳ chấm dứt sớm trong 20 tuần thai đầu tiên. Có khoảng 10-20% số ca mang thai bị sảy, và khoảng 80% trong số này sảy thai trước tuần thai thứ 12.



Số liệu này được thống kê không bao gồm các trượng hợp trứng thụ tinh bị sảy trước khi kịp phát triển thành phôi thai. Các nghiên cứu đã kết luận rằng có từ 30-50% trứng đã thụ tinh bị sảy trước khi bám được vào thành tử cung để phát triển thành phôi thai – các trường hợp này thường xảy ra rất sớm, trước cả ngày dự kiến bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt mới.



Nguyên nhân nào gây sảy thai?



Khoảng 50-70% trường hợp sảy thai trong tam cá nguyệt đầu tiên được cho là do bất thường nhiễm sắc thể ngẫu nhiên của trứng đã thụ tinh. Phổ biến nhất là trường hợp trứng hoặc tinh trùng có số nhiễm sắc thể bất thường khiến trứng thụ tinh không thể phát triển bình thường. Đôi khi sảy thai xảy ra do có vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành rất tinh vi của thai nhi vào giai đoạn đầu của thai kỳ, bao gồm các trường hợp trứng không thể bám chắc vào thành tử cung hay phôi thai bị dị tật cấu trúc nên không thể tiếp tục phát triển.



Một phần không nhỏ các ca say thai sớm là do bất thường nhiễm sắc thể


ngẫu nhiên của trứng hoặc tinh trùng. Ảnh: Gettyimages.



Vì hầu hết các trường hợp sảy thai đơn lẻ đều không được kiểm tra đầy đủ sau sảy thai nên thường không chẩn đoán được nguyên nhân. Ngay cả khi bạn được khám kỹ sau khi sảy thai từ 2-3 lần thì cũng chỉ kết luận được nguyên nhân trong khoảng 50% trường hợp mà thôi.



Khi trứng đã thụ tinh có vấn đề về nhiễm sắc thể, bạn có thể sẽ bị sảy thai sớm do hiện tượng trứng trống (hay thai không phôi). Trong trường hợp này, trứng đã thụ tinh đã cấy vào thành tử cung, nhau và túi thai đã bắt đầu phát triển, nhưng bào thai ngừng phát triển rất sớm và không hình thành được phôi thai bên trong túi thai. Trong khi đó, nhau thai đã hình thành và bắt đầu sản sinh ra hormone thai kỳ nên bạn vẫn sẽ có kết quả dương tính với que thử thai và có thể có các triệu chứng thai nghén sớm, nhưng kết quả siêu âm sẽ chỉ cho thấy một túi thai trống rỗng. Trong trường hợp khác, bào thai có phát triển chút ít nhưng có bất thường nên không thể tiếp tục tồn tại, và thai sẽ ngừng phát triển trước khi có tim thai.



Nếu em bé trong bụng bạn có nhịp tim bình thường - thường thể hiện trên hình ảnh siêu âm ở tuần thứ 6 của thai kỳ - và bạn không có các triệu chứng như chảy máu hay đau quặn bụng, nguy cơ sảy thai của bạn đã giảm xuống đáng kể và sẽ tiếp tục giảm sau mỗi tuần trôi qua.



Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ sảy thai?



Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể bị sảy thai, nhưng một số phụ nữ có nguy cơ sảy thai cao hơn những người khác do:



Tuổi tác:
Phụ nữ càng lớn tuổi càng dễ có khả năng thụ thai với nhiễm sắc thể bất thường, và kết quả là sảy thai sớm. Trên thực tế, phụ nữ từ 40 tuổi trở lên có tỉ lệ sảy thai cao gấp 2 lần so với phụ nữ ở tuổi đôi mươi. Nguy cơ sảy thai của bạn cũng tăng dần theo số lần sinh con.



Bố mẹ càng cao tuổi, tỷ lệ sảy thai càng cao. Ảnh: Gettyimages.



Tiền sử sảy thai:
Phụ nữ đã từ sảy thai từ 2 lần trở lên có nhiều nguy cơ sảy thai lần nữa hơn những phụ nữ khác.



Các chứng rối loạn hoặc bệnh mãn tính:
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt, các chứng rối loạn đông máu, rối loạn tự miễn (như chứng kháng phospholipid hoặc bệnh lupus), rối loạn nội tiết (như đa nang buồng trứng) và một số bệnh khác đều làm tăng nguy cơ sảy thai.



Các vấn đề về tử cung và cổ tử cung:
Một số bất thường bẩm sinh ở tử cung, dính tử cung, cổ tử cung ngắn hoặc yếu bất thường (suy cổ tử cung) cũng làm tăng tỷ lệ sảy thai. Mối liên hệ giữa u xơ tử cung và sảy thai không rõ ràng và vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng hầu hết u xơ không gây trở ngại cho thai hoặc gây sảy thai.



Tiền sử dị tật bẩm sinh và vấn đề di truyền:
Nếu bạn, hoặc chồng, hoặc các thành viên trong gia đình có bất thường về di truyền, đã từng bị chẩn đoán dị tật thai ở lần mang thai trước hay đã sinh ra trẻ bị dị tật bẩm sinh, bạn có nguy cơ sảy thai cao hơn.



Nhiễm trùng, nhiễm khuẩn và virus:
Bạn sẽ có nguy cơ sảy thai cao hơn nếu nhiễm khuẩn listeria, quai bị, rubella, sởi, nhiễm virus CMV, nhiễm parvovirus, bệnh lậu, HIV, các chứng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn và virus khác.



Hút thuốc, uống bia rượu và dùng chất kích thích:
Hút thuốc, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích như cocaine và thuốc lắc trong thời gian mang thai đều có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Một số nghiên cứu cũng cho thấy mối liên quan giữa nồng độ caffeine cao và sự gia tăng nguy cơ sảy thai.



Thuốc men:
Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, nên việc trao đổi cẩn thận với bác sĩ về đơn thuốc khi đang mang thai hoặc đang lên kế hoạch thụ thai là rất quan trọng. Đừng chủ quan, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả các loại thuốc không cần toa như thuốc kháng viêm không steroid – như aspirin.



Độc tố từ môi trường:
Các yếu tố từ môi trường làm tăng nguy cơ sảy thai bao gồm: chì, asen, một số hoá chất như formaldehyde, benzen, oxit ê-ty-len, một lượng lớn bức xạ và không khí ô nhiễm.



Nếu cha mẹ thường phải tiếp xúc với hoá chất và môi trường ô nhiễm,


tỷ lệ sảy thai và dị tật thai cũng tăng cao. Ảnh: Gettyimages.



Yếu tố từ người cha:
Nguy cơ sảy thai có bị ảnh hưởng đôi chút từ thể trạng của người cha, chẳng hạn tuổi của người cha càng lớn thì nguy cơ sảy thai càng cao. Các nhà khoa học đang nghiên cứu thêm về tình huống tinh trùng bị tổn hại do môi trường nhưng vẫn thụ tinh được cho trứng; một số nghiên cứu đã chứng minh được rằng nếu người cha tiếp xúc với thuỷ ngân, chì hoặc các hoá chất công nghiệp và phân bón trong thời gian thụ thai, nguy cơ sảy thai của người mẹ sẽ cao hơn.



Béo phì
: Một số nghiên cứu đã đưa ra được bằng chứng về mối liên quan giữa bệnh béo phì và nguy cơ sảy thai.



Thủ thuật y tế:
Nguy cơ sảy thai tăng nhẹ sau một số loại thủ thuật y tế như lấy mẫu lông nhung màng đệm hay chọc dò ối để xét nghiệm và chẩn đoán khiếm khuyết di truyền của thai nhi.Nguy cơ sảy thai của bạn cũng cao hơn nếu bạn có thai lại trong vòng 3 tháng sau khi sinh con lần trước.



>> Phần 2: Dấu hiệu sảy thai & xử trí khi bị sảy thai